Khám phá ngôi chùa có khuôn viên tuyệt đẹp giữa lòng Hà Nội

Chùa Bằng còn có tên là chùa Linh Tiên, tọa lạc tại số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội (giáp khu đô thị mới Linh Đàm) là ngôi chùa cổ có niên đại trên 400 năm, thu hút du khách bằng quần thể kiến trúc độc đáo cũng như cảnh quan xanh mát tuyệt đẹp.

Chùa Bằng còn có tên là chùa Linh Tiên

Theo lịch sử ghi chép, chùa được xây dựng trước năm 1617, kết cấu hình chữ công, với diện tích lên đến 14.000m2. Dưới thời Hậu Lê, chùa Bằng là ngôi chùa làng thuộc xã Bình Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam.

Về niên đại xây dựng từ thuở ban đầu do thất lạc tài liệu sử sách nên chưa xác định được chính xác. Nhưng căn cứ theo tấm bia “Tu tạo Linh Tiên tự bi ký” được khắc vào tháng 11 năm Đinh Tỵ niên hiệu Hoằng Định thứ 18 (năm 1617) được lưu giữ tại chùa thì chùa được trùng tu do Thiền sư Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Tông chủ trì. Và theo tấm bia “Linh Tiên tự ký” thì chùa được trùng tu lớn nhất vào năm 1654 do Thiền sư Tự Huệ Quảng (thế danh Lê Khả Đắc, người xã Ba Lăng, huyện Thượng Phúc) chủ trì với sự phát bồ đề tâm dâng cúng tiền của gia đình ông bà Ngô Vĩnh Đăng tự Chân Sinh, Lưu Thị Lý hiệu Diệu Minh xây tòa tiền đường, thiêu hương, thượng điện và các công trình khác.

Chùa Bằng có khuôn viên xanh mát tuyệt đẹp

Trải qua thời gian từ khi hình thành, tồn tại và phát triển, những năm tháng chiến tranh tàn phá ác liệt nhưng chùa Linh Tiên vẫn còn lưu giữ được một số công trình kiến trúc nghệ thuật chính như tòa Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, khu tháp mộ. Đó là những minh chứng cho sự ra đời và tồn tại của ngôi chùa này.

Chính điện thờ Tam bảo với kiến trúc độc đáo

Tòa thượng điện là công trình chính của toàn bộ cảnh quan chùa nơi đây gọi là thượng điện hay chính điện thờ Tam bảo. Trong quá trình trùng tu đã phát hiện cách xây dựng độc đáo của tiền nhân với hệ thống “móng treo” rất đặc biệt, bên trong lòng móng có hàng trăm viên gạch “vồ” của thế kỷ XV, XVI. Tuy năm 1945 có trùng tu lại sau chiến tranh, nhưng đó chỉ thay phần mái gỗ lợp ngói thành bê tông còn hệ thống tường móng giữ nguyên của đợt đại trùng tu theo bia “Linh Tiên tự ký” (tạo năm 1654). Hiện nay, rất ít công trình kiến trúc đình đền chùa miếu có hệ thống “móng treo” như ở chùa Bằng.

Nhà thờ Tổ được tạo dựng bằng gỗ lim. Ngôi nhà này cũng giữ được vẻ độc đáo còn lại ở Việt Nam với hệ thống 6 hàng cột.

Các ngôi tháp cổ

Vườn chùa hiện còn 6 ngôi tháp thờ chư vị tổ sư và giác linh, trong đó có những ngôi tháp cổ: Linh Quang thờ Thiền sư Tính Tuyên; Từ Quang thờ thiền sư Chiếu Sửu - Trí Điển.

Đặc biệt ở chùa Bằng phải kể đến công trình Bảo tháp Báo Ân độc đáo, công trình này mới được xây dựng năm 2004 nhân kỷ niệm 350 năm ngày đại trùng tu chùa (1654 - 2004), được xây dựng với diện tích là 1.500m2 sân chùa. Tháp đã được xếp kỷ lục Tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam năm 2007 và được xác lập kỷ lục lần 2 năm 2010 là Tháp có nhiều tượng Phật bằng đồng nhất Việt Nam.

Bảo tháp Báo Ân

Nét đặc thù của Bảo tháp Báo Ân là được thiết trí theo hình Tháp Bát giác (theo giáo lý Bát Chính Đạo). Cửa tháp mở ra theo 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Tháp gồm 13 tầng theo phẩm Phú chúc, kinh Niết Bàn (thuộc kinh điển Đại thừa), 8 cột trụ ngoài của tháp đều được làm bằng đá, chạm theo hình Long Phượng, tượng trưng cho khí âm dương hòa hợp (Âm dương hòa hợp vạn vật sinh thành).

Bên trong tháp tôn trí 104 tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi trên bệ đá, nhằm thể hiện trọn vẹn tinh thần bình đẳng trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Các pho tượng La hán

Bên cạnh tháp là hình ảnh 18 pho tượng La hán ngồi thẳng hàng, rất sinh động và rõ nét. Mỗi tượng đều thể hiện đầy đủ sắc thái, cảm xúc khác nhau về những nỗi đau, sự khổ ải đè nặng lên kiếp sống hàng ngày của chúng sinh đang trầm luân trong luân hồi sinh tử.

Đặc biệt, những pho tượng này được kiến trúc theo dáng mẫu của các vị La hán chùa Tây Phương, ngôi chùa cổ ở Việt Nam - Hà Nội và đó cũng chính là những vị Đại Đệ tử Phật qua các đời, theo sự truyền đăng của Thiền Tông.

Quan Âm viên

Tiếp đó là tới Quan Âm viên, được tôn trí bởi 45 pho tượng khác nhau: chính thân, 32 hóa thân theo phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và 12 đại nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ tát. Tất cả nhằm nói lên tinh thần cứu khổ, ban vui của Bồ tát Quán Thế Âm cho tất cả chúng sinh trong thế giới này. Những pho tượng này giúp cho chúng ta được thưởng thức trọn vẹn tinh hoa văn hóa của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam hiện nay.

Chùa Bằng thu hút du khách thập phương đến chiêm bái và thưởng ngoạn

P.Linh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kham-pha-ngoi-chua-co-khuon-vien-tuyet-dep-giua-long-ha-noi-151747.html