Khai thác vốn quý từ nghệ nhân dân gian: Tiềm năng còn rất lớn

Nghệ nhân dân gian là những 'kiến trúc sư' thiết lập nên những công trình văn hóa phi vật thể. Quảng Ninh đã quan tâm làm tốt công tác đãi ngộ, chăm sóc nghệ nhân dân gian tuy nhiên vẫn còn số lượng lớn nghệ nhân chưa được phong tặng cùng với nhiều giá trị văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ chưa được khai thác tối đa.

Các nghệ nhân dân gian của Quảng Ninh được phong tặng năm 2018.

Các nghệ nhân dân gian của Quảng Ninh được phong tặng năm 2018.

Vừa qua, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú cho 623 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong dịp phong tặng này, Quảng Ninh có 1 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân là Nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Tự, hiện ở xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, đang lưu giữ và truyền dạy hát nhà tơ, hát - múa cửa đình và 11 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, hoạt động trong các lĩnh vực: Nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng. Với đợt phong tặng này, Quảng Ninh hiện có tổng số 31 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân, trong đó có 2 nghệ nhân ưu tú được công nhận trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.

Đối với danh hiệu nghệ nhân dân gian Việt Nam do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng, tính đến thời điểm này, Quảng Ninh hiện có tổng số 59 nghệ nhân. Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh cũng vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 7 người. Trong đó, có 3 nghệ nhân ở Ba Chẽ, 3 nghệ nhân ở Hải Hà và 1 nghệ nhân ở TP Uông Bí. Đặc biệt đến nay, huyện Ba Chẽ và TP Uông Bí dù có kho tàng văn hóa phi vật thể rất phong phú; nhiều người nắm giữ thực hành và truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể nhưng vẫn đang “trắng” nghệ nhân dân gian. Như vậy, sẽ không dừng lại ở con số 59 kể trên mà nếu quan tâm khai thác, chăm sóc tốt hơn nữa những người đang nắm giữ văn hóa phi vật thể thì số lượng nghệ nhân được phong tặng của Quảng Ninh sẽ lớn hơn rất nhiều.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, hiện nay, tỉnh nhà có trên 200 nghệ nhân dân gian lưu giữ, thực hành và truyền dạy gần 80 loại hình văn hóa văn nghệ dân gian chưa được công nhận các danh hiệu của Nhà nước. Thêm vào đó, việc quản lý, nắm và để tuyên truyền khơi dậy truyền thống văn hóa dân gian tại địa phương còn phân tán, thiếu tập trung và chưa thật chặt chẽ.

Trong khi đó, Quảng Ninh là tỉnh có thế mạnh về du lịch nếu biết khai thác những tài nguyên nhân văn từ các nghệ nhân dân gian, chúng ta sẽ đa dạng hóa được sản phẩm du lịch. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Quảng Ninh cần khai thác văn hóa phi vật thể từ các nghệ nhân dân gian, bảo tồn bao giờ cũng phải tuân theo nếp cổ truyền, phát huy thì cần chọn lọc chưng cất nó lên để phục vụ du lịch. Tôi ví dụ nếp nhà sàn người Dao, người Tày xây dựng hàng nghìn năm rồi mới ra được hình hài như vậy. Hay cũng là dân tộc Tày, nhưng hát then của người Tày Quảng Ninh chắc chắn sẽ rất khác với các tỉnh khác, bởi hát then ở đây có ảnh hưởng của yếu tố biển. Cũng là dân tộc Dao, nhưng người Dao Quảng Ninh có nhiều nét khác đặc biệt. Họ múa trong lễ cấp sắc cực kỳ hấp dẫn, họ nhảy theo kiểu bát quái mà không nhảy đơn giản, bình thường. Khi đi sâu tìm hiểu và giải mã được những điều đặc biệt ấy, rồi dùng cả dàn nhạc lễ ấy, tái hiện cả không khí của lễ cấp sắc ấy, chắc chắn du khách sẽ rất hào hứng khi được thưởng thức không gian văn hóa riêng biệt này”.

Nghệ nhân nhân dân Đặng Thị Tự đang tập hát nhà tơ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, cho biết: Bên cạnh việc đi tìm, bảo tồn các loại hình văn hóa vật thể, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh còn chú trọng khai thác các “báu vật nhân văn sống” là các nghệ nhân. Các hội viên đã dành nhiều thời gian để xuống dân, vào từng thôn cùng, xóm bản hẻo lánh, đến tận mỗi nhà dân v.v.. để phát hiện, tìm gặp những người đang nắm giữ các vốn quý văn hóa dân tộc. Ngoài ra, để làm tốt công tác bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian, Hội sẽ phối hợp sưu tầm và bảo tồn những giá trị văn hóa tiên tiến của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; triển khai chương trình chăm, sóc phụng dưỡng các nghệ nhân dân gian v.v..

Về giải pháp cụ thể để tìm kiếm, chăm sóc nghệ nhân dân gian, theo ông Nguyễn Quang Vinh, cần tập trung vào quy hoạch tổng thể và thực hiện chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước và các Hội chuyên ngành để phát huy tiềm năng và khai thác, tận dụng đội ngũ hội viên của các tổ chức Hội cùng Chi hội và Phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương; đồng thời cần có sự đầu tư chiều sâu và đặt lên hàng đầu công tác sưu tầm, nghiên cứu để bảo tồn văn hóa dân gian.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201904/khai-thac-von-quy-tu-nghe-nhan-dan-gian-tiem-nang-con-rat-lon-2436678/