Khám phá chiến khu rừng Sác - căn cứ nổi của lính đặc công Việt Nam

Căn cứ nổi - Chiến khu rừng Sác, với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch.

Video: Đặc công rừng Sác vừa chiến đấu với quân thù, vừa đối phó cá sấu đầy sông

Đặc khu quân sự rừng Sác được Bộ Chỉ huy Miền thành lập ngày 15/4/1966, với mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công rừng Sác, với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.

Đặc khu quân sự rừng Sác được Bộ Chỉ huy Miền thành lập ngày 15/4/1966, với mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công rừng Sác, với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.

Ngay lối vào là nhà cảnh vệ, nơi đây là điểm quan sát đảm bảo an toàn cho chiến khu.

Nhà thông tin là nơi đặt các trang thiết bị nhằm bảo đảm liên lạc thông suốt với Trung ương, Bộ tư lệnh Miền.

Nhà công xưởng chuyên sản xuất vũ khí. Trong 9 năm chiến đấu, lính đặc công đã cưa bom, đạn lép lấy được hơn 3 tấn thuốc nổ, sản xuất nhiều loại vũ khí.

Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, công tác nuôi quân luôn được chỉ huy Đoàn 10 rừng Sác đặc biệt quan tâm. Phần nhiều nhu yếu phẩm do nhân dân giúp đỡ và bộ đội tự túc thu thập như cua, còng, cá, lá kìm, đọt chà là...

Trong hoàn cảnh khó khăn, đặc công Rừng Sác đã sáng tạo ra cách đun sôi nước mặn ngưng tụ lại để lấy nước ngọt sinh hoạt. Với cách làm này 2 chiến sĩ nấu trong 24h có thể thu 300 lít nước ngọt, đủ cho một trung đội ăn uống trong một ngày.

Một cách thức lấy nước ngọt khác là căng vải dù dưới những thân cây để hứng nước mưa.

Quần áo các chiến sĩ do xưởng may đảm nhiệm, nơi đây may mới và sửa chữa quân trang cho các chiến sĩ.

Nhà Quân y, với những thiết bị y tế khiêm tốn nhưng đã cứu sống gần 500 thương bệnh binh của Trung đoàn.

Năm 1968, địch rải chất khai hoang, làm cây cối nơi đây chết khô, các chiến sĩ đặc công phải đắp hầm nổi ngụy trang bằng màu cây khô để trú ẩn.

Ngoài bom đạn ác liệt và chất độc hóa học, cá sấu rừng Sác cũng là mối nguy hiểm luôn rìm rập, nhiều chiến sĩ đã bị cá sấu tấn công.

Lực lương đặc công rừng Sác đã lập nhiều chiến công, nổi bật là trận đánh phá hủy 80% kho bom Thành Tuy Hạ với trên 60.000 trái bom, hơn 100.000 quả đạn pháo và toàn bộ kho bom CBU chứa trong căn cứ vào ngày 5/12/1972.

Đặc biệt là trận đánh kho xăng Nhà Bè do các chiến sĩ đội 5 thực hiện, gây thiệt hại 250 triệu lít xăng vào đêm ngảy 3/121973.

Với lối đánh bất ngờ, táo bạo và đầy sáng tạo, trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến đấu; đánh đắm 13 tàu vận tải từ 8.000-13.000 tấn, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng; thiêu hủy 110.000 tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu của địch...

9 năm bám trụ, sống và chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội, các chiến sĩ đặc công rừng Sác cũng phải chịu những thiệt hại vô cùng to lớn.

Đã có trên 860 cán bộ, chiến sĩ đặc công Đoàn 10 Rừng Sác hy sinh, trong số đó hơn 500 người không tìm được xác, thân thể.

Sau giải phóng, Đặc khu quân sự rừng Sác được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 15/12/2004 và nơi đây trở thành điểm du lịch tìm hiểu lịch sử của TP.HCM.

Nhiều người đến tham quan, cho rằng địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” thì Đặc khu quân sự rừng Sác là “căn cứ nổi.”

Đình Phúc

Nguồn VTC: https://vtc.vn/anh-kham-pha-chien-khu-rung-sac-can-cu-noi-cua-linh-dac-cong-viet-nam-ar608881.html