Khai thác 'vàng trắng' ở thủ phủ Nghệ An: Người dân chịu nhiều hệ lụy đau lòng

Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) từ lâu được mệnh danh là 'thủ phủ' của đá hoa trắng vốn được coi như 'vàng trắng' thiên nhiên ban tặng. Ngoài lợi ích kinh tế mang lại thì việc khai thác mỏ đã gây nhiều hệ lụy để rồi người dân phải lãnh đủ.

Những con số báo động

Những quả đồi phủ xanh bởi cây rừng thì nay đã bị thay bằng một màu trắng xóa của việc khai thác khoáng sản. Đó là hình ảnh đặc trưng khi miêu tả về thiên nhiên của huyện Quỳ Hợp hiện nay. Bên cạnh lợi ích kinh tế mạng lại thì nhiều bất cập, hệ lụy do việc khai thác đá gây ga.

Quỳ hợp được biết đến là thủ phủ "vàng trắng" của tỉnh Nghệ An.

Được biết, huyện Quỳ Hợp được thiên nhiên ban tặng nhiều loại đá có giá trị, đặc biệt là đá hoa trắng, vậy nên Quỳ Hợp là nơi được cấp phép nhiều mỏ đá nhất của tỉnh Nghệ An.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn huyện hiện có tổng cộng 79 mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn của 64 doanh nghiệp, trong đó có hơn 30 mỏ khai thác đá hoa trắng, 29 mỏ khai thác đá xây dựng, còn lại là mỏ quặng thiếc, nước khoáng. Bên cạnh đó có 78 mỏ đã hết hạn, trong đó có 50 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ, 11 mỏ được cấp lại, 14 mỏ đang thực hiện trình tự thủ tục cấp lại… Ngoài ra, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có hơn 150 xưởng chế biến khoáng sản, trong đó có gần 50 xưởng sản xuất theo hộ kinh doanh.

Thời gian qua, mặc dù công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoáng sản được UBND huyện Quỳ Hợp quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trong đội ngũ cán bộ quản lý các cấp cũng như trong doanh nghiệp và người dân địa phương.

Thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản đã để lại những hệ lụy như: nguồn nước sinh hoạt và sản xuất dần bị cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Những ngọn đồi bị khai thác tan hoang.

Điển hình như: vào cuối tháng 9/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố 5 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" theo Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự xảy ra vào ngày 13/7/2021 tại xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Ngày 31.8.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 5328/STNMT-KS thông báo khắc phục tồn tại trong hoạt động khoáng sản. Theo đó, Sở yêu cầu Công ty CP Tân Hoàng Khang tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản (quặng thiếc và đá xây dựng đi kèm) và hoạt động khai thác, bơm hút nước ngầm tại khu vực Phá Líu và Thung Lùn, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp.

"Tội nợ" người dân chịu

Theo tìm hiểu của PV, trong khoảng thời gian 2020-2022, trên địa bàn xã Châu Hồng xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà cửa của nhiều hộ dân cũng như cơ quan, trường học. Theo thống kê, hiện nay xã Châu Hồng có 232 hộ dân xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở. Bên cạnh đó, 299 giếng nước của người dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn.

Nhiều khu công nghiệp khai khoáng nằm sát cạnh khu dân cư.

Nhiều năm nay, dòng sông Nậm Tôn với chiều dài hàng chục km chảy qua xã Liên Hợp, Châu Quang, thị trấn Quỳ Hợp đổi màu đục ngầu, đỏ quạch. Dòng sông này từng là nguồn sống cho hàng nghìn người dân quanh vùng, nhưng giờ đây đang bị "bức tử" khiến người dân không dám lội xuống sông.

Theo người dân xã Châu Quang, sông Nậm Tôn bắt nguồn từ các xã Châu Tiến, Châu Hồng đã bị ô nhiễm từ những năm 80 của thế kỷ trước do hoạt động khai thác khoáng sản ở thượng nguồn.

Ô nhiễm môi trường từ tác động của việc khai thác là rất lớn.

Quỹ đất dành cấp cho hoạt động khoáng sản dẫn đến thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người dân. Hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh chóng, ô nhiễm bụi, tiếng ồn… Ngoài ra còn tiềm ẩn và phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như buôn bán, vận chuyển ma túy, nghiện ma túy, tai nạn lao động,…

Nhiều doanh nghiệp sau khi khai thác hết hạn giấy phép hoặc không còn khoáng sản đã bỏ đi nơi khác mà không hoàn thổ đúng như cam kết. bên cạnh đó, dù các doanh nghiệp có ký quỹ bảo vệ môi trường nhưng cũng chưa hoàn thiện hết nghĩa vụ của mình, hoặc tiền ký quỹ thấp hơn tiền thực hiện hoàn thổ nên doanh nghiệp chấp nhận bỏ tiền ký quỹ, điều này để lại nhiều hệ lụy cho địa phương.

Một lãnh đạo UBND xã Châu Hồng cho biết, việc các công ty hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đã làm cho người dân địa phương trực tiếp hứng chịu ảnh hưởng. Hậu quả nặng nề từ việc này đã có nhiều người chết, bị thương…, song trên thực tế người dân chúng tôi không được hưởng gì từ phí bảo vệ môi trường và nguồn thu nào từ hoạt động khai thác này.

Bên cạnh đó, phổ biến nhất là khai thác vượt quá công suất, vượt mốc giới, chưa đúng thiết kế xây dựng cơ sở… và khai thác trái phép.

Công ty CP Tân Hoàng Khang đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình khai thác.

Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Hợp, tính từ 2016-2021, trên địa bàn huyện này có khoảng 40 người chết liên quan đến tai nạn lao động; trong đó 36 người chết liên quan đến mỏ đá, mỏ quặng. Hiện nay, huyện Quỳ Hợp có 5.830 hộ nghèo, chiếm 15,41%; trong đó riêng xã Châu Hồng với 4.076 người/942 hộ, chiếm 34% hộ nghèo.

Nguyễn Tú - Xuân Sinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/khai-thac-vang-trang-o-thu-phu-nghe-an-nguoi-dan-chiu-nhieu-he-luy-dau-long-i348055/