Khám phá tòa nhà chọc trời có thể di chuyển và gấp thành chiếc hộp

Với thiết kế khoa học, tòa nhà chọc trời có thể gấp gọn lại như chiếc hộp và được đưa đến những vùng mới chịu ảnh hưởng của thiên tai và tạo ra chỗ trú ẩn cho hàng trăm người.

Thiết kế nhà chọc trời Skyshelter.zip lấy cảm hứng từ nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật Bản, có thể kéo dài hoặc gập lại như đàn accordion và vận chuyển bằng máy bay trực thăng tới hầu hết mọi nơi.

Theo đó, kết cấu khung của tòa nhà chọc trời có thể giãn rộng gần như ngay lập tức nhờ khí cầu heli chịu lực lớn đặt bên trong, giúp bảo vệ công trình trước ngoại lực.

Công đoạn để xây dựng nhà chọc trời Skyshelter.zip

Syshelter.zip là thiết kế đoạt giải nhất trong cuộc thi Evolo tổ chức hàng năm, vượt qua 525 ý tưởng kiến trúc thú vị khác từ các đối thử cạnh tranh, bao gồm nhà chọc trời mang tên Lá phổi Đô thị (Urban Lung) thu carbon trong không khí và tòa tháp sử dụng năng lượng của thác nước để sản xuất điện.

Skyshelter.zip là tác phẩm của nhóm kiến trúc sư Damian Granosik, Jakub Kulisa, và Piotr Pańczyk đến từ Ba Lan. Mục tiêu của họ là thiết kế một công trình cứu trợ sau thảm họa không tốn nhiều công sức để xây dựng và có thể triển khai ngay lập tức, thậm chí trên nền đất kém ổn định.

Nhà chọc trời Skyshelter.zip

Diện tích mặt bằng trung bình của Skyshelter.zip nhỏ hơn 30 lần so với khu vực cần thiết để đặt lều bạt hoặc container trong tình huống khẩn cấp. Những thanh đỡ siêu nhẹ sản xuất bằng công nghệ in 3D nối trực tiếp với khí cầu ở trung tâm tòa nhà. Khi khí cầu phồng lên, thanh đỡ sẽ được kéo theo chiều hướng lên.

Tùy theo lượng khí bơm vào khí cầu, người sử dụng có thể kiểm soát số tầng và số phòng trong tòa nhà. Thiết kế của Skyshelter.zip giúp giảm nhẹ công tác dọn dẹp trước khi dựng trại, một yếu tố quan trọng ở những khu vực dân cư đông đúc, khi thảm họa xảy ra ngày càng nhiều.

Tóm lại, Skyshelter.zip có thể tạo ra một lượng mặt sàn lớn, dễ dàng vận chuyển, lại lắp đặt cực kỳ dễ dàng. Quá nhiều vấn đề có thể được xử lý nhờ nó.

Bên cạnh thiết kế về tòa nhà chọc trời có thể di chuyển và gấp thành chiếc hộp, cuộc thi còn có rất nhiều thiết kế khác cũng thực sự ấn tượng. Như vị trí thứ 2 là Jinja: tòa nhà đền thờ thần đạo của Tony Leung, hay giải 3 là Claudio C Araya Arias với dự án tòa nhà không bao giờ cháy.

Được biết, kể từ năm 2006, tạp chí eVolo mỗi năm đã đứng ra tổ chức một cuộc thi được đánh giá là uy tín nhất thế giới về thiết kế nhà chọc trời.

Cuộc thi tìm ra được những ý tưởng xuất sắc để định nghĩa lại thiết kế tòa nhà chọc trời thông qua việc thực hiện các công nghệ mới, vật liệu, các chương trình, thẩm mỹ và các tổ chức không gian cùng với các nghiên cứu về toàn cầu hóa, tính linh hoạt, khả năng thích ứng và cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Hạnh Vũ (T/h)

Hạnh Vũ

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/kham-pha-toa-nha-choc-troi-co-the-di-chuyen-va-gap-thanh-chiec-hop-d142611.html