Khám phá ngôi đền cổ duy nhất ở Việt Nam thờ 'ông tổ' phòng cháy, chữa cháy

Nằm lọt thỏm giữa khu phố cổ nhộn nhịp của Hà Nội, đền Hỏa Thần được biết đến là một trong những ngôi đền đặc biệt nhất Việt Nam, di tích duy nhất thờ 'ông tổ' nghề phòng cháy chữa cháy.

Đền Hỏa Thần gắn với địa danh thôn Yên Nội, tổng tiền Túc (sau đổi lại là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Nay địa danh này thuộc số nhà 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội).

Ngôi đền Hỏa Thần nằm "lọt thỏm" tại số 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội).

Theo tài liệu ghi chép, đền Hỏa Thần được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Tấm bia “Hỏa Thần miếu bi ký” dựng vào ngày tốt tháng 7 đời vua Thiệu Trị tại đền Hỏa Thần cho biết, đền được xây dựng ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội, lúc đầu bằng tranh nứa sơ sài.

Trải qua nhiều lần trùng tu 1841, 1848, 1864, ngôi đền đã khang trang hơn rất nhiều và qua triều vua nào cũng được ban sắc phong Thần. Kiến trúc hiện nay của đền là thành quả trùng tu, kiến tạo năm 2019.

Theo tài liệu ghi chép, đền Hỏa Thần được xây dựng từ năm 1838.

Thông tin từ BQL di tích đền Hỏa Thần cho biết, vào thời Nguyễn, những dãy phố phía tây của Hà Nội chủ yếu vẫn là nhà tranh tre nứa lá, cho nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Sử cũ chép lại vào năm 1828, đầu năm xảy ra vụ cháy 200 nhà, giữa năm lại cháy 1420 nhà thuộc 27 phường. Năm 1837, khu này cháy thêm 1400 ngôi nhà nữa. Đến những năm 1885 vẫn còn cháy rất nhiều.

Hỏa hoạn là tai họa đáng sợ nhất, nhưng lại khó tránh vì toàn nhà lợp tranh. Vì thế, sau vụ cháy lớn năm 1837, người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa thần, cầu xin Thần lửa không gây họa. Có lẽ đây là ngôi đền thờ Thần lửa duy nhất tại Việt Nam.

Đền Hỏa Thần được coi là đền thờ Thần lửa duy nhất tại Việt Nam.

So với các di tích khác trong khu vực phố cổ, đền Hỏa Thần có quy mô kiến trúc khá lớn, kiểu chữ “công”, gồm nhà tiền tế, phương đình và hậu cung với diện tích khoảng 500m2. Đi từ 30 Hàng Điếu vào đền, dẫn vào là một ngách nhỏ dài, bên phải là đài tưởng niệm liệt sĩ, bên tay trái là khu thờ Hỏa Thần.

Khu đền được bố trí theo lối "tiền Phật, hậu Thánh" thể hiện cho sự kết hợp hài hòa với tín ngưỡng dân gian xa xưa.

Khu vực đền thờ liệt sĩ phía bên trong đền Hỏa Thần.

Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung nơi đây vẫn còn giữ được đặc trung của phong cách kiến trúc, mỹ thuật đời Nguyễn ở nửa cuối thế kỷ XIX, đầu XX, có sự kế thừa của các thế kỷ trước.

Kiến trúc của đền được xây dựng 3 gian, mái lợp ngói mũi hài, nền nhà lát gạch Bát Tràng cổ, tường đầu hồi gắn tấm bia đá có niên hiệu Thiệu Trị. Tấm bia này khắc nội dung xây dựng, trùng tu và ghi công đức. Bức hoành phi 3 chữ “Hỏa Thần từ” được làm vào giữa mùa xuân năm 1864.

Hỏa Thần uy nghiêm với hai vị cận vệ Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ.

Phía bên trong đền có đặt ban thờ Mẫu và các vị Phật như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Quan Thế Âm Bồ Tát,... Hậu cung đền xây lối tường hồi bít đốc ba gian. Gian ở giữa có khám thờ lớn được chạm rồng tinh xảo là bàn thờ Hỏa Thần. Trên khám thờ là tượng Hỏa Thần phương phi, oai nghiêm, phúc hậu.

Hai bên Thần là hai vị cận vệ Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Vị Thiên Lý Nhãn có khả năng nhìn xuyên thấu vạn vật trong nhân gian. Vị Thuận Phong Nhĩ có khả năng nghe thấu mọi chuyện ở dương thế.

Đền Hỏa Thần được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 27/8/1996.

Vào dịp xuân thu nhị kỳ, 28/3 và 28/9 lễ hội đền được tổ chức chu đáo kỷ niệm ngày sinh và ngày hóa của Hỏa Thần. Đền Hỏa Thần được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 27/8/1996.

Người ta còn nói, trước kia, trong đền có một đại hồng chung bằng đồng, hễ có hỏa hoạn thì thỉnh chuông lên, Hỏa Thần nghe thấy sẽ về trừ hỏa hoạn cho dân chúng.

Trung Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/kham-pha-ngoi-den-co-duy-nhat-o-viet-nam-tho-ong-to-phong-chay-chua-chay-172240105165729242.htm