Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp xanh

Nếu như sự phát triển mạnh mẽ của ngành Công nghiệp đã biến các xã, phường phía Nam và khu vực trung tâm TP. Phổ Yên trở thành một đô thị sầm uất, nhộn nhịp, thì các địa phương phía Tây của thành phố cũng có những lợi thế riêng. Nhằm phát huy những lợi thế này, TP. Phổ Yên đã xác định một hướng đi khác, đó là xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững, giữ môi trường trong lành và nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân xã Phúc Thuận thu hái chè. Ảnh: T.L

Người dân xã Phúc Thuận thu hái chè. Ảnh: T.L

Các xã, phường phía Tây của TP. Phổ Yên gồm: Minh Đức, Thành Công, Phúc Thuận, Phúc Tân... Đây là vùng ven dãy Tam Đảo, có nhiều đồi núi. Từ khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, các địa phương này đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống sang phát triển cây chè và cây ăn quả (nhãn, bưởi, chuối, mít)..., từ đó, góp phần thay đổi thói quen canh tác của nông dân. Từ việc khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, kết cấu hạ tầng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tại các xã, phường phía Tây thành phố đã hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để đầu tư phát triển theo hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Quang Thuận, xã Phúc Thuận, chúng tôi cảm nhận bầu không khí mát rượi, như xua tan cái nóng gay gắt của ngày Hè. Anh Thuận cho biết: Trong vài năm trở lại đây, vườn bưởi Diễn, bưởi Hoàng Trạch và nhãn của gia đình đã thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP nên chất lượng quả đảm bảo an toàn, năng suất ổn định, giá trị kinh tế cũng được nâng lên. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu khoảng 15 tấn nhãn và hàng nghìn quả bưởi, cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng.

Những mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng như gia đình anh Thuận giờ đây không còn là hiếm ở các xã, phường phía Tây TP. Phổ Yên. Hiện, khu vực này đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích trên 500ha, chủ yếu thuộc 2 xã Phúc Thuận và Minh Đức. Giá trị bình quân của vùng cây ăn quả đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với phát triển cây ăn quả, chè cũng được xác định là cây trồng phù hợp và có tiềm năng đem lại giá trị cao cho người nông dân. Tuy nhiên, để chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo được vị thế cho thương hiệu chè Phổ Yên, thành phố chú trọng đến việc sản xuất an toàn. Hiện, toàn TP. Phổ Yên có trên 1.400ha chè, năng suất bình quân đạt trên 110 tạ/ha, trong đó vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm trên 100ha, nằm rải ở các xã, phường phía Tây.

Có thể nói, hướng phát triển kinh tế cho các xã, phường phía Tây TP. Phổ Yên đã được xác định rõ. Giai đoạn 2021-2025, Phổ Yên phấn đấu phát triển, duy trì vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích khoảng 2.700ha. Trước mắt, địa phương đang rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với các loại cây như: Nhãn, bưởi, cam, chuối, ổi, thanh long... trên địa bàn các xã: Phúc Thuận, Phúc Tân và Minh Đức, với tổng diện tích trên 770ha. Để tiếp tục nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm, thành phố cũng đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, như: Đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây chè; sản xuất theo hướng an toàn sinh học; trồng, chăm sóc cây chè và cây ăn quả theo quy trình VietGAP; áp dụng cơ giới hóa góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư...

Hải Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/khai-thac-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-xanh-302969-108.html