Khám phá Ngũ Nhạc linh từ

Danh lam Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) hấp dẫn du khách thập phương không chỉ bởi cảnh đẹp núi xanh, chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi... mà còn có một địa danh đầy hấp dẫn: Ngũ Nhạc linh từ.

Đoàn tế dâng hương, chuẩn bị làm lễ tế trên núi Ngũ Nhạc tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024

Linh thiêng

Từ quốc lộ 37 vào đến bãi xe số 1 khu di tích Côn Sơn, ngước mắt về phía tay phải, Ngũ Nhạc hiện lên sừng sững, cây xanh bao phủ xanh mướt mắt.

Leo vài chục bậc đá, chúng tôi đã "chạm" tới nghi môn được xây dựng theo kiến trúc 2 tầng 8 mái, như "tam sơn" với "núi giữa" cao, "núi bên" thấp. "Theo quan niệm, đây là gạch nối sinh lực của trời truyền xuống trần gian, phản ánh ước vọng ngàn đời của con người mong sao sức mạnh của những siêu lực vũ trụ góp phần vào sự đối đãi âm dương sinh ra muôn loài, muôn vật, bảo đảm cho hạnh phúc trường tồn", chị Đinh Thị Liên, hướng dẫn viên khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng chúng tôi leo núi Ngũ Nhạc thông tin.

Nghi môn Ngũ Nhạc linh từ

Sau khi dâng hương ở nghi môn, theo đường bộ hành, chúng tôi bắt đầu hành trình lên núi. Trời mùa xuân, mưa mù giăng lối trên con đường bộ hành. Dốc lên thoai thoải, đường khá dễ đi. Càng lên cao, chúng tôi càng cảm nhận rõ sự mùi vị, âm thanh tinh khiết của núi rừng Côn Sơn. Sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thường ngày dường như đã bị bỏ lại, nhường chỗ cho sự thanh tịnh, thư thái trong tâm hồn mỗi người trong đoàn.

Cây xanh bao phủ hai bên đường lên núi Ngũ Nhạc

Theo chị Liên, núi Ngũ Nhạc bắt nguồn từ dãy Huyền Đinh, Yên Tử đột khởi mà thành. Với kết cấu cát, sỏi, độ ẩm cao nên thảm thực vật ở đây phong phú, quanh năm xanh tốt, nhiều nhất là thông, trúc, me, chuối rừng... Tiếng thông reo vi vu, lá cây xào xạc, suối chảy róc rách, chim hót líu lo. Tất cả tạo nên bản giao hưởng của núi rừng Côn Sơn luôn trường kỳ cùng năm tháng, không bao giờ ngừng nghỉ.

Hệ thực vật trên núi Ngũ Nhạc phong phú, nhiều nhất là thông

Người xưa từng ca ngợi: "Chí Linh vi chi huyện, thực dĩ Côn Sơn chân linh. Côn Sơn vi tối linh, chân ỷ Ngũ Nhạc kỳ tú". Có nghĩa, đất Chí Linh được gọi là linh bởi do Côn Sơn linh thiêng. Côn Sơn linh thiêng bởi có núi Ngũ Nhạc kỳ tú.

Hoa đào nở rộ trên núi Ngũ Nhạc

Núi Ngũ Nhạc nằm về phía Đông Bắc của Côn Sơn, thoải dài từ Bắc xuống Nam với chiều dài hơn 4 km, gồm có 5 ngọn, trên mỗi ngọn người xưa xây miếu thờ thần năm phương nên gọi là Ngũ Nhạc linh từ.

Người xưa coi Ngũ Nhạc là ngọn núi linh thiêng vì có khí thiêng từ các phương hội tụ lại.

5 ngọn núi thiêng

5 ngôi miếu trên Ngũ Nhạc linh từ đều được xây dựng bằng đá xanh, kiến trúc giống nhau và đều quay về hướng nam, nhìn ra hồ Côn Sơn - nơi tụ linh, tụ thủy, tụ phúc. Trong ảnh là Bắc Nhạc miếu

Trong hành trình leo Ngũ Nhạc, chị Liên lần lượt dẫn chúng tôi qua dâng hương tại 5 ngôi miếu: Bắc Nhạc miếu - Trung Nhạc miếu - Tây Nhạc miếu - Đông Nhạc miếu - Nam Nhạc miếu. Vị trí 5 ngôi miếu tọa lạc là 5 ngọn núi của dãy Ngũ Nhạc.

5 ngôi miếu được xây dựng bằng đá xanh, đều quay về hướng nam, nhìn ra hồ Côn Sơn - nơi tụ linh, tụ thủy, tụ phúc. "Không ai rõ 5 ngôi miếu này có từ bao giờ, trước đây là những ban thờ lộ thiên đơn sơ, trát vôi vữa. Năm 2006, UBND tỉnh Hải Dương đã trùng tu 5 ngôi miếu cùng với hệ thống đường bộ hành lên núi đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước và để giới thiệu với du khách thập phương về những nét văn hóa độc đáo của xứ Đông xưa và nay", chị Liên thông tin.

5 ngọn núi trên núi Ngũ Nhạc tượng trưng cho các phương Đông, Tây, Nam, Bắc và trung phương, mỗi phương ứng với một hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Theo thuyết của Đạo giáo, Ngũ Nhạc là một trong số các địa kỳ của thiên đình Đạo giáo. Vì thế, trên mỗi đỉnh của Ngũ Nhạc đều có nơi thờ các thần tự nhiên là Ngũ Phương Ngũ Lão Quân: Thanh đế ở phương Đông, Bạch đế ở phương Tây, Xích đế ở phương Nam, Hắc đế ở phương Bắc, Hoàng đế ở trung tâm. Đây là hiện tượng thần linh hóa ngũ hành thành ngũ phương ngũ thần của Đạo giáo.

Mỗi ngôi miếu trên núi Ngũ Nhạc mang những chức năng khác nhau

Mỗi miếu trên Ngũ Nhạc mang những chức năng quản các việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Đông Nhạc miếu tượng trưng cho hành mộc, thờ thần Thanh Long Thanh Đế cai quản toàn bộ họa phúc trong nhân gian. Tế lễ ở miếu này để cầu mong được giải hạn trừ tai, cầu công danh tiến phát. Nam Nhạc miếu thờ thần Xích Đế cai quản các sinh vật hai chân và lửa. Tế lễ ở Nam Nhạc miếu là cầu mong tránh được hỏa hoạn. Tây Nhạc miếu thờ thần Bạch Hổ Thánh Đế cai quản ngũ kim. Tế lễ ở đây để cầu mong các nghề buôn bán về luyện kim, khai khoáng. Bắc Nhạc miếu thờ vị thần Hắc Đế. Đây là vị thần có vị trí rất cao trong Đạo giáo. Tế lễ ở đây để cầu mong cho mưa thuận gió hòa.

Nhân dân làm lễ tế tại Trung Nhạc miếu tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024

Trung Nhạc miếu là trung tâm của Ngũ Nhạc, tương truyền các vị tiên thánh thường hội tụ tại đây. Từ xưa, Trung Nhạc miếu là nơi diễn ra tế lễ cầu đảo. Lệ xưa, mỗi khi đất nước gặp vấn nạn như hạn hán mất mùa, đất nước có chiến tranh, giặc dã thì các vương triều đều cử các quan đầu triều đến Trung Nhạc miếu tế lễ cầu các vị tiên thánh phù hộ cho đất nước được thái bình, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Hằng năm, vào sáng ngày 17 tháng giêng, Ban tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc long trọng tổ chức Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, cầu cho quốc thái dân an, phong đăng hòa cốc, nhân khang vật thịnh... Kết thúc nghi lễ, các đồng chí lãnh đạo sẽ ban ngũ cốc cho nhân dân về làm giống.

Lễ tế trên Ngũ Nhạc linh từ là một trong những nghi lễ chính, góp phần mở rộng không gian linh thiêng của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/kham-pha-ngu-nhac-linh-tu-374649.html