Khám gã nhiếp ảnh “giang hồ”

Vừa lên Đà Lạt, chưa kịp dọn đồ thì nhà văn Lê Công đến lôi tôi đến hiệu cà phê Tùng để gặp Phước “khùng” (nghệ danh MPK). Anh nói nếu không gặp ngay là mai hắn đi đóng phim thì mất công toi. Vội vàng thế tôi chả thích vì khó mà moi được chuyện gì mới ở tay nhiếp ảnh giang hồ này. Ai cũng gọi hắn là Phước “khùng”, nhưng xem mấy cuộc triển lãm của hắn thì tôi lại cho Phước chẳng hề khùng mà rất thông minh là đằng khác. Có người kêu hắn là một đứa trẻ tuổi 50 thì tôi chịu. Bởi hắn hồn nhiên trong mọi cung bậc, nhất là khi chụp ảnh thì tỉ mẩn và ngó nghiêng những vật nhỏ bé, li ti như trẻ thơ vậy. Ấy thế mà mỗi cuộc trưng bày của hắn làm ngạc nhiên mọi người qua những điều mà nhiều “người lớn” dễ bỏ qua.

Khám ba lô “bẩn” của Phước

Cái ba lô bạc phếch luôn trên vai với đôi cánh tay trần của hắn là hình ảnh rất “khùng” và cũng là điều bí ẩn mà khó ai đoán nổi trong đó có những gì. Thế là tôi lục ngay ba lô của hắn để ở trên ghế. Nhà văn Lê Công cười vì hành động vừa xin phép vừa hành động rất nhanh của tôi. Quả là hắn dễ tính, cho dù chưa ai lục tung ba lô của hắn cả, nên chỉ toét miệng cười nhìn tôi, tỏ ra bất cần. Tôi lôi từng thứ ra bàn. Ống kính. Chẳng lạ. Mấy cuộn phim. Tất nhiên. Một máy cơ cổ lỗ sĩ Nikon SMZ. Thì hắn vẫn dùng mấy chục năm nay. Gói thuốc lá... Hắn nhìn tôi cười. Tôi lục tiếp. Một bật lửa gas. Hắn lại cười một cách hồn nhiên. Tôi vét tới đáy ba lô thì vớ được một cuốn sổ đã nát cùng cây bút và vài ba tờ giấy ghi chép dằng dịt. Hắn đột nhiên tỏ ra mất bình tĩnh khi cười một cách ngượng nghịu. Tôi lật vài trang sổ tay và chợt dừng lại mấy bản nhạc mà hắn viết rất cẩn thận. Tôi nhẩm đọc, nào là Tình cờ, Trăng gày hay Đóa hồng nhỏ..., ở dưới còn ghi thời gian vào 1984 hay 1985, con số đã nhòe theo thời gian. Lúc này thấy Phước ngồi lặng đi nên tôi bỗng thấy như mình đã phát hiện ra điều gì đó hệ trọng lắm trong cuộc đời hắn. Quả vậy, hắn đã kể lại rằng đó là một câu chuyện buồn khi hắn ở tuổi 27. Khi ấy, hắn thấy mình như bế tắc, mất phương hướng và cho là cuộc đời thật vô nghĩa. Hắn đau khổ với cuộc sống nghèo túng, đói khát của mình và định tự vẫn để hòng thoát khỏi mọi nỗi nhân tình thế thái trên cõi đời. Thật bất ngờ, đúng lúc đó, một cô bé 13 tuổi xuất hiện. Chính giọng nói trong trẻo ngây thơ của cô bé vang lên với những câu hỏi về hoa, về con suối đã làm hắn giật mình như thoát khỏi cơn mê. Và đôi mắt sáng long lanh kia đã kéo hắn ra khỏi sự u tối trong tâm hồn. Hắn quỳ xuống trước cây thông già rồi chạy như bay về nhà ôm mặt khóc.

Thế là đêm đó, hắn viết mấy bản nhạc liền để muốn hát lên tiếng thảng thốt của lòng mình và muốn cảm ơn cô bé xinh đẹp. Hắn cứ giữ 5 bản nhạc sám hối đó cho đến nay, ở đáy ba lô và luôn luôn nuôi hy vọng sẽ gặp được ân nhân mỗi khi tuyệt vọng. Vậy thì ra có người kể hắn đã viết tới dăm chục ca khúc là có lý. Tôi hỏi mới đây viết được bài gì không? Có! - hắn trả lời và nói luôn tên bài hát là Nắng lạnh. Rồi chẳng cần yêu cầu, hắn hát luôn với cái giọng khê nồng vì thuốc lá nhưng lại ấm áp, da diết và bâng khuâng xiết bao…

Bất chợt một tờ giấy rơi xuống đất, tôi vội nhặt lên xem và đọc mấy câu thơ. Chắc hắn còn làm thơ. Tôi định đọc thì hắn giật lấy rồi nói, phải để hắn đọc, vì đây là sự chiêm nghiệm của hắn sau một lần chụp bức ảnh Nhật thực mà nên. Hắn nói khi mặt trời bị lấp bóng, trời đất tối sẫm trước ống kính. Hắn ngã. Bóng hắn hòa nhập vào trong vũ trụ và mới huyền diệu làm sao khi con người mình bỗng tan biến vào hư không. Hắn triết luận một hồi rồi đọc:

“Trăm năm thoáng chốc vô biên

Trăm năm thoáng chốc nguyệt huyền nhật hoa

Trăm năm thoáng chốc thật là

Trăm năm thoáng chốc chợt ta, chợt mình”

Lục soát nhà “Khùng” Đà Lạt

Trên đường đến nhà Phước ở Thủ Khoa Huân, tôi còn nghe Lê Công kể hồi hắn lấy vợ, anh em văn nghệ Lâm Đồng đưa chuyện rằng, nghe tin hắn lấy vợ mà đàn bà, con gái Đà Lạt mừng rơn vì không còn bóng dáng người rừng ấy đi lang thang vào đêm tối ở thành phố đầy sương phủ này nữa. Nhưng cái việc hắn bán 5 bộ ảnh để mua nhà thì ai cũng thấy hắn đúng là một người đàn ông đích thực khi biết lo toan lâu dài cho đời mình, thoát khỏi cảnh thuê mướn ở nhờ, ở đậu bạn bè suốt mấy chục năm ròng, từ lúc bỏ nhà đi bụi khi mới 13 tuổi.

Tôi bước vào nhà hắn phải lách rất khéo, nếu không sẽ đổ hoặc đánh rơi vài thứ, vì diện tích chỉ có 17,3 mét vuông mà ngổn ngang lắm thứ. Cây đàn treo tường cùng bao thứ tạp pí lù sưu tầm được. Ảnh treo khắp nơi và để ở mọi xó nhà có thể. Riêng cái tủ giữ hàng ngàn bộ phim ảnh là thứ quan trọng nhất trong ngôi nhà nhỏ bé này.

Rồi hắn kể khi phải bán tác phẩm của mình thấy xót lắm, sụt sùi mất mấy ngày, nhưng rồi đành mặc cho con tạo xoay vần, biết đâu sau khi lấy vợ sẽ đổi đời khá giả hơn.

Hỏi thêm chuyện vợ con mới hay, hắn khùng thật và nghĩ không ai như hắn. Vợ có nhà cửa ở Sài Gòn mà không chịu theo về để lập nghiệp, vậy mà chỉ được ít bữa nửa tháng, hắn tót về Đà Lạt. Thỉnh thoảng vài ba tháng cô vợ trẻ trung, ngót nửa số tuổi của hắn lại phải lên núi thăm chồng. Đúng là nửa đời nửa đoạn. Hắn gãi đầu rồi bộc bạch, nhiều lúc thấy đời mình là cái hạt mầm gieo vào lòng đất Đà Lạt, thành cái thân cây không thể bứng đi đâu được. Nếu nhảy đi nơi khác thì hắn không bao giờ là một MPK nữa và không khéo nổi cơn điên thật sự. Nói đến thế thì phải chịu hắn có lý. Trong lòng tôi lại chợt nghĩ hắn chẳng hề khùng tí nào khi yêu quê hương mình đến vậy.

Một tác phẩm nhiếp ảnh của Phước “khùng”.

Nhưng hắn lại khoe nhờ có bữa cơm của vợ mà hắn nghĩ ra đề tài về mầm cây. Bộ ảnh Mầm đã được triển lãm. Ấy là trong khi chờ vợ chuẩn bị cơm, hắn bất chợt cầm một cọng giá giơ lên trước ánh sáng cửa sổ và phát hiện ra vẻ đẹp kỳ lạ của mầm đỗ, khi được chiếu rọi trước chùm ánh sáng thiên nhiên. Thế là một đề tài xuất hiện với hàng trăm bức ảnh sau đó hắn cặm cụi thu được trong một năm trời. Hắn đi và đi. Khắp nơi, khắp chốn để chụp lại những khoảnh khắc bất chợt của những mầm cây khi bật chồi lên sự sống. Hắn có triết lý của mình mỗi khi tìm ra một đề tài với nhận thức rằng cái đẹp ở ngay cạnh mình, từ những sự vật bé nhỏ nhất.

Chính với cảm xúc đó mà hắn trở thành nhà thơ của thiên nhiên Đà Lạt. Các bộ ảnh như Khát, Hoa dại, Giọt sương, Mắt côn trùng… và mới đây là Ứa thành công vì lẽ đó. Hắn sáng tạo một cách hồn nhiên, với những khám phá ý tưởng mới lạ qua những điều tưởng như rất quen thuộc với mọi người. Chính vì sự hòa mình vào thiên nhiên hết mình như vậy mà không bao giờ hắn chụp ảnh về con người. Ảnh duy nhất là chụp cánh tay hắn giơ thẳng về phía mặt trời, như một sự khát khao muốn vươn tới vũ trụ sáng tạo. Và vũ trụ sáng tạo của hắn lại trở về mặt đất; đó là những giọt sương, giọt nhựa thông, ánh mắt của những con cá vàng trong bể cảnh hoặc nhụy hoa đang lên hương, những cây hoa dại ven đường… và kể cả những chuyện ân ái giữa những con vật nhỏ bé. Tất cả dường như gắn bó cuộc đời dâu bể sóng gió của hắn, cho dù luôn sống trong cảnh cơ hàn.

Lục túi áo hắn

Nghe nói hắn mới có cái ví được vợ tặng, trước khi chia tay, tôi đòi xem. Hắn chịu và móc cái ví từ túi áo ra và cười khì khì. Lép kẹp, ví có mỗi cái ảnh hồi mới cưới vợ, không hề có một đồng bạc nào. Có người nói hắn nghèo lắm, chẳng khi nào có tiền ở trong túi. Giờ thì tôi tin. Tôi cứ định tìm một câu hỏi nào đó thật khéo về đời sống để hắn khỏi chạnh lòng thì ngay lập tức hắn nói, ngày mai đi đóng phim chắc sẽ có vài trăm ngay, nhưng không biết chúng có ở lại trong túi lâu không thôi. Yên tâm đi! Hắn nói, tiền đến rồi lại đi mà. Nó bạc lắm nhưng chả bao giờ Khùng đói đâu. Vì bạn bè gắn bó một đời, Khùng giàu vì bạn mà. Hắn bắt tay tôi, hẹn gặp lại rồi hắn nhoẻn cười chia tay. Một nụ cười hồn nhiên trên gương mặt già nua rừng rú ấy làm tôi sửng sốt.

Vương Tâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20111125081442689p15c97/kham-ga-nhiep-anh-giang-ho.htm