Khám phá lễ hội mùa Xuân của người Nhật Bản

Sanja Matsuri là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất và lâu đời nhất ở Nhật Bản, đây cũng là nơi duy nhất có những hành vi thường ngay bị cấm lại có thể được phép xuất hiện... như hình xăm của những tay 'anh, chị' trong các băng đảng.

Lễ hội Sanja Matsuri bắt đầu từ thời Edo (1603-1868). Ngày nay, nét nổi bật của lễ hội này là cuộc diễu hành khổng lồ với hơn một trăm chiếc kiệu mikoshi được cư dân và Yakuza khiêng đi quanh các khu phố nhộn nhịp gần Đền Asakusa. Trong ảnh, người dân rước kiệu ngày 20/5. (Nguồn: Mainichi)

Lễ diễu hành với tên gọi Daigyouretsu được người dân và khách du lịch hưởng ứng. Kiệu mikoshi mang các vị thần địa phương thường rất nặng. Người Nhật tin rằng các vị thần này sẽ đến thăm các cộng đồng địa phương và phù hộ người dân trong lễ hội hàng năm nay. (Nguồn: Mainichi)

Lễ hội bắt đầu vào buổi chiều ngày 18/5 với cuộc diễu hành của geisha, thầy tu, vũ công, và các quan chức trong trang phục thời Edo. Họ đi dọc các khu phố từ phía bắc gần Chùa Sensoji tới Đền thờ Asakusa. (Nguồn: Kyodo News)

Trong nghi lễ, các vũ công biểu diễn điệu múa cổ Binzasara. Những vũ công hóa trang thành diệc, loài vật tượng trưng cho hòa bình. Tương truyền, điệu múa này đã xuất hiện cách đây 1.000 năm và được cho là nghi thức xua đuổi ma quỷ, giải phóng linh hồn về thế giới bên kia và cầu vụ mùa bội thu. (Nguồn: Kyodo News)

Lễ rước kiệu kéo dài đến 8 giờ tối. Các chiếc kiệu mikoshi được rước đi trên khắp con phố, khu mua sắm lân cận trước khi quay trở về Đền Asakusa. (Nguồn: Twitter)

Lễ hội truyền thống mùa xuân Sanja Matsuri của Đền Asakusa, Tokyo được tổ chức vào 3 ngày cuối tuần từ 18-20/5. Lễ hội này nổi tiếng không chỉ vì lâu đời mà còn vì sự xuất hiện của những người xăm mình trên đường phố. Đây là thời điểm duy nhất mà Yakuza (mafia Nhật) được phép tự do khoe hình xăm và du khách có thể chụp ảnh, cười đùa với họ. (Nguồn: AFP)

Cơ thể của những người thuộc "bang hội" thường xăm biểu tượng truyền thống trong thần thoại như hình rồng, phượng, cá chép. Người dân Nhật thường cho rằng chỉ có "dân anh chị" trong băng đảng tội phạm mới xăm mình, do đó, hành động phô bày hình xăm ở nơi công cộng trong ngày thường bị coi là một hành động đe dọa, gây sợ hãi và bị cấm. (Nguồn: Getty Images)

(theo Zing.vn)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/kham-pha-le-hoi-mua-xuan-cua-nguoi-nhat-ban-71514.html