Khai thác tiềm năng du lịch hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Cần giải pháp phát triển bền vững - Thời gian qua, việc phát triển du lịch trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đã được các địa phương trong vùng chú trọng, bước đầu thu hút du khách, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Để phát triển hài hòa du lịch theo hướng bền vững, các địa phương cần có chiến lược căn cơ, giải pháp hữu hiệu hơn nữa…

Du khách tham gia tuyến du lịch trên sông Đồng Nai.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tuyến du lịch đường sông đầu tiên của Đồng Nai từ TP Biên Hòa đến khu vực Thủy điện Trị An với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng đã đi vào khai thác và hứa hẹn nhiều triển vọng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án chính là những thủ tục liên quan đất đai.

Điểm du lịch và vui chơi giải trí cù lao Ba Xê được xem là vị trí quan trọng nhất của toàn tuyến, khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối tuyến du lịch đường sông với TP Hồ Chí Minh, hiện gặp khó khăn về quy hoạch sử dụng đất. Quy mô dự án khoảng 30 ha, trong đó khoảng 17 ha đang thuộc quy hoạch đất sản xuất lúa. “Theo quy định, để tiếp tục thực hiện dự án phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch. Hiện, chúng tôi đang phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai để trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh quy hoạch cho nên tiến độ thực hiện toàn dự án chậm hơn so với kế hoạch”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai Đặng Thanh Thủy cho biết.

Tại hội thảo “Phát triển du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh” do Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 7-2018, nhiều đại biểu cho rằng, TP Hồ Chí Minh chưa phát triển hết tiềm năng về du lịch đường thủy; du lịch đường sông vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng. TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có quy hoạch du lịch dài hạn nên rất khó phát triển du lịch đường sông. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa khai thác sâu các giá trị của văn hóa sông nước Sài Gòn xưa cũng như tiềm năng của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình…

Tiến sĩ Mai Hà Phương, Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều yếu tố đang cản trở sự phát triển của loại hình du lịch này như môi trường sông rạch phần lớn bị ô nhiễm; cảnh quan đôi bờ trên phần lớn chiều dài các tuyến sông rạch chưa thật sự hấp dẫn. Hệ thống bến tàu và trạm dừng chân quá ít, phân bổ chưa hợp lý…

Bình Dương là tỉnh có điều kiện để phát triển du lịch đường sông nhờ hệ thống các sông lớn gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé với các khu, điểm tham quan ven sông đa dạng, các miệt vườn cây trái đến các khu, điểm du lịch chuyên đề, các di tích lịch sử cách mạng, các công trình nhà cổ, làng nghề thủ công truyền thống,… Tuy nhiên, thời gian qua, Bình Dương chưa khai thác có hiệu quả loại hình du lịch này vì cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn - Đồng Nai còn đơn điệu; các sản phẩm du lịch, điểm đến ven sông chưa phong phú, đa dạng và hạn chế, nhất là các luồng tuyến chưa bảo đảm độ tĩnh không, độ thông thuyền và hệ thống giao thông thủy chưa gắn kết với hệ thống đường bộ… Cùng với đó, cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách tuyến du lịch đường sông như: Bến đỗ, nhà chờ, cung ứng dịch vụ xe điện, xích-lô, xe đạp và xe ô-tô trung chuyển phục vụ khách du lịch tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh... chưa được đầu tư đồng bộ.

Tạo đòn bẩy phát triển

Để giải quyết những khó khăn làm hạn chế sự phát triển của du lịch đường sông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng cầu cảng, nhà chờ, phương tiện trung chuyển đón khách tại khu vực Cầu Ngang (thị xã Thuận An), Bến Bạch Đằng (TP Thủ Dầu Một), khu vực Địa đạo Tam Giác Sắt (thị xã Bến Cát) để thuận tiện trong việc đưa đón du khách tham quan. Ngành du lịch tỉnh Bình Dương xác định tuyến du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng “Kế hoạch phát triển tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” nhằm khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng du lịch sông nước phục vụ du khách đến địa phương bằng phương tiện đường thủy trên hai tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Khoa Hải cho biết, để triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển du lịch, Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, trong đó có du lịch tuyến đường sông, tháng 6-2018, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1733/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Bình Dương có 14 bến hành khách phục vụ du khách đi lại trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và tham quan các điểm du lịch ven sông như: Du lịch sinh thái, tham quan vườn cây ăn trái; làng tre Phú An tại Trung tâm bảo tồn sinh thái Phú An; Khu du lịch Đại Nam; du lịch nghỉ dưỡng; tham quan di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống gốm sứ, sơn mài… Trước đó, UBND tỉnh đã có chủ trương giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương lập Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu cảng Bà Lụa là cảng hành khách phục vụ phát triển du lịch trên sông Sài Gòn ở TP Thủ Dầu Một để mời gọi đầu tư khu cảng du lịch phục vụ phát triển tuyến du lịch trên sông Sài Gòn trong thời gian tới. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Dương liên kết các địa phương trong vùng như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai phát triển tuyến du lịch đường sông.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, sẽ phát triển tuyến du lịch sông Đồng Nai gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận và hệ thống di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Đ. Hiện, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thực hiện xây dựng Đề án phát triển du lịch Khu bảo tồn đến năm 2030, trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch như: Khu Safari khoảng 400 ha, hồ Bà Hào khoảng 1.700 ha, Thác Ràng,… để phát huy giá trị của khu dự trữ sinh quyển này đóng góp vào phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai.

Nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, từ năm 2016, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản ưu tiên, chú trọng phát triển du lịch đường sông. Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch 3546/KH - UBND về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, tập trung hai nhóm giải pháp cơ bản là cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có và đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới (tuyến du lịch đi quận 7; tuyến du lịch đi các quận 5, 6 và 8; tuyến du lịch đi quận 9). Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nắm bắt, phối hợp các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác du lịch đường thủy trong việc hình thành, xây dựng và quảng bá sản phẩm cũng như hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp; định hướng cho các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy khảo sát, xây dựng cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm, chương trình du lịch đường thủy.

Thực tế, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã cho ra mắt năm tuyến du lịch đường thủy kết nối từ trung tâm thành phố đến hai huyện: Củ Chi, Cần Giờ và quận 9, liên tuyến kết nối với tỉnh Bình Dương vào năm 2017. Trước đó, vào tháng 9-2015, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng thuyền. Mới đây nhất, tuyến buýt sông đã góp phần phát triển các dòng sản phẩm du lịch mới. Nếu khai thác đúng và đủ lợi thế, du lịch đường sông sẽ là cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu điểm đến TP Hồ Chí Minh ngày càng hấp dẫn.

Theo kế hoạch phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2017 - 2020 mà UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành, mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh, rạch nội đô với ít nhất là bảy chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông... TP Hồ Chí Minh đang tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có và đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới đối với nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tua trên sông tuyến nội đô có bán kính dưới 10 km) và nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung (các chương trình du lịch trên sông có độ dài bán kính từ 10 đến 60 km); hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ cho các sản phẩm trên tuyến đối với nhóm các sản phẩm du lịch tầm xa (các chương trình du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh trong khu vực).

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, hy vọng du lịch đường thủy của TP Hồ Chí Minh và hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

----------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 15-11-2018.

Bài, ảnh: HỒNG LÂM, TRỊNH BÌNH và THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38263002-khai-thac-tiem-nang-du-lich-he-thong-song-sai-gon-dong-nai-tiep-theo-va-het.html