Khám chữa bệnh tại bệnh viện tư có được hưởng BHYT

Hỏi: Khi người dân đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tưcó được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) không? Mức chi trả BHYT như thế nào?

Trả lời: Khi không thể khám BHYT tại nơi đăng ký, nhiều người đã lựa chọn đến các bệnh viện tư như một phương án thay thế. Người dân muốn khám ở những nơi ít bệnh nhân để tránh tình trạng quá tải ở bệnh viện công, nhưng lại sợ chi phí khám chữa bệnh lớn. Tuy nhiên, các bệnh viện tư có thể ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan bảo hiểm. Vậy người dân vẫn có thể đến bệnh viện tư khám và hưởng chế độ như các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Luật BHYT năm 2014 quy định, trường hợp bệnh viện tư nhân chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh với tổ chức BHYT, người dân phải tự thanh toán các chi phí tại bệnh viện rồi làm thủ tục để quỹ BHYT chi trả sau.

Như vậy, người dân đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tư sẽ được chi trả BHYT.

Về mức chi trả của BHYT khi khám tại bệnh viện tư như sau:

Tại các bệnh viện tư nhân có khám BHYT thì người bệnh vẫn sẽ được chi trả theo phạm vi, mức hưởng sau:

Khám đúng tuyến: 100% chi phí khám, chữa bệnh với: trẻ em dưới 6 tuổi, sĩ quan, quân nhân, hạ sĩ quan, cựu chiến binh, người tham gia BHYT 5 năm liên tục…; 95% chi phí khám, chữa bệnh với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức hằng tháng, thân nhân của người có công với cách mạng, hộ nghèo…; 80% chi phí khám, chữa bệnh với những đối tượng khác.

Khám trái tuyến: Theo khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, nếu khám BHYT trái tuyến tại bệnh viện tư nhân thì người bệnh được quỹ BHYT thanh toán theo mức đúng tuyến với tỷ lệ:

- Bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

- Bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;

- Bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Tại bệnh viện tư không khám, chữa bệnh BHYT

Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, người bệnh khi đi đến các bệnh viện tư không khám BHYT thì được thanh toán với mức như sau:

- Tuyến huyện: Không quá 0,15 lần lương cơ sở đối với khám chữa bệnh ngoại trú; không quá 0,5 lần lương cơ sở đối với khám chữa bệnh nội trú.

- Tuyến tỉnh: Thanh toán không quá 1,0 lần lương cơ sở khi khám nội trú;

- Tuyến Trung ương: Thanh toán không quá 2,5 lần lương cơ sở khi khám nội trú.

(Mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng và sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng kể từ 1-7-2023).

Đặc biệt, trường hợp cấp cứu thì người có BHYT vẫn được khám, chữa bệnh và thanh toán theo mức hưởng BHYT đúng tuyến tại bất kỳ bệnh viện, phòng khám nào (kể cả bệnh viện tư nhân).

Lan Thanh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/144717/kham-chua-benh-tai-benh-vien-tu-co-duoc-huong-bhyt