Khám phá di sản văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tối ngày 1/12, Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, khai mạc 'Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi' tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Quảng bá di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đây là hoạt động nhằm triển khai nhiệm vụ thuộc Dự án 6, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023; hưởng ứng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại chương trình

Chương trình nhằm truyền tải tới công chúng câu chuyện về hai di sản văn hóa phi vật thể là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận hiện nay đang được cộng đồng thực hành ra sao ở địa phương và mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản như thế nào thông qua tiếng nói của chính những nghệ nhân đang thực hành di sản.

Xòe Thái là hình thức sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái, phản ánh tâm tư, tình cảm, thể hiện sự hòa đồng gắn kết, tinh thần hiếu khách và mang tính nhân văn sâu sắc. Năm 2021, UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, nghệ thuật Xòe Thái là một trong những điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách đến với vùng Tây Bắc để có những trải nghiệm chân thực về di sản văn hóa bản địa.

Trong khi đó, Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống người dân Tây Nguyên, là thanh âm của đại ngàn, là chất liệu góp phần tạo nên những áng sử thi Tây Nguyên hùng tráng.

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên tham dự chương trình.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải khắp 5 tỉnh ở Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Chủ thể là hơn mười dân tộc sinh sống từ lâu đời tại đây, như Bana, Xơđăng, Giarai, Êđê, Mnông, Cơho, Mạ… Năm 2005, UNESCO công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại.

Đến năm 2008, di sản này được chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cồng chiêng được sử dụng nhiều và tập trung nhất trong lễ cúng ăn trâu và tang ma. Ngày nay, Cồng chiêng còn được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa đời thường.

Từ những giá trị đặc biệt đó, Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia) đã giới thiệu và trưng bày hai di sản văn hóa phi vật thể là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ thuật Xòe Thái tại Thủ đô Hà Nội.

Không gian trưng bày Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chia sẻ về chương trình, Giám đốc Trung tâm thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Hoàng Quốc Hòa cho biết: "Để tổ chức chương trình, chúng tôi đã có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan, nhất là các chuyên gia, nghệ nhân đến từ các lĩnh vực văn hóa, di sản, giáo dục, du lịch… với mong muốn truyền tải một cách tốt nhất những giá trị nổi bật của các di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, tại chương trình, các đại biểu và công chúng đã được nghe giới thiệu, thưởng thức các tiết mục trình diễn và khám phá không gian trưng bày hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ thuật Xòe Thái, tìm hiểu việc các di sản này đã được cộng đồng thực hành ra sao ở địa phương thông qua chia sẻ của các nghệ nhân thực hành di sản".

Phát triển du lịch dựa trên di sản

Bên cạnh đó tại chương trình, không chỉ muốn du khách tìm hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà ban tổ chức còn mong muốn truyền tải thông điệp tới du khách: Hãy cùng "Lên Tây Bắc-Về Tây Nguyên, cùng cộng đồng đưa di sản đến với du lịch;" mỗi du khách đến đây gặp gỡ các cộng đồng để trực tiếp giao lưu và nghe chia sẻ từ họ sẽ thêm hiểu, yêu mến và trân quý các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ và chung tay cùng cộng đồng phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết: Du lịch di sản văn hóa được xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam và là một thành tố cốt lõi tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam. Trong ba năm 2019, 2020, 2022, Việt Nam đã vinh dự được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới" cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm đẩy mạnh quảng bá các giá trị độc đáo của di sản nhằm phát triển du lịch.

"Thông qua chương trình này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cộng đồng sẽ tiếp tục chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các giá trị quý giá của di sản văn hóa đất nước ta," ông Phúc nhấn mạnh.

Đồng thời đẩy mạnh quảng bá các giá trị độc đáo của di sản nhằm phát triển du lịch.

Giáo sư, TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhận định: Để di sản mang lại những lợi ích về kinh tế, văn hóa và nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản thì không có cách nào khác phải có những hình thức quảng bá như này, vừa là quảng bá cho cộng đồng nội tại, vừa là quảng bá cho các đối tượng du khách khác nhau đến từ các vùng miền trong nước và nước ngoài. Đây là hình thức góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam theo đúng chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhân dịp này, Trung tâm Thông tin du lịch đã cho ra mắt các video clip quảng bá về di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ thuật Xòe Thái, với mong muốn góp phần đưa di sản đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Chương trình thu hút đông đảo công chúng đến tham dự

Trong khuôn khổ chương trình còn có các gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương, giới thiệu thông tin về các chương trình tour tuyến du lịch hấp dẫn đến với vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đại ngàn, chương trình giao lưu trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương…/.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/kham-pha-di-san-van-hoa-phi-vat-the-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20231202102853227.htm