Khai thác lợi thế, đưa Bắc Giang thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Tại diễn đàn 'Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Bắc Giang năm 2023', nhiều đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp, ý tưởng đưa Bắc Giang trở thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST. Báo Bắc Giang trích đăng một số ý kiến.

Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia:

Chuyển đổi mô hình kinh doanh cho DN nhỏ và vừa theo mô hình ĐMST

Khi doanh nghiệp (DN) bắt đầu vào đầu tư sẽ dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu thị trường, đầu tư công nghệ nên sẽ bị lỗ. Đến khi đạt đỉnh, DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng sẽ đi xuống dẫn đến suy thoái. Đó chính là thực trạng chung của các DN nhỏ và vừa hiện nay.

Ông Đàm Quang Thắng.

Ông Đàm Quang Thắng.

Nguyên nhân là do các DN nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và đặc biệt là tâm lý ngại thay đổi, sự quan tâm đến ĐMST còn hạn chế. Có DN do không thích nghi nhanh chóng với thay đổi của thị trường và nhu cầu khách hàng dẫn đến mất khả năng cạnh tranh, giảm doanh số.

Theo số liệu nghiên cứu, đa phần DN nhỏ và vừa có tâm lý kinh doanh theo truyền thống, chưa có kỳ vọng mở rộng quy mô và hiệu quả kinh doanh còn thấp. Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hỗ trợ DN còn ít trong khi DN sản xuất gặp khó khăn trong tiếp cận các dây chuyền, công nghệ tiên tiến. Đây là những khó khăn có ảnh hưởng đến quá trình ĐMST tại các địa phương nói chung, Bắc Giang nói riêng.

Do đó, để có thể đứng vững trên thị trường, các DN nhỏ và vừa của Bắc Giang cần tập trung cải thiện, ĐMST trên cả năm yếu tố. Thứ nhất cần tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới; đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Thứ hai cần quan tâm tạo giá trị cho khách hàng thông qua việc chủ động đáp ứng nhu cầu của họ, giải quyết kịp thời vấn đề khách hàng quan tâm.

Thứ ba cần hướng đến phát triển bền vững thông qua việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường, tăng tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng và tài nguyên, giảm lãng phí sản xuất.

Thứ tư cần có sự khác biệt để thu hút khách hàng bằng việc tạo ra điểm bán hàng độc nhất. Cuối cùng cần tận dụng các nguồn lực bên ngoài để phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới để chiếm lĩnh thị trường.

Ông Martin Kim, cố vấn NATEC về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo:

Cơ hội để Bắc Giang trở thành “Thung lũng Silicon” của Việt Nam

Qua nghiên cứu về Bắc Giang, tôi thấy tỉnh có nhiều điểm chung với Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) bởi cả hai địa phương đều tập trung vào các ngành công nghiệp liên quan đến nông nghiệp và lâm nghiệp từ rất sớm.

Ông Martin Kim.

Thung lũng Silicon phát triển về mặt địa lý như một điểm trong tam giác giữa Los Angeles và San Francisco, trong khi Bắc Giang cũng nằm trong tam giác với Hải Phòng và Hà Nội. Ngoài ra, Thung lũng Silicon đã phát triển thành một khu vực khởi nghiệp với khởi đầu là sự đổ bộ của các DN bán dẫn, công nghệ, Bắc Giang cũng rất tích cực trong việc thu hút nguồn vốn, đầu tư vào các công ty công nghệ.

Và quan trọng nhất, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngày nay và các cam kết cũng như chính sách của Bắc Giang đối với kỹ thuật số và khởi nghiệp là nhất quán với các yếu tố chính mà Thung lũng Silicon đã thành công.

Để khai thác các lợi thế này, Bắc Giang cần nắm bắt triết lý mới về ĐMST mở của NATEC như là chìa khóa quan trọng nhất để tiến tới trở thành trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Theo đó, Bắc Giang không chỉ đổi mới trong tổ chức mà cần làm việc với các ý tưởng, nguồn lực và đối tác bên ngoài để thúc đẩy đổi mới nội bộ và tăng khả năng cạnh tranh.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, từng bước đưa Bắc Giang trở thành “Thung lũng Silicon” của Việt Nam, theo tôi Bắc Giang cần thu hút nhiều công ty toàn cầu và trong khu vực tham gia với tư cách là người cố vấn, đối tác kinh doanh và người đồng thử nghiệm, cùng đi tiên phong với các công ty khởi nghiệp.

Quan tâm mời gọi các công ty khởi nghiệp lớn và nhỏ từ các đô thị lớn vào Bắc Giang để mở rộng kinh doanh. Tận dụng môi trường công nghiệp chuyên biệt của Bắc Giang, coi đây là trung tâm cho các công ty khởi nghiệp toàn cầu vào Việt Nam; thiết lập một hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới với tầm nhìn dài hạn để đào tạo các doanh nhân trẻ tương lai.

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia, Chủ tịch Hệ sinh thái nông nghiệp Mevi:

Liên kết theo chuỗi để phát triển nông nghiệp xanh

ĐMST là quá trình sáng tạo, thông qua đó giá trị gia tăng được tạo ra nhờ quá trình biến đổi tri thức thành sản phẩm mới, quy trình mới. Quá trình ĐMST là quá trình sử dụng tri thức mới, biến tri thức thành giá trị bởi không biến tri thức thành công nghệ mới, sản phẩm mới, quá trình mới thì không có ĐMST, không có sự phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thu.

Bắc Giang có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với diện tích tự nhiên gần 3,9 nghìn km2, trong đó 75% diện tích là đất nông nghiệp cùng điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Bắc Giang có điều kiện để phát triển các loại hình sản xuất cả công nghiệp và nông nghiệp.

Đối với nông nghiệp, tỉnh đã có nhiều sản phẩm nổi tiếng, được khách hàng trong, ngoài nước biết đến như: Vải thiều Lục Ngạn; na dai Lục Nam; dứa Lục Nam; gà đồi Yên Thế; mỳ Chũ… Mặc dù vậy, nông sản Bắc Giang vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tình trạng được mùa mất giá vẫn xảy ra.

Nguyên nhân là do việc liên kết chưa chặt chẽ, nông dân vẫn sản xuất theo phong trào; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc thu mua nông sản xuất khẩu còn khó khăn do kiểm soát vật tư đầu vào chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng không đáp ứng yêu cầu. Cùng đó, công nghệ chế biến còn hạn chế, việc bảo quản chưa được quan tâm; khâu thương mại gặp nút thắt lớn khi giá vận chuyển tăng cao.

Để thúc đẩy ĐMST theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, Bắc Giang cần hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh thông qua chuyển giao công nghệ xử lý phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để thành phân bón. Vừa góp phần giảm chi phí đầu vào, vừa tạo ra nguồn phân bón chất lượng để xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn, giấy chứng nhận hữu cơ.

Đối với công nghệ chế biến, các DN tại Bắc Giang cần khảo sát để sản xuất theo nhu cầu thị trường. Xây dựng bộ đánh giá năng lực DN để đưa ra giải pháp cải thiện chỉ số cho DN.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/401537/khai-thac-loi-the-dua-bac-giang-thanh-trung-tam-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao.html