Khai tử ca khúc 'nhảm'

Hiếm khi một nhạc sĩ vừa tung ra ca khúc mới lại bị các đồng nghiệp lên tiếng phản ứng như 'Như lời đồn' của Khắc Hưng. Thậm chí nhạc sĩ Dương Cầm còn cho rằng: 'Nếu có quyền, tôi sẽ cấm ca khúc lưu hành'.

Nhạc sĩ Dương Cầm nhận định: “Cách đặt tên ca khúc theo kiểu khiêu khích, câu khách… Đây là một trong những biểu hiện của sự hỗn loạn trong âm nhạc”. Quan điểm này không chỉ được giới chuyên môn ủng hộ mà những khán giả yêu nhạc Việt cũng thấy rằng, đã đến lúc phải lên tiếng.

“Như lời đồn” là một sáng tác mới của nhạc sĩ Khắc Hưng, được ca sĩ Bảo Anh thể hiện trong MV mới cùng tên. “Như lời đồn” bị phản ứng mạnh mẽ và đây là “giọt nước làm tràn ly”, trước đó đã có quá nhiều sáng tác trẻ bị chê, cho rằng đã đi lệch đường ray thẩm mỹ âm nhạc. Ngay bản thân Khắc Hưng năm 2017 cũng đã có ca khúc đầy tai tiếng có tên “Như cái lò”. Có lẽ, cả nhạc sĩ và ca sĩ thể hiện là Huyền Sambi cũng đã thấm hiểu cảm giác thất bại và mất mát. Vậy mà nay, “Như lời đồn” lại ra đời.

Ca sĩ Bảo Anh và Kiều Minh Tuấn trong MV “Như lời đồn”

Thực tế, nếu nhìn vào những ca khúc như: “Nắng cực” của Phạm Toàn Thắng, “Xếp hình” của Tăng Nhật Tuệ, “Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu” của Ưng Đại Vệ, “Oh my chuối” của Sĩ Thanh… và gần đây nhất là “Thu dẩm” của rapper LK, thật khó có thể định nghĩa nhạc trẻ hiện tại là gì.

Ca khúc khó hiểu từ cái tên, còn nội dung thì nhảm, nhạt, thậm chí vô nghĩa, đến nỗi khi nghe khán giả không hiểu điều mà nhạc sĩ và ca sĩ muốn nói đến là gì?

Hãy thử đọc lời của ca khúc “Như cái lò”: “Đừng bắt em phải ra ngoài đường/ Em chỉ cần có bốn bức tường/ Một điều hòa và một cái giường/ Nếu ra đường chỉ có/ Nóng như cái lò/ Nóng nóng nóng như cái lò… Cứ tiếp tục mà ểnh ương/ Em cứ việc ở trên giường”.

Còn “Thu dẩm” của LK thì: “Cô ta bị Dẩm và tên Thu. Bị Dẩm và tên Thu. Hay nổi điên mỗi khi thấy nóng nực. Khi nhìn tôi cô ta hay tức ngực. Tôi phải làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ? Phải gọi cấp cứu ngay không cô ta ngất. Chết dở”. Thật không thể tưởng tượng đây là lời của một tác phẩm âm nhạc, càng không thể hiểu nhạc sĩ, ca sĩ lại tự tin viết và thể hiện nó?

Quay lại “Như lời đồn”, dù câu từ không quá ngớ ngẩn nhưng cũng không ngoài nội dung nhạt và nhảm. “Như lời đồn” còn rất biết nắm bắt thời cuộc khi để Kiều Minh Tuấn là nhân vật của MV. Dễ nhận thấy, công thức của những ca khúc này là “mặc kệ” nội dung, câu từ nhạt nhẽo sẽ được khỏa lấp bởi tiết tấu âm nhạc sôi động, hoặc trong vỏ bọc của một MV sexy. Không phủ nhận, một bộ phận giới trẻ thích kiểu âm nhạc này. Thế nhưng, hãy nhìn lại vai trò của người nghệ sĩ đối với sự phát triển âm nhạc. Nếu âm nhạc không phát triển theo xu hướng tốt, thì cũng đừng để lệch đường và kéo theo một bộ phận khán giả bị lệch lạc gu thẩm mỹ âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng nói: Người làm nghệ thuật nên định hướng khán giả chứ đừng “hùa” theo khán giả. Nếu tất cả cứ cười xuề xòa với những cái tên như “Như lời đồn”, rồi biện minh rằng “do mọi người nhạy cảm suy diễn” thì âm nhạc sẽ đi về đâu?

Còn nhớ, Yanbi và Mr T đã từng bị xử phạt khi sáng tác thô tục với hai ca khúc “Phiếu bé ngoan” và “Tan Ka Ka”. Mức phạt cũng mang tính chất “tượng trưng”, có phải vì vậy mà những người làm nhạc trẻ không mấy quan tâm? Nhưng dù là thế thì số phận của ca khúc kiểu như vậy đã là câu trả lời cho tất cả, đó là sự nhanh chóng rơi vào quên lãng, hình ảnh và tên tuổi người sáng tác và cả người thể hiện cũng có cái kết đắng.

Người nghệ sĩ Việt chân chính khi sáng tác sẽ tôn trọng yếu tố thẩm mỹ của âm nhạc. Một bài hát khi thành hình hài phải đẹp từ giai điệu, đến ca từ, có nội dung, ý nghĩa, bởi thiên chức của âm nhạc, cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ là hướng công chúng đến với những điều tích cực và cái đẹp trong tình yêu, cuộc sống. Vậy, bản thân họ phải có cảm xúc đẹp, dẫn đến suy nghĩ đẹp mới có thể có những ca khúc đẹp.

Và, quan trọng là khán giả cần sự mạnh dạn và thẳng tay khai tử những sản phẩm âm nhạc “nhảm”, để chúng không còn đất sống.

Huy An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khai-tu-ca-khuc-nham-519276.html