Khám phá Azerbaijan: Đất nước xinh đẹp, nơi thảm là đỉnh cao của nghệ thuật

Đối với một số người, nhà là nơi chứa đựng trái tim. Tuy nhiên, ở Azerbaijan có câu nói 'xalçam harada, yurdum orada' có nghĩa là 'tấm thảm của tôi ở đâu thì đó là nơi tôi sống'.

Tình yêu với thảm của Azerbaijan là một điều không thể tách rời - một loại hình nghệ thuật được nhiều người tôn kính, đã ăn sâu vào DNA văn hóa của nước này kể từ Thời đại đồ đồng và được bảo tồn mãnh liệt sau đó.

Ngày nay, thảm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Azerbaijan. Chúng được tìm thấy ở khắp mọi nơi: trên tường, dưới sàn nhà, trong các nhà hàng, được bày thành từng đống bên ngoài các cửa hàng lưu niệm và rải rác trên nóc của những chiếc xe Lada rỉ sét đậu bên đường. Một số được dệt tặng cho những dịp đặc biệt như: sinh nhật, đám cưới và tang lễ.

Bảo tàng về thảm ở thủ đô Baku, Azerbaijan - Ảnh: Azerbaijan Brand Center

Kỹ thuật dệt thảm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Azerbaijan và mỗi tấm thảm đều có một câu chuyện riêng để kể. Chúng là một hiện tượng nghệ thuật đến nỗi vào năm 2010, UNESCO đã ghi nghề dệt thảm truyền thống của Azerbaijan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại thủ đô Baku của đất nước Azerbaijan, hiện thân nổi bật nhất của tấm thảm được yêu thích là một tòa nhà có hình dạng khá đặc biệt, giống như một tấm thảm cuộn nửa khổng lồ được trang trí bằng hoa văn hình học màu vàng. Bảo tàng Thảm Quốc gia Azerbaijan do kiến trúc sư người Áo Franz Janz thiết kế, nằm kiêu hãnh trên con đường đi dạo náo nhiệt bên bờ biển của thành phố.

Bảo tàng 3 tầng như một “ngân hàng” của những tấm thảm Azerbaijan, hiện đại và truyền thống, dệt thoi và dệt phẳng, từ loại nhỏ đến loại lớn... cũng gống như những bảo tàng về hàng dệt, gốm sứ, đồ trang sức hay trang phục truyền thống. Bảo tàng lưu giữ khoảng 6.000 tấm thảm các loại, có niên đại từ thế kỷ 17 tới ngày nay, đến từ các vùng khác nhau trên khắp đất nước, từ bờ biển Caspian đến vùng nội địa của vùng núi Karabakh.

Bảo tàng lưu giữ khoảng 6000 loại thảm được sưu tầm từ khoảng thế kỷ thứ 17 đến nay - Ảnh: Azerbaijan Brand Center

Bảo tàng Thảm Quốc gia Azerbaijan được thành lập vào năm 1967 bởi nghệ sĩ và thợ dệt thảm nổi tiếng Latif Karimov, người đã cống hiến cả cuộc đời mình để tôn vinh và bảo tồn những tấm thảm của Azerbaijan. Vào thời điểm khai trương, đây là bảo tàng đầu tiên thuộc loại này và được xem như một trung tâm nghiên cứu và giáo dục quan trọng về thảm của người Azerbaijan.

Cách bảo tàng không xa, tại thành phố cổ được UNESCO công nhận tên là Azerkhalcha, thuộc thủ đô Baku, có một tổ chức chuyên bảo tồn truyền thống dệt thảm lâu đời, họ có nhiều hành động để ủng hộ những người phụ nữ cống hiến cả cuộc đời vì thảm. Một trong số họ là bà Sevinj Hajiyeva, 61 tuổi, người được anh trai dạy cách dệt vải khi bà mới 6 tuổi.

“Dệt thảm không chỉ là một nghệ thuật, đó là niềm đam mê sâu sắc, nguồn tình yêu và người bạn đồng hành suốt đời”, bà Sevinj nói. “Khát vọng lớn nhất của tôi là truyền lại nghệ thuật này cho thế hệ trẻ”. Đối với Sevinj, những người thợ dệt ở Azerbaijan thường chia sẻ cảm xúc và ý tưởng thông qua những tấm thảm, “coi chúng như những sáng tạo đáng trân trọng giống như con cái của họ”.

Trong khi đó, Maleyka Abdullayeva và Najiba Panahova đều làm việc tại xưởng ở Ismayilli, một vùng thuộc thành cổ Azerkhalcha, phía bắc Azerbaijan. Maleyka đã cống hiến, gắn bó với thảm hơn ba thập kỷ cuộc đời. Đối với cô, dệt vải không chỉ là một nghề thủ công mà còn là “sự đánh giá cao đối với một trong những vẻ đẹp vĩ đại nhất thế giới”, cô nói. Và Najiba, được mẹ dạy dệt vải khi chỉ mới 14 tuổi - đó là lúc cô “bị thu hút bởi điệu nhảy đầy mê hoặc của những vòng vòng”.

Những tấm thảm được dệt cầu kỳ và độc đáo - Ảnh: Azerbaijn Brand Center

Thảm - tác phẩm nghệ thuật cực kỳ phức tạp

Khi nhìn lại lịch sử, người ta thấy những tấm thảm của Azerbaijan từ lâu đã vươn xa và rộng khắp. Chúng đã được nhắc tới trong “Sách của Dede Korkut”, một số có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 10, khiến nó trở thành một trong những tác phẩm lâu đời nhất còn sót lại của văn học Thổ Nhĩ Kỳ.

Người ta tin rằng nhà du hành Ả Rập Al-Muqaddasi, cũng từ thế kỷ thứ 10, đã đến thăm Azerbaijan và lưu ý rằng “thảm của họ không có gì sánh bằng trên thế giới”. Ngay cả các nhà sử học Hy Lạp cổ đại là Herodotus và Xenophon, cũng như nhà thám hiểm và nhà văn nổi tiếng người Ý Marco Polo, đã viết về tầm quan trọng của tấm thảm Azerbaijan trong các tác phẩm của họ.

Có hai dạng thảm ở Azerbaijan, dệt phẳng và dệt cọc, trong đó lại được chia thành bốn loại, tùy thuộc vào khu vực xuất xứ của chúng: thảm Guba-Shirvan, thảm Ganja-Gazakh, thảm Karabakh và thảm Tabriz.

Hầu hết thảm của Azerbaijan được làm bằng len từ cừu hoặc cừu - Ảnh: Emil Khalilov

Hầu hết các loại thảm ở Azerbaijan được làm bằng len từ cừu, trong khi loại lụa được chế tác độc quyền ở Sheki, vùng sản xuất tơ lụa duy nhất trong cả nước. Thảm dệt phẳng có tám loại, tùy thuộc vào họa tiết, thành phần, phương pháp dệt và màu sắc gồm: palas, jejim, ladi, kilim, shadda, varni, zili và soumak.

Phổ biến nhất đối với người Azerbaijan là thảm kilim và soumak, được phân biệt nhờ các họa tiết hình học đậm nét và được dệt phẳng trên khung cửi bằng các sợi dọc. Trong hai loại này, kilim có hoa văn giống nhau ở cả hai mặt và mỏng hơn.

Một số thiết kế cổ xưa nổi tiếng nhất của thảm Azerbaijan gồm thảm Pirabadil từ Guba, thảm Verneh từ Karabakh và thảm Surakhani từ Shirvan. Thảm Ardabil - một trong những tấm thảm cổ nhất trên thế giới - được cho là được tạo ra ở Tabriz, một thành phố nói tiếng Azerbaijan ở tỉnh Đông Azerbaijan của Iran.

Khi nói đến quá trình tạo ra tấm thảm, đó là một quá trình cực kỳ phức tạp và tốn thời gian. Đầu tiên, cừu được nuôi để lấy len - việc này thường được thực hiện vào mùa xuân hoặc mùa thu - sau đó được giặt, xe sợi và nhuộm trước khi sợi được dệt trong khung dệt ngang hoặc dọc. Kỹ thuật nhuộm tự nhiên, cổ xưa vẫn được ưa chuộng nhất ở Azerbaijan. Chúng được chiết xuất từ thực vật, trái cây và rau quả, chẳng hạn như hành tím, nghệ tây, vỏ hạt và quả lựu. Những kỹ thuật lâu đời này đã đứng vững trước thử thách của thời gian.

Phá vỡ truyền thống, tạo phong cách và ấn tượng mới về thảm

Nhưng đó không phải là tất cả về quá khứ và truyền thống kiên cường của thảm. Một nghệ sĩ người Azerbaijan, Faig Ahmed, được biết đến với việc giải mã những tấm thảm điển hình và “làm biến dạng” chúng bằng những họa tiết ba chiều mới, đan xen các phong cách truyền thống theo đúng nghĩa đen với những họa tiết trừu tượng, gần như ảo giác, tạo ra phong cách và khiến cho thảm Azerbaijan trở nên kỳ lạ, hấp dẫn và độc đáo hơn.

Những thiết kế tuyệt đẹp của Faig Ahmed phá vỡ truyền thống, mang lại cái nhìn khác về thảm.

Ahmed, người sinh ra ở Sumqayit nhưng hiện sống và làm việc ở Baku, đã trưng bày những thiết kế độc đáo của mình tại các triển lãm nghệ thuật trên khắp thế giới như New York, Paris, Mumbai hay một số tên tuổi khác. Anh đại diện cho Azerbaijan tại triển lãm Venice Biennale năm 2007, và năm 2013 lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng Jameel 3 tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London.

Mọi chuyện bắt đầu từ một tấm thảm được truyền lại từ bà cố của anh. Khi còn là một đứa trẻ mẫu giáo, anh đã trở nên vô cùng quen thuộc với những hoa văn phức tạp, sống động cũng như những điểm không hoàn hảo của một tấm thảm thủ công. Một ngày nọ, anh ấy bắt đầu cắt những mẫu này ra. Anh có thể đã làm hỏng một vật gia truyền quan trọng của gia đình, nhưng đó là sự ra đời của một nghệ sĩ không giống ai.

"Dệt thảm không chỉ là một nghệ thuật, đó là niềm đam mê sâu sắc, nguồn tình yêu và người bạn đồng hành suốt đời" - bà Sevinj nói.

Ahmed tâm sự: “Đối với tôi, với tư cách là một nghệ sĩ người Azerbaijan, tấm thảm đại diện cho ngôn ngữ nghệ thuật bản địa hóa mà qua đó người ta có thể thể hiện các chủ đề toàn cầu. Trong văn hóa Azerbaijan, một tấm thảm tượng trưng cho sự kết nối nhiều tầng giữa lịch sử, truyền thống, chuẩn mực xã hội, tôn giáo, chính trị và địa lý. Điều này biểu thị mối liên hệ sâu xa giữa địa lý và văn hóa của Azerbaijan”.

Ahmed cho biết những tấm thảm ở Azerbaijan cũng là biểu tượng mạnh mẽ của cuộc sống gia đình. Ở một số làng, các cặp đôi mới cưới nhận được một tấm thảm để đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc hôn nhân mới. Và trong các nghi lễ tang lễ truyền thống, thi thể được bọc bằng một “tấm thảm dệt đặc biệt có hình dáng thon dài với phần giữa trống rỗng (không có hoa văn) mang tính biểu tượng”.

Và, bất chấp tính chất cong vênh và mang tính khái niệm trong các thiết kế của anh, các loại nút thắt mà Faig sử dụng “giống hệt như những loại được sử dụng hàng nghìn năm trước - giống như tấm thảm Pazyryk có niên đại 2.500 năm, từ Altai”, anh nói. “Tuy nhiên, vì tôi đang đưa các yếu tố phức tạp vào hình thức dệt cổ xưa này nên việc phát triển các kỹ thuật và phương pháp mới là cần thiết”, nghệ sĩ Faig Ahmed chia sẻ.

Thảm Azerbaijan có lịch sử lâu đời, với những sản phẩm đầu tiên được cho là có từ thời đồ đồng - Ảnh: Azerbaijn Brand Center

Ngày nay, việc bảo tồn nghề dệt thảm rất quan trọng đối với Azerbaijan, đến nỗi nó được giảng dạy ở một số trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Ví dụ, Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Bang Azerbaijan ở Baku cấp bằng cử nhân về Nghệ thuật trang trí, ứng dụng (thảm, dệt).

Đối với khách du lịch, các xưởng dệt thảm trên khắp đất nước Azerbaijan, bao gồm cả Qadim Quba ở vùng Quba phía bắc Azerbaijan, là những điểm đến thú vị, hấp dẫn, để tìm hiểu một sản phẩm nghệ thuật độc đáo được nâng tầm. Và, với những người như Faig Ahmed và ở thành cổ Azerkhalcha - những người đang bảo tồn những truyền thống cổ xưa và quảng bá chúng vào thế kỷ 21 - có thể nói rằng những tấm thảm sẽ vẫn gắn chặt vào văn hóa Azerbaijan trong nhiều thế hệ mai sau.

Vân Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kham-pha-azerbaijan-dat-nuoc-xinh-dep-noi-tham-la-dinh-cao-cua-nghe-thuat-post278118.html