Khai thác hiệu quả tài nguyên nước

Cùng với nguồn nước mặt phục vụ sản xuất thì các công trình cấp nước tập trung do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác cũng đang thực hiện các giải pháp đầu tư nâng cấp hệ thống nhà máy xử lý. Đồng thời, công ty mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước phục vụ người dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi đang rất cần nước mùa khô này.

BÀI CUỐI
ĐẢM BẢO CUNG ỨNG NƯỚC SẠCH CHO NGƯỜI DÂN

ƯU TIÊN VÙNG KHAN HIẾM NƯỚC

Cứ mỗi mùa khô đến, hàng trăm người dân tộc thiểu số (DTTS) xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh lại thấp thỏm lo âu vì thiếu nước sinh hoạt phải đi mua với giá đắt đỏ. Bởi nơi đây chưa có hệ thống nước máy, trong khi việc khai thác nước ngầm rất khó khăn do mực nước sụt giảm.

Nhân viên Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước mở rộng mạng lưới cấp nước cho người dân xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh

Ông Lâm Dương, Trưởng ấp 4, xã Lộc Hưng cho biết: Ấp 4 có 207 hộ/915 người, trong đó 95% là đồng bào Khmer. Những năm trước, bà con được Nhà nước quan tâm khoan giếng nhưng khoan sâu hơn 100m mà vẫn không đủ nước sử dụng. Bởi vậy, cứ vào mùa khô, nhất là dịp giáp tết Nguyên đán hằng năm bà con nơi đây lại thiếu nước sinh hoạt buộc phải mua ngoài. Nay được Nhà nước quan tâm lắp đặt đường ống, kéo nước máy vào tận nơi, bà con rất vui mừng, phấn khởi vì không còn lo thiếu nước nữa.

Chia sẻ khó khăn với đồng bào DTTS, thời gian qua Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước đã đầu tư mở rộng kéo 2.000m ống nước, lắp đặt cho khoảng 100 hộ dân thuộc ấp 3 và ấp 4, xã Lộc Hưng sử dụng. Việc có nước sinh hoạt vào mùa khô, nhất là dịp trước tết Nguyên đán vừa qua là niềm vui khó tả với người dân.

Anh Lương Anh Dũng, quản lý Trạm cấp nước tập trung Rừng Cấm, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước cho biết, do nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch của người dân nơi đây rất cấp thiết nên bà con đã tạo mọi điều kiện để anh em thi công đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Trạm cấp nước sinh hoạt tập trung Rừng Cấm (khai thác nước mặt hồ Rừng Cấm, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh), công suất 2.000m3/ngày đêm do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác đang phát huy rất hiệu quả. Công trình được đầu tư xây dựng từ lâu và hằng năm đều được cải tạo, nâng cấp để phục vụ nhu cầu của 1.500 hộ dân. Công suất lớn cùng với công tác quản lý, vận hành hiệu quả nên không chỉ ở xã Lộc Tấn mà người dân trên địa bàn thị trấn Lộc Ninh và xa hơn là các xã Lộc Thái, Lộc Hưng cũng có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện công trình cấp nước Rừng Cấm mới chỉ khai thác hơn một nửa công suất nên thời gian tới nếu đáp ứng nguồn vốn sẽ đầu tư mở rộng mạng lưới, đem nước sạch đến người dân các địa bàn khác của huyện Lộc Ninh.

Còn công trình cấp nước tập trung Thọ Sơn, huyện Bù Đăng sau nhiều năm “đắp chiếu” do công tác vận hành không hiệu quả, thì gần 1 năm nay đã hoạt động trở lại, cung cấp nước sạch cho người dân, nhất là các hộ DTTS khó khăn. Trước đó, công trình khai thác nước ngầm công suất 120m3/ngày đêm không đảm bảo công năng, trong khi nhu cầu người dân sử dụng ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu người dân, năm 2017, UBND tỉnh đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước mới bên cạnh, công suất 30m3/giờ, lấy nước mặt từ hồ Sơn Lợi, xã Thọ Sơn. Công trình hoàn thành, nghiệm thu từ năm 2020 nhưng do gặp sự cố nên mãi đến đầu năm 2023 chủ đầu tư mới vào cuộc khắc phục và bàn giao cho Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành. Sau khi nhận bàn giao, đơn vị đã đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước đến từng hộ dân, giúp họ “giải cơn khát” trong mùa khô này.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước Nguyễn Đăng Dương cho biết: Trong phạm vi quản lý của công ty, mùa khô năm nay đơn vị tập trung nguồn vốn tiến hành thực hiện 2 việc quan trọng, cấp thiết. Đó là nối mạng cấp nước từ nhà máy cấp nước Rừng Cấm đến các xã Lộc Hưng, Lộc Thái, huyện Lộc Ninh. Đây là những khu vực người dân có nhu cầu rất lớn, đề xuất nhiều năm nên ưu tiên giải quyết trước tết Nguyên đán. Tiếp đến là nối mạng một số tuyến ống công trình cấp nước tập trung Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Khu vực này nhu cầu sử dụng nước cũng rất lớn nhưng chưa được đầu tư nhiều, chỉ sau khi tiếp nhận công trình, công ty đã ưu tiên mở rộng mạng lưới, phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân.

CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM ĐỒNG BỘ

Trước tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài, trong khi mực nước ngầm giảm sút rất khó khai thác để phục vụ sinh hoạt và việc khai thác nước ngầm sử dụng sinh hoạt cũng không phải là phương án khả thi để giải quyết vấn đề thiếu nước lâu dài hiện nay. Bởi thực tế, nhiều công trình cấp nước tập trung khai thác từ nước ngầm đã phải ngưng hoạt động do mực nước giảm sâu không còn khả năng khai thác, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng gia tăng. Đơn cử như công trình cấp nước tập trung xã Đức Liễu và xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, cả hai đều ngưng hoạt động nhiều năm nay do mực nước ngầm giảm sâu.

Công trình cấp nước tập trung xã Bom Bo xuống cấp và không còn khả năng hoạt động do mực nước ngầm giảm sâu nên cần được đầu tư xây dựng mới phục vụ người dân

Từ năm 2001, xã Bom Bo đã được đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ cho hàng trăm hộ dân khu vực trung tâm xã. Công trình chỉ hoạt động trong khoảng 10 năm thì xuống cấp, cùng với đó mực nước ngầm giảm sâu nên từ năm 2010 đến nay không còn khả năng khai thác, nhà máy hầu như không còn hoạt động để cung cấp nước cho người dân. Đây là vấn đề khiến lãnh đạo xã Bom Bo băn khoăn, lo lắng nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

“Nhà máy cấp nước lúc đầu (năm 2001) cung cấp nước cho 170 hộ dân khu vực trung tâm xã nhưng đến nay không còn hoạt động. Hiện dân số tăng lên nhiều, khu vực ngã tư trung tâm xã có gia đình đã phải khoan tới 2 giếng nhưng vẫn không có nước dùng. Vấn đề này được người dân phản ánh với lãnh đạo xã nên mùa khô năm nay chúng tôi rất lo lắng về thiếu nước. Mong cấp trên sớm quan tâm để bà con có nguồn nước sử dụng” - Chủ tịch UBND xã Bom Bo Hoàng Minh Giám trăn trở.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước Nguyễn Đăng Dương chia sẻ: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo đầu tư cấp nước sinh hoạt giai đoạn 2021-2025 cho người dân toàn tỉnh. Vì vậy, công ty rất mong các cấp, ngành, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung mới hoặc nâng cấp các công trình cũ để cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt người dân. Bởi đây là mục tiêu rất lớn, tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời là giải pháp chống hạn hán lâu dài cho người dân.

Ngày 29-12-2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2146/QĐ-UBND về phê duyệt phương án hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đây là cơ sở để các sở, ngành, đơn vị liên quan đề ra giải pháp quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước, hạn chế khai thác nước ngầm, đồng thời tăng cường đầu tư mở rộng mạng lưới khai thác nước mặt. Nếu thực hiện đồng bộ thì vào mùa khô người dân trên địa bàn tỉnh không còn phải lo thiếu nước, đồng thời hạn chế sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước do khai thác nước ngầm quá mức.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/327/154402/khai-thac-hieu-qua-tai-nguyen-nuoc