Khám phá kiến trúc hiếm có của ngôi đình gần 600 tuổi

Không được nhiều người biết đến như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến hay đình Mông Phụ, thế nhưng khi đặt chân đến đình Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), người ta mới thấy được cái khác lạ, cái đặc biệt, cái hiếm có của ngôi đình này khi được tận mắt thăm quan.

Nằm trong cái nôi của nền văn hóa xứ Đoài có bề dày văn hóa, với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, ngôi đình Tường Phiêu khởi dựng năm 1430, thờ Đức Thánh Tản Viên nổi tiếng hơn cả bởi đây là di tích tiêu biểu nhất của huyện Phúc Thọ về kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Đình Tường Phiêu được dựng trên thế đất bằng, nằm giữa trung tâm làng Tường Phiêu.

Nằm trong cái nôi của nền văn hóa xứ Đoài có bề dày văn hóa, với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, ngôi đình Tường Phiêu khởi dựng năm 1430, thờ Đức Thánh Tản Viên nổi tiếng hơn cả bởi đây là di tích tiêu biểu nhất của huyện Phúc Thọ về kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Đình Tường Phiêu được dựng trên thế đất bằng, nằm giữa trung tâm làng Tường Phiêu.

Đình Tường Phiêu là một công trình kiến trúc cổ, có quy mô to lớn, có nhiều mảng phù điêu độc đáo mang phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỉ XVII – XVIII). Đây là ngôi đình lớn nhất trong vùng còn hiện diện sau thử thách của thời gian và các cuộc chiến tranh.

Đại Bái là một ngôi nhà ngang gồm 5 gian 2 dĩ, dài khoảng 20m, rộng khoảng 10m. Đứng ở sân đình nhìn vào, tòa Đại Bái như một ngôi nhà sàn lớn, được cách điệu uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái cong và các đầu đao cong vút. Trên bờ nóc đắp nổi “lưỡng long chầu nguyệt”. Đầu bờ nóc đắp nổi hai con kìm, bờ giải có từng cặp sấu, nghệ thuật đối xứng nhau. Ở vị trí này có những con sấu được tạo thành bởi chất liệu sành nung mang dấu ấn thời Lê đậm nét.

Điều đặc biệt, Tường Phiêu khác với các ngôi đình trong vùng còn thể hiện ở bờ nóc của đình. Có lẽ, người xưa đã coi bờ nóc của ngôi đình này như một con rồng lớn đang hướng thiện. Vì vậy, các nghệ nhân dân gian đã đắp cả đầu và đuôi rồng ở hai đầu bờ nóc. Đây là hiện tượng kiến trúc đặc sắc mà về sau những công trình kiến trúc thời Nguyễn không còn.

Du khách thăm quan không khỏi thấy thú vị khi được chiêm ngưỡng một chiếc mõ cá được treo dọc tại đầu hồi đình.

Trên các rường cụt, người xưa thường chạm rồng độc long. Họa tiết này thường đặc tả đầu rồng miệng loe, mắt lồi, có tai như tai rơi, tóc râu hình đao mác – đó là dấu tích nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII.

Có lẽ vì thế mà ngôi đình này đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 9, năm 2018.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/kham-pha-kien-truc-hiem-co-cua-ngoi-dinh-gan-600-tuoi-100712.html