Khám phá những ngôi biệt thự cổ

Giữa phố xá nhộn nhịp, những ngôi biệt thự cổ ở Sa Pa luôn mang trong mình những nét đẹp riêng có. Đó không chỉ là nét đẹp kiến trúc, khuôn hình, mà còn là vẻ đẹp mang những dấu xưa hoài niệm.

Sa Pa ngày càng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, điều đó cũng có nghĩa nhiều căn biệt thự, khu resort, villa “mọc lên như nấm”. Tuy nhiên, khi đến với “thành phố trong sương”, nhiều người vẫn cố công tìm đến những ngôi biệt thự rêu phong, mang đậm kiến trúc Pháp với cả trăm năm tuổi.

Lịch sử hình thành của những căn biệt thự này vào thời thực dân Pháp xâm lược nước ta. Những năm 1900, khi khám phá ra mảnh đất Sa Pa đắc địa này, người Pháp đã cử những kiến trúc sư giỏi ở nước họ sang thiết kế và xây dựng những căn biệt thự để làm nơi nghỉ dưỡng cho quân nhân.

Anh Phạm Việt Tiến, Quản lý Khách sạn Công đoàn thuộc Công ty TNHH MTV Du lịch và Dịch vụ Công đoàn năm nay đã gần 50 tuổi. Vốn sinh ra và lớn lên ở Sa Pa, lại có cả ông nội và bố vốn là người dưới xuôi nhưng đã chọn Sa Pa làm quê hương (ông nội anh Tiến từng đi phu cho Pháp làm những ngôi biệt thự ở Sa Pa những năm 30 của thế kỷ trước), nên nhiều chuyện ở Sa Pa anh “nắm trong lòng bàn tay”.

Theo lời kể của anh Tiến, trước đây, Sa Pa có rất nhiều ngôi biệt thự được xây dựng cách đây 100 năm. Các căn biệt thự được thiết kế theo những kiểu khác nhau, nhưng đều mang đậm nét kiến trúc Pháp sang trọng và quý phái. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá và một vài lý do khác, nhiều ngôi biệt thự đã không còn dấu tích hoặc chỉ còn lại chút nền móng cũ. Số biệt thự còn lưu lại cho đến ngày nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, như 1 ở cạnh sân Quần, giờ là Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh; 1 nằm trên đường Thạch Sơn đối diện Công viên Xuân Viên, nay là Trạm Khí tượng Sa Pa; ngoài ra, còn có đôi, ba cái nữa nằm rải rác quanh khu vực trung tâm thị xã. Đặc biệt, nơi gìn giữ được nhiều ngôi biệt thự cổ nhất nơi đây chính là Khách sạn Công đoàn. Đơn vị này đang sở hữu cơ ngơi độc nhất vô nhị ở Sa Pa với những tòa nhà được người Pháp xây dựng từ trăm năm trước.

Cùng anh Tiến dạo quanh khách sạn, chúng tôi không khỏi trầm trồ bởi vẻ đẹp cổ kính, bình yên, nhưng cũng không kém phần nguy nga, đồ sộ của các tòa biệt thự tại đây. Trong khuôn viên rộng hơn 2 ha, những ngôi biệt thự mới, cũ nằm đan xen giữa những vườn hoa, những cây sa mộc đặc trưng của đất trời vùng ôn đới, khiến không gian càng thêm cổ kính, xinh đẹp. Cả khách sạn có 8 tòa nhà đều xây theo kiến trúc Pháp, tuy nhiên chỉ có 2 tòa nhà là còn giữ được nguyên bản, còn lại 3 tòa nhà được phục chế và 3 tòa nhà khác được xây mới trên nền biệt thự cũ.

Quả thực không hổ danh là bậc thầy kiến trúc, những nhà xây dựng chuyên nghiệp của Pháp cách đây trăm năm không chỉ có trình độ điêu luyện, tạo nên những công trình thế kỷ, mà từng đường nét, vật liệu được chọn dùng cũng thật đặc biệt. Để tìm hiểu kỹ hơn về điều này, chúng tôi dừng chân lâu hơn ở căn biệt thự số 2 và số 3 được xây dựng từ năm 1937 và 1941. Đây là 2 căn còn được gìn giữ nguyên bản từ khi xây dựng đến nay.

Mỗi căn biệt thự có diện tích trên 200 m2 với chiều cao từ 2- 3 tầng. Các căn biệt thự đều được xây dựng nằm trên đường đồng mức, có khuôn viên cây xanh, hoa viên, tường rào đá và tầm nhìn đẹp. Vật liệu tạo nên căn biệt thự cũng thật đặc biệt. Những kiến trúc sư giỏi đã lựa chọn vật liệu đá để xây tường nhà. Mỗi viên đá xẻ kết cấu với nhau không phải bằng cát, xi măng như bây giờ mà bằng mật và muối. Ngói lợp, gạch lát nền là loại được sản xuất tại Pháp và kỳ công vận chuyển đến Sa Pa có nhãn hiệu SATIC. Vật liệu xây dựng đến nay cả trăm năm dãi dầu cùng mưa nắng, những viên ngói đỏ dẫu không còn tươi màu mới, nhưng vẫn bền chắc qua thời gian.

Anh Tiến bảo: “Mỗi bức tường được xây dày đến 30 cm. Cùng với vật liệu xây dựng là đá tự nhiên, độ dày của tường nhà còn mang cho ta những nền nhiệt lý tưởng khi luôn giữ ấm về mùa đông và mát lạnh về mùa hè”. Nghe anh Tiến nói, tôi đưa tay sờ lên bức tường nhà bằng đá có màu xanh xám. Trời đang nắng chang chang, vậy mà bức tường vẫn mát lạnh. Thấy tôi ngạc nhiên, thích thú, anh Tiến còn đùa vui: Nằm trong những căn biệt thự bằng đá này vào giữa trưa hè cực điểm nhất, chúng tôi vẫn phải đắp chăn dày sụ cho khỏi bị cảm lạnh.

Không chỉ có những căn biệt thự trong Khách sạn Công đoàn, du khách còn có thể tìm dấu xưa trên những tầng cấu trúc tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh và Trạm Khí tượng Sa Pa... Vẫn với họa tiết đơn giản mà sang trọng, tỉ mỉ, công phu và mang đậm kiến trúc châu Âu cùng không gian khoáng đạt của vùng mây núi Fansipan, mỗi căn biệt thự cổ ở Sa Pa đã trở thành điểm dừng chân khám phá thú vị của nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những du khách yêu thích kiến trúc, lịch sử.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358888-kham-pha-nhung-ngoi-biet-thu-co