Khai thác tối đa tiềm năng đưa thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản. Những năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Sơn Thái cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản, với chiều dài bờ biển dài tới 305 km, trong đó phần bờ biển ở đất liền. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong ngư trường được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết ôn hòa, ít khi xảy ra gió bão mạnh nên rất thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Đây cũng là vùng biển có nguồn lợi hải sản rất phong phú và đa dạng với 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực. Trữ lượng khai thác hàng năm lên tới 250.000 tấn. Dọc theo bờ biển, địa hình phần lớn là bãi cát, rừng ngập mặn tự nhiên có nhiều cửa sông, rạch chạy sâu vào nội địa nên thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động.

Đồng chí Huỳnh Sơn Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu

Đồng chí Huỳnh Sơn Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu

Vì vậy, ngay từ những năm đầu thành lập lại tỉnh (tháng 8/1991), Đảng bộ Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Do đó 27 năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư xây dựng được 8 cảng cá kiên cố và bán kiên cố; 6 bến cá phân bố rải rác ở các huyện, thành phố, với tổng năng lực hàng hóa thông qua cảng cá khoảng 360.000 tấn/năm. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng 5 khu neo đậu, tránh trú bão với khả năng đáp ứng cho hơn 5.000 tàu cá có công suất trên 600 CV vào neo đậu tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra.

Theo đồng chí Huỳnh Sơn Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định là địa bàn có tiềm năng và thế mạnh trong khai thác thủy hải sản, trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ. Hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng hơn 6.200 chiếc tàu đánh cá, trong đó có 3.200 tàu có thể tham gia đánh bắt xa bờ với kỹ thuật khai thác được nâng cao, trang thiết bị hiện đại, phương thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Nhiều mô hình đánh bắt theo tổ đội, tàu đoàn đã được hình thành, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu những hình thức đánh bắt gây suy kiệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

Những năm gần đây, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Năm 2011, tổng sản lượng khai thác hải sản của tỉnh đạt 250.000 tấn và từ năm 2011 đến nay, tổng sản lượng khai thác hải sản luôn tăng đều với mức tăng bình quân 3,4%/năm, chiếm khoảng 39% sản lượng vùng Đông Nam bộ và gần 11,3% tổng sản lượng khai thác cả nước. Với tổng sản lượng khai thác hải sản của tỉnh hàng năm đạt 250.000 tấn, trong 5 năm qua, ngành thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất thủy sản ước đạt khoảng hơn 70 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt khoảng 350 triệu USD.

Cũng theo đồng chí Huỳnh Sơn Thái, ngoài thế mạnh về đánh bắt hải sản, Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều tiềm năng trong việc nuôi trồng thủy sản. Với hệ thống sông Thị Vải, sông Dinh, sông Ray, sông Đu Đủ và 03 hồ chứa nước lớn là hồ Đá Đen, hồ sông Ray, hồ Châu Pha đã tạo nên một số vùng nuôi trồng thủy sản rộng lớn. Để phát huy nguồn lợi sẵn có, tỉnh đã quy hoạch hình thành các vùng nuôi thủy sản lồng bè, nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá nước lợ trong ao, đầm và nuôi cá lồng bè, nuôi ngọc trai, với diện tích tiềm năng 16.153 ha để phát triển sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản trên sông, trên biển.

Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên sông ở phường Long Sơn, TP Vũng Tàu

Bên cạnh đó, vùng nuôi cá lồng bè cũng phát triển theo hướng đa dạng hóa các đối tượng nuôi để khai thác tốt những lợi thế về điều kiện tự nhiên, chủng loại nuôi ngày một phong phú và đa dạng như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá chẽm ở vùng nước mặn, lợ và cá lóc… Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản đã thay đổi các vùng đất hoang hóa thành các vùng đất tạo ra các loại thực phẩm thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao và đang trở thành một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng của ngành. Sản lượng nuôi thủy sản tăng bình quân trên 16,3%/năm.

Đối với lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản, toàn tỉnh hiện có 419 doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản; trong đó có 42 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP, trong số này có 33 nhà máy được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hầu hết các nhà máy còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Nga…với tổng công suất chế biến trung bình hàng năm khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 350 triệu USD/năm.

Đẩy mạnh đầu tư các khu chế biến hải sản tập trung quy mô lớn

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc quy hoạch lại các cơ sở chế biến tập trung. Bởi, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 419 cơ sở chế biến hải sản đều nằm rãi rải tại các địa phương, không tập trung một khu, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát về mặt môi trường.

Bên cạnh đó, tình trạng tồn tại các cơ sở chế biến thủy sản nhỏ lẻ, nằm rãi rác trong khu dân cư và các khu vực ven biển gắn liền với các cảng cá, bến cá không quan tâm đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, hoạt động chủ yếu chế biến thủ công, sơ chế, gia công dẫn đến gây ô nhiễm khó kiểm soát.

Đặc biệt, để lựa chọn địa điểm quy hoạch, xây dựng khu chế biến hải sản tập trung nhằm phát huy năng lực sản xuất, chế biến và xuất khẩu hải sản là vấn đề nan giải. Bà Rịa – Vũng Tàu chọn xã Hội Bài, nay là xã Tân Hải, huyện Tân Thành để xây dựng khu chế biến tập trung của tỉnh. Nhưng sau đó lại chuyển đổi sang Gò Găng, TP Vũng Tàu. Tuy nhiên, thời điểm này, Gò Găng cũng được quy hoạch thành đô thị sinh thái nên việc xây dựng khu chế biến tập trung tạm dừng. Sau đó, tỉnh tiếp tục khảo sát và chọn khu vực phía Bắc sông Rạng, thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành làm khu chế biến hải sản tập trung. Nhưng dự toán đầu tư hạ tầng kỹ thuật quá lớn, có thể dẫn đến giá thành sản phẩm khó cạnh tranh, không đảm bảo được lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Chế biến cá ở Nhà máy chế biến của Công ty Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Hào

Việc khảo sát, lựa chọn địa điểm để hình thành 01 khu chế biến tập trung để di dời toàn bộ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hải sản trên toàn tỉnh là một vấn đề hết sức khó khăn. Do vậy, cho đến năm 2012, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất chủ trương không quy hoạch một khu chế biến hải sản tập trung, mà cho phép phân tán, quy hoạch 03 khu chế biến tập trung tại các địa phương, gồm: TP Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ và huyện Xuyên Mộc.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng 02 khu chế biến hải sản tập trung: Gồm khu chế biến hải sản tập trung tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ với quy mô 34 ha và Khu chế biến hải sản tập trung xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc với quy mô 17 ha. Hiện nay, về tiến độ đầu tư đang chuẩn bị giai đoạn hoàn thành, bàn giao và đang gấp rút triển khai phương án di dời toàn bộ các cơ sở chế biến hải sản của 02 địa phương huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc và một số cơ sở ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành vào 02 khu chế biến tập trung đã đầu tư này.

Khu chế biến hải sản tập trung xã Lộc An, huyện Đất Đỏ

Hiện các đơn vị chức năng đang tiếp tục khảo sát tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương đầu tư thêm Khu chế biến tại huyện Long Điền và tại TP Vũng Tàu để di dời các cơ sở chế biến còn lại ở 03 địa phương (TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền).

Trong thời gian tới, để ngành thủy sản của địa phương phát triển bền vững, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung đẩy mạnh tiến độ đầu tư các khu chế biến tập trung tại các địa phương, để hoàn tất việc di dời toàn bộ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến vào các khu tập trung nhằm đảm bảo được vấn đề xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các nhà máy chế biến. Đồng thời, tập trung phát triển các loại hình chế biến xuất khẩu cho giá trị cao như: tôm luộc chín đông nhanh, các mặt hàng tinh chế, các mặt hàng thủy sản ăn liền, chả mực, chả tôm hấp chín ăn liền, đồ hộp thủy sản phục vụ cho nhu cầu khách du lịch đến tham quan tỉnh và xuất khẩu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Sơn Thái chia sẻ.

Cùng với đó, tỉnh sắp xếp lại ngành thủy sản, hiện đại hóa nghề cá; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu vật nuôi và đa dạng hóa loại hình nuôi, đối tượng nuôi trên cả ba vùng biển, lợ, ngọt theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, cùng với đó là chuyển giao khoa học và kỹ thuật, để người dân hình thành nên các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung an toàn, ổn định, bền vững trên cơ sở đảm bảo môi trường cảnh quan đa dạng và độc đáo trên vùng biển tươi đẹp của Bà Rịa - Vũng Tàu.../.

Bài, ảnh: Phạm Cường

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/khai-thac-toi-da-tiem-nang-dua-thuy-san-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-491494.html