Khai thác mỏ 'vàng trắng'

Tốc độ phát triển nghề nuôi chim yến tăng 'chóng mặt' đến nỗi Chính phủ không kịp ban hành những chính sách để quản lý và vận hành mô hình tuyệt vời này. Nhiều người cho rằng đây là mỏ 'vàng trắng' trên trời khai thác không bao giờ cạn kiệt. Thực tiễn đặt ra bao nhiêu vấn đề, đòi hỏi người dân – doanh nghiệp - cơ quan quản lý Nhà nước cần có những giải pháp hữu hiệu để đem lợi nhuận của ngành này lên hàng tỉ USD.

Bài 1: Người ở nhà cấp 4, yến ở nhà lầu

Đầu tư một nhà nuôi chim yến “chính quy” từ 1 - 4 tỉ đồng, 3 năm đầu phải lỗ vốn tiền vận hành. “Chim trời, cá nước” dẫn dụ tốt thì chim vào ở nhiều, sau năm thứ 5 bắt đầu thu hoạch kha khá, 10 năm mới thu nhập hằng tháng cả trăm triệu đồng. Gặp “số đen” dẫn dụ mãi chim không vào ở, tiền tỉ bỏ ra coi như “mất trắng”.

Tôi phải gặp ông Nguyễn Văn Vinh, ở xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa lần thứ 2, ông mới chịu xởi lởi: “Trước đây, tôi nghe nói tổ chim yến chỉ dành cho vua chúa được ăn thôi. Ông bạn của tôi bị bệnh sắp chết, sau khi ăn được gần 7 tổ yến, ông dậy ăn được cả tô cơm. Đó là ấn tượng của tôi với loài chim tuyệt vời này, buộc tôi phải đi vay mượn tiền đầu tư làm nhà nuôi yến gần 10 năm nay”.

Nhà nuôi chim yến giống như khách sạn ở xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Nhà nuôi chim yến giống như khách sạn ở xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

- Vậy mỗi tháng anh thu hoạch được bao nhiêu kg tổ yến rồi? - Tôi bắt đầu khơi chuyện.

- Ký cân nói làm gì. Tôi ước cũng có trên 8.000 con chim đang ở và sinh sản trong nhà. Chút xíu trời tối, anh sẽ thấy cả đàn yến về lao vào nhà vun vút.

- Với số lượng chim đó, tôi đoán chắc, mỗi tháng anh thu 4 - 5kg tổ, kiếm trên 100 triệu đồng?

- Đủ trang trải cuộc sống thôi mà.

Nông dân ra nước ngoài học cách nuôi yến

Nhà nuôi chim yến của ông Vinh có đàn chim 8.000 con là ước mơ của nhiều người. Năm sau, nó sẽ tăng lên 10.000 con, rồi thành quân đoàn lớn đặc kín cả nhà. Câu chuyện người nông dân như ông Vinh, đầu tư 700 triệu đồng xây dựng nhà yến, cách đây gần 10 năm rất ly kỳ. “Tôi phải bỏ ra 15 triệu đồng để mời mấy chiến hữu uống cà phê ở một khách sạn 5 sao tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, kéo dài hơn 1 năm, mới “moi” được chút ít kiến thức cơ bản nuôi chim yến” - Ông Vinh tâm sự.

- Mình con nhà nghèo, sao chơi sang vào khách sạn 5 sao uống cà phê?

- Vào đó, họ thấy thoải mái, mới nói ra nhiều điều sâu thẳm. Tôi gặp công nhân bảo vệ đảo yến, công nhân khai thác, đội ngũ nghiên cứu, kế toán, kinh doanh... của Công ty Yến sào Khánh Hòa, xếp ra dài cả mét. Họ thấy cảm tình, cho tôi ra đảo Hòn Nội, Hòn Ngoại là nơi yến ở nhiều nhất Việt Nam tham quan.

Năm 2007, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 22 nhà nuôi chim yến, đến năm 2018, tăng vọt lên 334 nhà yến.

Kiến thức thu được từ các “chiến hữu” Công ty Yến sào Khánh Hòa mới chỉ củng cố lòng tin cho ông Vinh 30%. Vì những thứ ông nghe, ông thấy chim làm tổ trên những vách đá ngoài đảo, kiến thức nuôi chim yến trong nhà cũng rất hạn chế. Ông Vinh quyết định xuất ngoại sang Malaysia tham quan xây dựng nhà dẫn dụ chim yến. “Tìm đến một ngôi làng thấy nhà nuôi chim yến rất nhiều, chỉ đứng ngoài nhìn vào và qua người phiên dịch người Malaysia nói tóm tắt bằng tiếng Việt. Tôi phải chi tiền “lót tay” cho mấy ông chủ, kỹ thuật bên đó. Tiền nhiều thì nói nhiều, tiền ít thì nói ít. Gút lại, kiến thức của anh em Công ty Yến Sào Khánh Hòa vẫn ngon hơn mấy ông ngoại” - Ông Vinh chia sẻ.

Ông Vinh đã vay mượn đủ mọi nguồn, kể cả vay “tiền nóng” đầu tư nhà yến với kết cấu bằng đúc bê tông kiên cố, tổng diện tích gần 200m2. 7 tháng trôi qua, ông Vinh không dẫn dụ được con chim yến nào vào ở. Ông Vinh nhớ lại khó nhọc: “Đến tháng thứ 8 mới có một con “cô đơn” vào ở trong nhà, vài hôm sau, nó cặp đôi người “bạn tình” về cùng ở chung. 2 năm đầu, vợ chồng tôi phải cồng lưng làm ruộng, vườn, bán heo, lúa, mía... lo trả nợ dần dần. Từ con chim “cô đơn” ban đầu, nó làm tổ, đẻ trứng, sinh con..., thế là tăng dần lên số mấy ngàn như bây giờ”.

Giai đoạn đầu, kiến thức hiểu biết về nuôi yến trong nhà chưa được phổ biến như bây giờ, nhiều người nông dân ở vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ cũng sang Ma-lai-xi-a hoặc Thái Lan học kinh nghiệm giống như ông Vinh.

Cuộc đua độ cao

Câu chuyện nuôi chim yến trong nhà đầu tiên ở nước ta bắt nguồn từ đàn chim yến bay vào làm tổ tại ngôi nhà chung cư cũ giữa thành phố Nha Trang, một người dân lấy tổ bán, sau đó mấy người xung quanh phát hiện, đòi “ăn chia” cùng. “Ăn chia” không đều dẫn đến kiện cáo nhau, thế là chính quyền thu hồi tòa nhà này giao cho Công ty Yến sào Khánh Hòa quản lý và khai thác. Từ đó, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nghiên cứu và triển khai xây dựng thí điểm nhà dẫn dụ nuôi chim yến ngay trong thành phố Nha Trang.

Tổ chim yến nhà (hạng thô) với giá từ 25 - 35 triệu đồng/kg, yến đảo giá 70 - 80 triệu đồng/kg. Nhưng thật khó xác định được tổ yến nhà khác với yến đảo như thế nào. Ảnh: Hải Luận

Bà Kim Hoa, ở xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang là một trong những người đi tiên phong làm nhà nuôi yến ở giai đoạn đầu tiên, kể lại: “Tôi đọc bản báo cáo khoa học của anh Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, thấy mê quá, về bàn với ông xã vay tiền ngân hàng làm nhà yến. Trong báo cáo đâu có nói những khó khăn, bất trắc sẽ xảy ra trong quá trình nuôi. 3 - 4 năm đầu tôi bị tơi tả, 1 năm chim cú mèo vào ở trong nhà yến thì có con yến nào dám bén mảng tới. Năm tiếp theo, nhiệt độ trong nhà tăng cao, mình đâu có biết để xử lý hạ nhiệt độ xuống, rồi rét kéo dài. Sau đó, kỹ thuật của Công ty Yến sào lên tìm nguyên nhân và chỉnh sửa lại, chim mới về ở. Bây giờ, đàn chim khoảng 7.000 con, mỗi tháng thu hoạch 3 - 5kg tổ, bán ra kiếm khoảng 150 triệu đồng. Phân chim bán cũng có tiền, giá 50.000 đồng/kg, hôm rồi mới bán 3 triệu đồng”.

Những hộ nuôi chim yến lâu năm như ông Vinh, bà Hoa đã có một thu nhập thụ động hằng tháng, giống như “lộc trời”. Nhiều người đã học cách làm theo mô hình dẫn dụ chim yến về nhà: Ai có tiền đầu tư hẳn một tòa nhà giống như khách sạn 4 – 5 tầng nuôi yến, loại vừa vừa đầu tư nhà 2 – 3 tầng, loại khác cơi nới từ nhà ở, lên 1 – 2 tầng nuôi lên phía trên, vật liệu đôi khi làm bằng khung sắt, lợp mái và bao bọc bằng tôn, phía trong làm hệ thống cách nhiệt, cách âm.

Ông Lê Văn Bảy, ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang đang làm chủ 4 chiếc tàu đánh cá xa bờ, thấy ông bạn làm yến thành công, ông đã làm theo. “Tàu đi biển, hai vợ chồng vào nhà người bạn ở Ninh Thuận chơi, ông bạn dẫn lên tầng lầu nuôi yến (tầng dưới buôn bán và ở) tham quan. Thấy tổ yến dày đặc cả sàn nhà, hai vợ chồng tôi mê liền. Lập tức, tôi đầu tư ngôi nhà 7 tầng, ở 3 tầng phía dưới, 4 tầng trên nuôi yến. Sau một thời gian, đã có trên 50 tổ yến rồi, vài năm nữa mới thành yến đàn được” - Ông Bảy tâm sự.

Chưa dừng lại ở đó, ông Bảy tiếp tục ra thị xã Ninh Hòa mua đất đầu tư nhà yến với tổng diện tích sàn trên 1.000m2, trị giá 3,5 tỉ đồng. “Tui đang xây một cái mới, diện tích yến ở 1.200m2. Xong cái này, tôi làm thêm một cái trang trại trồng cây ăn trái, rồi làm cái nhà yến 3 tầng ở giữa nữa. Vừa có trái ăn, vừa thu hút yến về nhiều” - Ông Bảy tính toán kỹ càng.

Trường hợp như ông Bảy được xếp vào “binh hùng tướng mạnh”, còn nhiều người nông dân khác, họ đang ở nhà cấp 4, họ kêu gọi mấy hộ nông dân trong xóm cùng hùn vốn, làm một nhà yến 3 tầng: “Một tổ yến nhỏ bằng 3 ngón tay, trị giá ngang bằng một tạ thóc. Dẫn dụ được 2.000 con chim yến vào nhà ở bằng 10 mẫu ruộng. Làm được 10 mẫu ruộng phải thuê một đoàn nhân công, còn 2.000 con chim yến thì “trời nuôi”. Tui tính như vậy, nên mới góp tiền làm nhà yến trị giá 1,5 tỉ đồng, chưa tính giá trị đất. Sau 2 năm vận hành, tháng trước thu được 1kg tổ rồi” - Nông dân Nguyễn Quang Sang, ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa làm bài toán so sánh.

Bài 2: Tiến sĩ yến sào

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khai-thac-mo-vang-trang/