Khai thác du lịch quá mức, tận diệt hải sản đe dọa khu bảo tồn biển Việt Nam

Khai thác du lịch quá mức, tận diệt hải sản tác động rất lớn, gây hậu quả nặng nề đối với thiên nhiên biển, làm suy giảm chất lượng các hệ sinh thái dưới nước.

Ngày 19/10, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND TP Đà Nẵng và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh.

 Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh.

Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNN, công tác bảo tồn biển tại Việt Nam còn rất hạn chế. Việc khai thác du lịch quá mức, tận diệt hải sản thiếu sự giám sát từ cơ quan quản lý đang tác động rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng đối với thiên nhiên biển, làm suy giảm chất lượng các hệ sinh thái dưới nước.

Theo Bộ NN&PTNN, Lý Sơn, Cù lao Chàm, Phú Quốc là những điểm đang rất “nóng” về vấn đề bảo tồn biển. Tại những địa phương này, ô nhiễm môi trường ven biển từ rác thải du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa đang diễn ra ngày càng khủng khiếp, để lại hậu quả nặng nề.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, 4 năm trở lại đây, tổng số vụ vi phạm các quy định quản lý Nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn biển là 767 vụ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn biển, con số này còn lớn hơn rất nhiều nhưng chưa được thống kê.

Ngoài ra, các hoạt động trong khai thác, lặn bắt những loài hải sản quý hiếm diễn ra rất thường xuyên. Đặc biệt, ngư dân sử dụng lưới kéo, ngư cụ có mắt lưới nhỏ, ngư cụ cấm, thuốc nổ để khai thác hải sản trong và xung quanh các khu bảo tồn biển vẫn diễn ra nhưng cơ quan chức năng không có chế tài xử phạt.

Một tàu giã cào đang đánh bắt theo lối "tận diệt" hải sản tại vùng biển gần bờ Đà Nẵng. (Ảnh: N.V)

Đề cập đến những khó khăn trong việc đảm bảo hiệu quả tại các khu bảo tồn biển, các đại biểu cho rằng do thiếu nhân lực và kinh phí. Sự xung đột lợi ích giữa bảo tồn và phát triển kinh tế cũng là vấn đề nảy sinh khó giải quyết. Ông Jacob Brunner, đại diện Tổ chức IUCN cho rằng, tại Việt Nam, khu vực bảo vệ nghiêm ngặt cho bảo tồn biển là rất nhỏ, khoảng dưới 1% diện tích, trong khi đó theo tiêu chuẩn quốc tế là 30%.

XUÂN TIẾN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/khai-thac-du-lich-qua-muc-tan-diet-hai-san-de-doa-khu-bao-ton-bien-viet-nam-d505171.html