Khai thác du lịch từ lễ hội truyền thống các dân tộc

Từ lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền Đông nay đã trở thành nhịp cầu đưa khách du lịch cả nước đến với những vùng, miền này...

Giờ đây, môn bóng đá nữ Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu đã nổi tiếng cả nước, thậm chí ở nước ngoài cũng có người nhắc đến nó. Nhưng nếu như không có các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra ở Bình Liêu, thì có lẽ môn thể thao này của chị em khó mà truyền bá xa tới như vậy.

Bóng đá nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu giờ đây đã nổi tiếng trong cả nước.

Trận bóng đá nữ Sán Chỉ đầu tiên ra mắt đông đảo công chúng mà các cô gái mặc nguyên váy áo dân tộc mình được tổ chức tại Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn năm 2017, không ngờ đã thu hút được rất đông người đến xem. Nhiều phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh có mặt nhiệt tình tác nghiệp. Nhiều tờ báo của nhiều cơ quan báo trung ương, địa phương cũng đưa tin, bài, ảnh về bóng đá Sán Chỉ khiến Húc Động trở nên nổi tiếng.

Ngay cả hãng thông tấn lớn nước ngoài như AFP hay France 24, vào tháng 4/2021 cũng đưa các bài “Farmers and football: The Vietnamese woman scoring big on the field” (Tạm dịch: Nông dân và Bóng đá: Phụ nữ Việt Nam tỏa sáng trên sân cỏ) nói về bóng đá nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu. Vậy là nhiều du khách khi đến Bình Liêu ngoài thăm các thắng cảnh, còn yêu cầu muốn được xem bóng đá nữ Sán Chỉ. Các cô gái Sán Chỉ còn ra cả TP Hạ Long đá bóng và cũng nhận được nhiều sự mến mộ của du khách.

Nhà truyền thống cộng đồng người Dao ở Ba Chẽ được nhiều du khách tìm đến từ Lễ hội Bàn Vương hàng năm.

Ở huyện Ba Chẽ trước đây, những người ở ngoài tỉnh hay huyện, thị khác đến với mảnh đất này chủ yếu là để tặng quà cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo làm nhà chứ hiếm khi đến vì mục đích du lịch. Hiện nay, số hộ nghèo ở Ba Chẽ còn rất thấp, nhà tạm không còn, thế nhưng số du khách đến Ba Chẽ ngày càng đông hơn, ước tính khoảng 7.000 lượt người kể từ đầu năm đến nay. Mục tiêu của du khách đến Ba Chẽ giờ đây là tham quan và trải nghiệm các lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, như Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương, Lễ hội Sán Chay, Lễ mừng cơm mới người Dao.

Ba Chẽ tự nhận thấy huyện không có thế mạnh về biển như một số địa phương khác, vì vậy chủ trương thu hút khách du lịch từ việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số, như khôi phục lại các nghi lễ nhảy lửa, vật chày v.v.. Huyện cũng xây Nhà truyền thống cộng đồng người Dao tại xã Nam Sơn. Nơi đây hàng năm tổ chức Lễ hội Bàn Vương, được coi là thủy tổ người Dao ở Ba Chẽ và là nơi trưng bày văn hóa Dao với nhiều bức tượng sáp kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hàng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng, dụng cụ của người Dao xưa và nay, rất được người Dao các nơi ủng hộ. Nhiều người Dao ở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang... cũng coi đây là nhà thờ tổ của dân tộc mình và hàng năm đến với Ba Chẽ vào dịp Lễ hội Bàn Vương.

Khu vực đình Đồng Đình, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên được Đài Truyền hình Việt Nam chọn để làm Chương trình Làng Vui phát trên VTV3.

Từ năm 2018, tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên đã xây dựng Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày trên diện tích 17.625m2, gồm nhiều hạng mục và nhà văn hóa truyền thống 2 tầng, 5 gian. Từ đó đến nay, hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán, tại đây lại diễn ra Lễ hội Đồng Đình, gồm các nghi lễ đặc trưng của người dân tộc Tày như lễ “Lẩu Then”, lễ dâng hương, lễ cúng thần và phần hội gồm các môn thi thể thao dân tộc như: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, thi gói bánh Tày, thi trưng bày mâm cỗ người Tày, thi trình diễn trang phục dân tộc.

Từ Lễ hội Đồng Đình hàng năm, đây là nơi tìm đến không chỉ của người dân huyện Tiên Yên mà cả người Tày ở huyện Bình Liêu và tỉnh bạn Lạng Sơn. Đầu tháng 1/2022, Chương trình Làng Vui của VTV3 đã chọn Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày ở thôn Đồng Đình làm vị trí ghi hình. Chương trình Làng Vui là gameshow dành cho những nông dân thời đại 4.0. Sau khi những người làm Chương trình Làng Vui đi khảo sát nhiều xã ở huyện Tiên Yên, họ đã quyết định chọn xã Phong Dụ vì theo họ nơi đây có cảnh đẹp hữu tình, những ngọn đồi xanh, dòng sông Tiên Yên uốn khúc, những phong tục tập quán đặc sắc của người Tày, người Dao, người Sán Chỉ... Đặc biệt, những người nông dân ở đây rất giỏi tăng gia sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP, trong đó có gà Tiên Yên nổi tiếng trong cả nước.

Vậy là từ phát triển các lễ hội mà hàng năm các huyện đều có một lượng khách du lịch nhất định, tuy chưa đông nhưng cũng báo hiệu thành công bước đầu. Cái thành công hơn là giúp cho các huyện làm tốt hơn công tác bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số theo hướng tích cực.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khai-thac-du-lich-tu-cac-le-hoi-truyen-thong-van-hoa-cua-cac-dan-toc-3193059.html