Khám phá nhiều vụ làm giả giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ

Thời gian qua, tình hình tội phạm làm giả giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ vẫn còn phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, làm giả với độ chính xác cao, mua bán ẩn danh… gây khó khăn cho việc phát hiện và điều tra của cơ quan chức năng, ảnh hưởng xấu tới uy tín của các cơ sở đào tạo, gây bức xúc trong dư luận và làm phức tạp trong việc tuyển dụng lao động.

Phát hiện nhiều vụ làm giả giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ

Tháng 8-2019, Nguyễn Tiến Vùng, sinh năm 1990, trú tại xóm Xộp, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên bị Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công an thành phố Thái Nguyên bắt giữ khi y đang mang hơn 60 bằng tốt nghiệp giả các cấp, phôi bằng giả, chứng minh nhân dân giả, giấy tờ giả đi tiêu thụ.

Khi khám xét nơi ở của đối tượng, Cơ quan Công an thu giữ thêm hơn 200 văn bằng, giấy tờ giả bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, học bạ, giấy chứng minh nhân dân… cùng nhiều dụng cụ phục vụ cho việc làm giả các giấy tờ trên.

Đối tượng Nguyễn Tiến Vùng (X) tại cơ quan điều tra.

Vùng cho biết là từ tháng 5-2019 đã nảy sinh ý định làm giả giấy tờ. Y lên mạng tìm người bán phôi bằng, mua về sau đó tìm kiếm người có nhu cầu cần bằng giả, giấy tờ giả rồi điền thông tin, làm giả con dấu, chữ ký và bán lại. Bằng Trung học phổ thông có giá 1,5 triệu đồng, bằng cao đẳng, trung cấp có giá từ 2 đến 2,5 triệu đồng và bằng Đại học có giá khoảng 3 triệu đồng.

Cũng vì mục đích kiếm lời, đối tượng Lưu Quang Vũ, sinh năm 1991 cùng hai đối tượng là Lê Văn Duy, sinh năm 1991 và Lê Quang Vinh, sinh năm 1995, cùng trú tại xã Hùng Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã có hành vi làm giả “giấy khám sức khỏe” của Bệnh viện C, tỉnh Thái Nguyên.

Tháng 5-2019, khi đang lao động tự do tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Vũ nhận thấy nhiều người có nhu cầu muốn có giấy khám sức khỏe để đi xin việc, nên đã nảy sinh ý định làm giả giấy tờ. Vũ đã đặt mua qua mạng xã hội 14 con dấu giả gồm con dấu của bệnh viện, dấu tên của các bác sĩ, tự chế phôi giấy khám sức khỏe giống mẫu thật và rao bán qua mạng xã hội; nếu khách đặt mua, Vũ yêu cầu họ gửi ảnh và thông tin để điền vào giấy, mỗi tờ có giá từ 80.000đ đến 150.000đ.

Tới tháng 7-2019, Công an thị xã Phổ Yên phát hiện và bắt giữ các đối tượng, thu giữ trên 150 phôi giấy tờ giả, 14 con dấu, 1 máy tính xách tay và các vật dụng, tài liệu có liên quan. Theo lời khai, các đối tượng đã bán được trên 100 giấy tờ giả.

Thiếu tá Đoàn Cao Cường – Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thị xã Phổ Yên cho biết, những giấy tờ giả mà các đối tượng thực hiện rất khó nhận ra nếu nhìn bằng mắt thường, chỉ khi cơ quan điều tra trưng cầu giám định mới xác định được thật giả.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2019, Công an tỉnh Thái Nguyên đã xác minh, làm rõ 17 vụ việc, thu giữ trên 600 giấy tờ, chứng chỉ, bằng tốt nghiệp giả các loại. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố hai vụ, bốn bị can; xử lý vi phạm hành chính 10 vụ với 13 đối tượng về hành vi mua văn bằng, chứng chỉ giả và đang tiếp tục điều tra, mở rộng các vụ án còn lại.

Nâng cao ý thức đấu tranh

Các loại giấy tờ, con dấu được làm giả ngày càng nhiều, đa dạng như: Đăng ký xe mô tô, ôtô, chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Phương thức, thủ đoạn làm giả tài liệu, con dấu ngày càng tinh vi, xảo quyệt; sử dụng kỹ thuật vi tính, con dấu giả, chất liệu in sao như thật nên khó bị phát hiện. Bên cạnh đó, việc mua bán giấy tờ giả được thực hiện chủ yếu qua mạng xã hội, không có địa chỉ cụ thể, thông qua nhiều khâu trung gian nên khó khăn cho Cơ quan điều tra.

Theo Trung tá Dương Hồng Chiến, Phó Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên thì việc những người không học, không có kiến thức lọt vào cơ quan doanh nghiệp, nhà nước, không có chuyên môn, trình độ thì sẽ làm thay đổi bản chất công việc, cách nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, cơ quan đơn vị tuyển dụng từ đó dẫn đến không đảm bảo yêu cầu đề ra.

Việc sử dụng tài liệu, con dấu giả là hành vi vi phạm pháp luật, không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, lợi ích của cơ quan, tổ chức khi bị làm giả mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, công bằng xã hội. Để ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả, bằng giả, chứng chỉ giả, Trung tá Dương Hồng Chiến cho rằng, các đơn vị tuyển dụng khi tiếp nhận các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ cần thẩm tra văn bằng, chứng chỉ, truy xuất nguồn gốc thông qua các cơ quan chức năng, Cơ quan Công an hay, bộ phận tổ chức hay các đơn vị đào tạo.

Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi công dân cần nâng cao ý thức đấu tranh với loại tội phạm này; bên cạnh đó, các đơn vị tuyển dụng cũng cần nâng cao trách nhiệm, có quy định cũng như cần xác minh chặt chẽ trong khâu tuyển lựa. Có như vậy tình trạng làm giả giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ mới bị loại bỏ.

Dũng Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/kham-pha-nhieu-vu-lam-gia-giay-to-van-bang-chung-chi-574091/