Khám phá di tích Văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng di tích đặc biệt

Trong số 5 di tích Quốc gia đặc biệt vừa được xếp hạng, có di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh được lập gồm 5 địa điểm: Di tích Long Thạnh, Di tích Phú Khương, Di tích Thạnh Đức, Di tích đầm An Khê - lạch An Khê và Quần thể di tích Chămpa.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh được lập gồm 5 địa điểm: Di tích Long Thạnh, Di tích Phú Khương, Di tích Thạnh Đức, Di tích đầm An Khê - lạch An Khê và Quần thể di tích Chămpa.

Di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1997. Di tích được phân bố chủ yếu ở Long Thạnh, Thạnh Đức thuộc phường Phổ Thạnh và Phú Khương thuộc xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ.

Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi).

Từ những hiện vật phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy, Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi).

Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo…

Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh đó, Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, bộ rìu tay cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá thuộc xã Xuân An và Gò Đá nằm trên địa bàn phường An Bình, thị xã An Khê được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước phát hiện từ giữa tháng 6/2014.

Với nhiều hiện vật đồ đá, địa tầng, di vật và kết quả phân tích những mảnh thiên thạch phát hiện tại đây đã khẳng định sự tồn tại một cộng đồng cư dân cổ cùng thành tựu văn hóa đầu tiên của loài người từ hơn 80 vạn năm trước.

Điều này cũng đồng nghĩa sự hình thành và phát triển ở vùng đất này đã được định hình từ rất lâu, trở thành luận cứ vững chắc khẳng định giá trị bất biến về ý nghĩa khảo cổ học, lịch sử học của Rộc Tưng - Gò Đá nói riêng, thị xã An Khê nói chung trong bản đồ phát triển nhân loại.

Ngoài giá trị lịch sử của vùng đất Tây Sơn thượng đạo chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử có giá trị, giờ đây thị xã An Khê sẽ được biết đến nhiều hơn bởi quần thể di tích cấp quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá.

Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai có 13 di tích cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Xem thêm video:Những tượng đá gây tranh cãi trong di tích lịch sử quốc gia (Nguồn: VTV24).

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kham-pha-di-tich-van-hoa-sa-huynh-duoc-xep-hang-di-tich-dac-biet-1792923.html