Khám phá làn sóng 'esports' giúp game thủ giỏi về hưu ở tuổi 30

Câu chuyện về nhiều game thủ giỏi xuất thân nghèo khó nhưng 'phất lên', kiếm triệu USD ở tuổi 30 nhấn mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp esports.

Khán giả chăm chú theo dõi game thủ thể hiện trong giải đấu esport - Ảnh: Reuters

Anh Ho Kun Xian, năm nay 28 tuổi, bắt đầu chơi game ngày còn nhỏ. Anh xuất thân từ một gia đình nghèo, song vẫn được cho khoảng 2 USD để chơi video game. Từ đó, anh bắt đầu làm chủ nghệ thuật của trò chơi chiến đấu. Nhiều năm sau, anh là game thủ chuyên nghiệp, kiếm hàng trăm ngàn đô la Mỹ tiền thưởng.

Câu chuyện của Xian cho thấy rõ ngành công nghiệp esports đang phát triển, là nơi “sản xuất” triệu phú, những người chơi game để kiếm sống vào khoảng 30 tuổi. Từ esports đề cập đến các trò chơi video cạnh tranh, trong đó các đội hoặc cá nhân chơi với nhau trong nhiều trò như series FIFA của hãng EA hay Dota 2 của hãng Valve Corporation.

Game thủ chuyên nghiệp chơi để tranh hàng trăm ngàn USD tiền thưởng trước hàng triệu người xem trực tuyến và trong đấu trường thực tế. Hãng nghiên cứu thị trường Newzoo dự báo nền kinh tế esports sẽ tăng lên 905,6 triệu USD năm nay, và 1,4 tỉ USD năm 2020.

Dù esports nhỏ hơn các giải đấu thể thao truyền thống như Premier League của Anh hay NBA ở Mỹ, nó vẫn phát triển nhanh với nhiều nghề nghiệp và sự nghiệp mới vươn lên. “Tôi cho rằng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm nghề này, vì ngay cả khi tôi 18 tuổi, vẫn chưa có những thứ như nghề nghiệp game chuyên nghiệp, nghề này chưa có”, anh Xian chia sẻ.

Chỉ vài năm trở lại đây, chơi game chuyên nghiệp mới trở thành lựa chọn nghề nghiệp khả thi. Tiền thưởng thắng giải đấu ngày càng tăng và các thương hiệu lớn muốn nhiều nhóm tài trợ hoặc cuộc thi đến được với nhóm khán giả trẻ tuổi.

Quy mô giải đấu esports

Giải đấu FaceIt Major London diễn ra vào tháng 9 ở Anh - Ảnh: ESPAT Media

Giải đấu lớn nhất của game Dota 2 là The International 2018, được tổ chức vào tháng 8, có tổng giải thưởng là 25,5 triệu USD. Trận chung kết giải đấu có gần 15 triệu người xem từ nhiều trang web phát trực tuyến, trong đó có trang Twitch do Amazon sở hữu. Nếu nhóm khán giả Trung Quốc bị loại trừ, con số này sẽ chỉ còn 1,2 triệu người. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là thị trường khá lớn.

Esports là hiện tượng quốc tế. Newzoo dự kiến 53% khán giả esports sẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2018, 18% ở châu Âu và 14% ở Bắc Mỹ. Châu Á có lịch sử game phong phú, là nơi có nhiều hãng game nổi danh như Sony, Nintendo. Tăng trưởng về lượng người xem xuất phát từ chương trình phát sóng chất lượng cao hơn. Nếu bạn xem giải đấu esports trực tuyến, bạn cũng bắt gặp nhiều khía cạnh xuất hiện trên các chương trình thể thao truyền thống như bình luận, phân tích và thống kê.

Garry Cook, chủ tịch điều hành hãng Gfinity ở Anh, cho hay: “Những gì chúng ta chứng kiến bây giờ, theo thời gian, là yếu tố chuyên nghiệp đang phát triển. Chúng ta thấy khối lượng lớn sự cạnh tranh nghiệp dư đang nổi lên, và chúng ta tiếp tục đón nhiều game thủ”. Ông Cook cho rằng sự kiện esports cũng giống như thể thao truyền thống. Môi trường biểu diễn và thể hiện tốt nhất cho phép người xem theo dõi.

Nỗ lực tập luyện

Game thủ tập trung thi đấu - Ảnh: Reuters

Esports không chỉ cố gắng phản chiếu các giải đấu thể thao truyền thống mà nó cũng có một số khía cạnh đào tạo có điểm tương đồng. Conran Tobin, hay "Rannerz" - cái tên anh dùng trong thế giới esports, là cầu thủ FIFA 19 chuyên nghiệp. FIFA 19 là trò chơi bóng đá. Tobin sống trong căn nhà ở London với nhiều người chơi khác và huấn luyện.

Anh điều hành các buổi tập ở FIFA, thực hành nhiều khía cạnh của trò chơi như đá phạt. Anh cũng đến phòng gym, cho rằng đây là cách để sống khỏe mạnh cả cơ thể lẫn trí óc. Tobin luyện tập 16 giờ/ngày, lên kế hoạch chiến thuật xung quanh điểm mạnh của mình là đá phạt góc.

Về hưu ở tuổi 32

Các khán giả của một giải đấu esports - Ảnh: Reuters

Người chơi esports cũng như vận động viên các môn thể thao khác. Tobin năm nay 21 tuổi và thường thì game thủ chuyên nghiệp về hưu vào cuối những năm 20 tuổi, đầu những năm 30 tuổi.

“Lý do chính là vì khả năng phản ứng và khả năng suy nghĩ chỉ từ từ suy giảm, bạn sẽ không còn nhanh nhẹn trên đôi chân của mình như một anh bạn 21 tuổi”, Tobin nói. Anh nói thêm rằng nhiều người chơi hàng đầu trong game sở trường của họ có thể cảm thấy thoải mái với số tiền mà họ kiếm được từ sự nghiệp game ngắn ngủi. Những người khác thì nỗ lực bước vào các mảng khác của ngành, chẳng hạn như huấn luyện.

Tương lai esports

Trong khi các nhà phân tích kỳ vọng ngành công nghiệp esports có giá hơn 1 tỉ USD trong vài năm tới, sếp Gfinity cho rằng ước tính trên khá khiêm tốn. “Chúng ta còn ở trong mảng mà nhiều người muốn tiếp cận. Chúng tôi nhận thấy hơn 70% doanh thu hiện giờ trong nền kinh tế này xuất phát từ quảng cáo, phí bản quyền và tiếp thị. Điều đó có nghĩa là mọi người muốn tiếp cận với người tiêu dùng”, ông Cook nói.

Esports vẫn còn nhỏ so với nhiều giải đấu chính, lớn trên thế giới. Nó có thể tiếp tục giành nhiều sự chú ý hơn, song khó lòng thách thức các giải đấu truyền thống về cả quy mô lẫn tài chính, anh Tobin chia sẻ.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/kham-pha-lan-song-esports-giup-game-thu-gioi-ve-huu-o-tuoi-30-1010214.html