Khám phá 'tam giác quỷ' Bermuda

Có những điều kỳ lạ đã từng xảy ra tại tam giác Bermuda, một vùng nước ở phía tây Đại Tây Dương nằm giữa quần đảo Bermuda thuộc Anh, phía đông nam bán đảo Florida của Mỹ và vùng lãnh thổ hải ngoại Pueto Rico trực thuộc Hoa Kỳ, với tổng diện tích hơn 500.000km2 vốn nổi danh qua tên gọi 'Tam giác quỷ' Bermuda.

Cố học giả người Mỹ Charles Berlitz (1913-2003), từng được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận như là “Người đầu tiên trên thế giới có khả năng sử dụng thành thạo 25 thứ tiếng khác nhau”, lúc sinh thời đã đi sâu tìm hiểu đề tài “Tam giác quỷ” Bermuda trong nhiều thập niên liền, khiến ông đi đến kết luận: “Mọi điều bí hiểm đều chỉ có một cách giải thích duy nhất, đó là sự tình cờ ngẫu nhiên! Người ta đã dựa vào những “bằng chứng” và định kiến không đầy đủ để huyền bí hóa câu chuyện này”.

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp hãn hữu riêng biệt, cũng như không phải mọi nhà khoa học đều nhất trí với đánh giá của C. Berlitz; còn những người ủng hộ thuyết “Tam giác quỷ” thì cho rằng, các trường hợp bất hạnh đều xảy ra lúc trời yên biển lặng và tình trạng của phương tiện cực tốt. Song song tồn tại cả quan điểm các nạn nhân đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc, để bổ sung cho “Bảo tàng vũ trụ” ngoài thiên hà của họ…

Vị trí tam giác Bermuda trên bản đồ.

Hàng loạt tác giả viết về “Tam giác quỷ” trong hơn nửa thế kỷ qua đều khẳng định, rằng hơn 100 phương tiện gồm tàu bè và phi cơ cùng hơn 1.000 người đã mất tích tại chính vùng biển này, cũng như chẳng để lại chút dấu vết gì: không một thi thể, không một mảnh vụn nào hết! Nhưng sự thật là có 7 trường hợp con tàu hoặc chiếc máy bay đó thực ra không tồn tại.

Đặc biệt có 2 trường hợp bị coi là mất tích, nhưng thủy thủ đoàn và phương tiện lại trở về nhà nguyên vẹn(!). Điều này cũng xảy ra với nhà thám hiểm hàng hải nghiệp dư Bill Wereta ở thành phố Fort Lauderdale (tiểu bang Florida, Mỹ). Dạo tháng 8-1969 ông hành trình cùng chiếc thuyền buồm đóng theo mẫu của các nhà thám hiểm Ireland cổ…

Rồi một người bạn là nhà nghiên cứu người Mỹ Lawrence Cruz kể lại sự tình với Bill qua điện thoại dạo cuối năm 1973, khiến B. Verita rất khoái chí khi biết mình đã từng bị coi là nạn nhân của cái tam giác huyền bí kia. Còn 7 vụ tai nạn khác xảy ra bên ngoài vùng tam giác, nhưng bất chấp điều đó người ta vẫn “quy tội” cho Bermuda.

Điều miễn bàn cãi là nguyên nhân gặp nạn nhiều nhất là do khí tượng; tuy rằng các chuyên gia về “Tam giác quỷ” Bermuda luôn nói về điều kiện thiên văn lý tưởng. Kết quả nghiên cứu của L. Cruz chỉ rõ: “Trong hầu hết các trường hợp đều gặp bão biển, lốc lớn cùng những ngọn sóng cao tới 10-20m. Một nguyên nhân thiết yếu khác nữa là do tình trạng kỹ thuật: có ít nhất 4 trường hợp tàu bè hoặc phi cơ bị “Tam giác quỷ” Bermuda “nuốt chửng” vì lý do trên. Như trường hợp với con tàu Atlanta nổi tiếng của người Anh cũng vậy.

Đêm 31-1-1880, tàu này đi vào vùng biển Bermuda với 290 thuyền viên và được coi là mất tích không để lại dấu vết gì. Nhưng chẳng có bằng chứng nào chứng minh nổi điều khẳng định ấy! Cách giải thích duy nhất đúng đăng trên tờ nhật báo The Times xuất bản ở London số ra ngày 21-4-1880: “Không nghi ngờ gì nữa, thật là điên rồ mới gửi ra biển xa gần 300 thanh niên ít kinh nghiệm. Thủy thủ đoàn của tàu Atlanta chỉ có 11 người từng trải, những người còn lại thậm chí còn chưa thuộc cách dong buồm nữa và hậu quả khi gặp bão lớn thật là bi đát…”.

Các tác giả của hàng loạt cuốn sách dạng “khảo cứu” về “Tam giác quỷ” Bermuda luôn gây ấn tượng cho độc giả, qua những vụ mất tích bí hiểm của máy bay và tàu thủy, trong đó “không để lại dấu vết gì”. Nhưng thật ra trong rất nhiều trường hợp người ta tìm thấy các vết dầu loang, mảnh tàu vỡ và thậm chí cả xác người nữa.

Còn việc thiếu các dấu vết để lại lớn lao hơn? Điều này thật dễ hiểu: ngoài đại dương chỉ trong vài giờ sóng biển sẽ nhấn chìm và xóa sạch mọi vết tích còn lại, như thể chưa từng xảy ra chuyện gì. Thời gian tìm kiếm càng muộn bao nhiêu, càng ít dịp thấy được các dấu vết bằng chứng bấy nhiêu.

Trường hợp gây ấn tượng mạnh nhất có lẽ là của Chuyến bay 19. Hôm 5-12-1945, 5 chiếc phi cơ tiêm kích đeo bom hiệu Avenger cất cánh từ Fort Lauderdale, thực thi chương trình bay huấn luyện thường lệ với 160 hải lý (1 hải lý = 1,8km) về hướng đông, 40 hải lý lên phía bắc và 120 hải lý trở lại căn cứ.

Khi bay ngang qua vùng tam giác Bermuda cũng bị mất tích, rồi cả chiếc thủy phi cơ được phái đi cứu hộ cũng mất tích theo! Lúc 19 giờ 50 phút người ta nhìn thấy một vụ nổ đúng chỗ mà chiếc thủy phi cơ đang hiện diện, sau đó là vết dầu loang.

Còn lúc 19 giờ 04 phút, có nghĩa là trọn cả 2 tiếng đồng hồ sau khi nhiên liệu hết - nếu như máy bay vẫn bay, ở Miami người ta thu được lần cuối tín hiệu liên lạc trên sóng vô tuyến của “Chuyến bay 19”… Một cuộc tìm kiếm khổng lồ được Hải quân Hoa Kỳ huy động, với sự tham dự của gần 300 phi cơ và 21 tàu chiến nhưng không đem lại kết quả gì.

Theo nhà nghiên cứu L.Cruz, trên chuyến bay 19 không phải là những phi công dày dạn kinh nghiệm (như nhiều cuốn sách về Tam giác quỷ Bermuda đã mô tả), bị hút xuống đáy biển trong một buổi chiều quang đãng đầy nắng, mà là một biên đội trưởng chưa quen với đường bay mới, cùng 4 học viên phi công gặp phải bão đêm và mất phương hướng, đang cố thử hạ cánh bắt buộc xuống mặt biển…

Tàu bè thường xuyên mất tích trên khắp các đại dương. Huyền thoại về “Tam giác quỷ” Bermuda là một sản phẩm của sự bí hiểm do con người hư cấu, ngay từ đầu đã tiềm ẩn những điều đáng ngờ. Những điều huyền bí về “Tam giác quỷ” Bermuda theo thời gian đã dần được phanh phui, loại bỏ mọi giả thuyết siêu nhiên.

Thu Hường (theo Discover)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/kham-pha-tam-giac-quy-bermuda-498616/