Khám phá đồ uống chống nóng xa xưa ở Trung Quốc

'Vua đồ giải nhiệt' ở Trung Quốc từ cả trăm năm qua lại là thứ ít ai ngờ: leungcha, hay lương trà.

Khi nhiệt độ ở hầu hết các khu vực miền nam Trung Quốc lên đến gần 40 độ C, mọi người tìm đủ mọi cách chống chọi với cái nóng. Một số người đổ về các tỉnh tương đối mát mẻ hơn như Vân Nam, những người khác ở rịt trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ và tranh luận xem có nên chi thêm tiền cho món kem ngày càng đắt đỏ ở Trung Quốc hay không.

Vua giải nhiệt

Đối với phần còn lại, vẫn có thứ được xem là “vua đồ uống giải nhiệt mùa hè” ở Trung Quốc: leungcha (lương trà) kiểu Quảng Đông. Leungcha nghĩa đen là “trà mát”, không nên nhầm với trà đá. Phù hợp với các quy tắc thực hành y học cổ truyền của Trung Quốc, vốn cấm đồ uống lạnh, leungcha chính thống không dùng đá lạnh và loại đồ uống giải nhiệt này có tác dụng làm mát cơ thể theo cơ chế khác với trà đá. Trong thức uống này có hỗn hợp các loại dược liệu có đặc tính "làm mát", bao gồm hoa kim ngân Nhật Bản, lá tre, bí đao, hoa cúc và hoa loa kèn.

Giống như tất cả các bài thuốc truyền thống đã được chứng minh có tác dụng tốt của Trung Quốc, ngụm leungcha đầu tiên luôn là khó chịu nhất. Một bài báo năm 1942 trên tờ Thượng Hải thân báo có uy tín đã mô tả về thức uống mới lạ (khi ấy) như sau: “Hương vị đầu tiên khiến nhiều người nhíu mày và có vẻ khó chịu, như thể họ đã lãng phí tiền của mình đi mua một thứ nước đắng. Chỉ sau khi uống xong tách trà, họ mới đánh giá cao dư vị ngọt ngào đọng lại trên lưỡi - và nhận ra rằng cái nóng khiến họ khó chịu gần như đã tan biến”.

Mặc dù ban đầu là một thứ đồ uống của Quảng Đông, nhưng các quầy leungcha xuất hiện ngày càng nhiều ở Thượng Hải ngay từ năm 1924 bởi những người nói tiếng Quảng Đông tới đây làm ăn buôn bán ngày càng nhiều. Đến năm 1946, các quầy leungcha giá rẻ đã trở nên quen thuộc trong mùa hè oi ả của thành phố. Một tờ tuần báo ở Thượng Hải viết: “Hãy quan sát bất kỳ ngã tư đông đúc hoặc trạm xe điện nào. Bạn sẽ nhìn thấy và nghe thấy ít nhất một vài người bán thứ đồ uống này hét “Này! Chỉ một đồng một cốc thôi”.

Nếu leungcha Quảng Đông là đồ uống mùa hè nổi tiếng nhất của miền nam Trung Quốc, thì một thức uống giải nhiệt khác lại ngự trị ở phía bắc sông Dương Tử: suanmei tang (toan mai thang), tức là nước quả mận chua.

Truyện tranh "Tặng lương trà" của Feng Zikai, năm 1934.

Truyện tranh "Tặng lương trà" của Feng Zikai, năm 1934.

Nước mận chua

Mặc dù không phải là một phát minh của người Bắc Kinh, nhưng lịch sử của suanmei tang được cho là phải bắt đầu từ thủ đô của Trung Quốc, nơi thức uống này tạo thành một phần quan trọng của các câu chuyện truyền kỳ về “Bắc Kinh cổ”. Vào những năm 1930, những người bán suanmei tang có mặt khắp nơi trên các đường phố của thành phố, đặt hai chiếc chuông nhỏ hoặc chiếc cốc bằng đồng để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Một ưu điểm của suanmei tang là tương đối đơn giản. Lấy một ít mận chua bỏ vỏ, trộn với đường, hấp đến khi chín mềm, sau đó cho nước sôi vào và để cho hỗn hợp lắng xuống. Nước nguội là đã có thể đem ra thưởng thức, nhưng người ta thường đặt thùng suanmei tang vào một xô đầy đá để làm lạnh.

Tất nhiên, nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng làm suanmei tang cũng không hề dễ như bạn nghĩ. Năm 1937, tờ Thời báo Trung Quốc chia sẻ một công thức chế biến suanmei tang cho thấy những người hâm mộ đồ uống này cầu kỳ như thế nào: “Bỏ 10 quả mận khô, 3 miếng vỏ cam nhỏ và một nhúm hoa mộc tê (còn được gọi là hoa quế) cắt nhỏ vào một chiếc bình gốm với vài cốc nước lạnh, sau đó thêm đường trắng và đun sôi”. Tác giả của công thức này khuyến khích người đọc thực hiện cẩn thận từng bước và không làm loãng hương vị bằng cách thêm nhiều nước hơn mức cần thiết.

Truyện tranh và ảnh mô tả những người bán “suanmei tang”, được xuất bản lần lượt trên tờ Eastern Times và The Culture Arts Review, năm 1934.

Ngoài leungcha ở phía nam và suanmei tang ở phía bắc, đồ uống mùa hè thiết yếu thứ ba ở Trung Quốc là canh đậu xanh. Mặc dù đậu xanh đã là một món ăn giúp giảm bớt cảm giác nóng bức phổ biến trong nhiều thế kỷ, nhưng món canh đậu xanh truyền thống không giống như một món canh như tên gọi của nó. Vào cuối những năm 1940, nó giống như một món tráng miệng hơi sệt và thường được phục vụ với bạc hà, đá xay hoặc anh đào. Công thức sau đây, được tìm thấy trong “Hướng dẫn làm đồ uống giải nhiệt” của năm 1940, là ví dụ điển hình:

“Đầu tiên, đãi sạch đậu và luộc cho đến khi đậu nhão. Sau đó, luộc riêng đậu hà lan và hạt sen đã bóc vỏ cho đến khi chín mềm. Đặt sang một bên, để cho nguội. Múc 8 phần đậu xanh và 1 phần đậu mơ và hạt sen vào bát nhỏ. Thêm đường trắng và nước mát, một vài giọt dầu bạc hà (hoặc hỗn hợp lá bạc hà đun sôi trong nước). Trang trí với năm hoặc sáu quả anh đào. Đá bào cũng có thể được thêm vào để giải khát thêm ”.

Một phụ nữ bán suanmei tang cho khách du lịch ở Hồi Hột, Khu tự trị Nội Mông, ngày 18/6/2022.

Những người muốn chạy trốn cái nóng còn có thể chọn thạch trái cây manglietia. Thạch là món ăn xa hoa đối với tầng lớp lao động thành thị cách đây một thế kỷ. Những người khá giả chút thì có thể mua được leungcha, nhưng phần lớn sẽ phải dùng loại trà miễn phí do các nhà hảo tâm và tổ chức từ thiện cung cấp (tặng trà từ thiện là một tập tục lâu đời ở Trung Quốc).

Sự “phân chia giai cấp” tương tự tồn tại cho đến ngày nay. Khi những người giàu có trẻ tuổi đặt hàng các loại kem thiết kế riêng của các hãng Zhongxuegao hoặc Häagen-Dazs, hàng được giao đến tận cửa nhà. Người shipper giao kem nhễ nhại mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời, và bình trà lớn giá rẻ treo toòng teng trên tay lái xe máy mới là thứ giải nhiệt của anh ta.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kham-pha-do-uong-chong-nong-xa-xua-o-trung-quoc-ar693766.html