Khám phá văn hóa tượng đài ở châu Á

Châu Á được cho là nơi có 99% các tượng đài lớn nhất thế giới. Ngày nay, tượng Nữ thần Tự do mà Pháp tặng cho nước Mỹ không là gì cả nếu đem so sánh với các công trình ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan và Myanmar.

Hoàn tất năm 1996, Tượng Phật ở Linh Sơn, Giang Tô cao 88 mét chiếm vị trí tượng cao nhất Trung Quốc. Năm 2004, tượng Phật Nằm trên sườn núi, dài 416 mét và rộng 68 mét, ở Cát Dương thuộc tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) trở thành tượng Phật to nhất thế giới.

Tháng 12-2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự lễ đặt móng dựng tượng Vua Shivaji (thế kỷ 17) "cao nhất thế giới" tại thành phố Mumbai, bang Maharashtra (Ấn Độ). Hiện nay, có thông tin toàn bộ công trình - gồm tượng vị vua cưỡi ngựa, cầm kiếm, phần đế và bệ rộng - từ 192 mét lên 210 mét.

Tượng Thần Shiva ở Kolkata, ảnh chụp năm 2006.

Tại các quốc gia khác ở châu Á còn đua nhau xây những tượng "khổng lồ". Ví dụ như Thái Lan với Tượng Phật Ngồi Phra Buddha Maha Nawamin ở tỉnh Ang Thong cao 92 mét hoàn thành năm 2008 được coi là bức tượng cao nhất Thái Lan và cao thứ 9 thế giới.

Daikannon là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 100 mét nằm ở thành phố Sendai thuộc tỉnh Miyagi của Nhật Bản được một doanh nhân địa phương cho xây dựng trong thập niên 1980. Bức tượng cao thứ 6 thế giới thể hiện Bồ Tát của Nhật Bản. Công trình có hệ thống thang máy cho phép du khách lên tới đỉnh để chiêm ngưỡng cảnh vật xung quanh.

Myanmar với Tượng Phật Laykyun Sekkya ở ngôi làng Khatakan Taung gần thành phố Monywa, cao 130 mét gồm cả bệ hình hoa sen và ngai vàng của Phật - đây là bức tượng cao thứ 2 thế giới được xây từ năm 1996 và hoàn tất ngày 21-2-2008. Với chiều cao từ 120 đến 150 mét, các bức tượng nói trên đưa châu Á qua mặt nước Mỹ - nơi có tượng Nữ thần Tự do chỉ cao 92,9 mét.

Còn tại Trung Á, Turkmenistan nổi tiếng hơn cả với các tượng bằng vàng thể hiện Tổng thống Berdymoukhamedov và người tiền nhiệm là Saparmurat Niyazov. Tượng Gurbanguly Berdymoukhamedov cao 20 mét mô tả ông cưỡi ngựa và cả người ngựa vươn cao trên một tảng đá trắng. Toàn thân tượng được bọc vàng 24 carat.

Nhật Bản với Tượng Phật Sendai DaiKannon ở tỉnh Miyagi, cao 100 mét.

Trong khi đó, tượng tổng thống Niyazov không chỉ được bọc vàng mà còn đứng trên một trụ quay 360 độ trên đỉnh tháp trước một xa lộ. Vào ban đêm, phần bệ tượng phát ánh sáng nhấp nháy như chỉ đường cho ô tô đi vào thủ đô Ashgabat. Nhưng, đây cũng chỉ là một trong số các tượng của Niyazov.

Ở Uzbekistan người ta xây tượng Tamerlan. Còn tại Tadjikistan hiện nay có tượng Ismael Đệ nhất, vị vua lập ra triều đại Samanide.

Bức tượng cố Tổng thống Saparmurat Niyazov được canh gác suốt ngày đêm.

Tượng đài châu Phi Phục hưng ở Senegal do Triều Tiên xây dựng.

Tại châu Á, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên là quốc gia không chỉ có nhiều tượng đài lãnh tụ to lớn mà còn gìn giữ nghề đúc tượng truyền thống để đầu tư xây dựng tại các quốc gia ở châu Phi bao gồm: Angola, Benin, Chad, Cộng hòa Congo, Senegal, Ethiopia và Togo.

Giới truyền thông Zimbabwe cũng đưa tin một số tượng của Tổng thống Robert Mugabe được Triều Tiên giúp xây dựng sẵn. Tượng đài Châu Phi Phục hưng (African Renaissance Monument) ở Senegal hoàn tất năm 2010, đem về cho Triều Tiên hàng chục triệu USD.

Duy Ân (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/do-day/kham-pha-van-hoa-tuong-dai-o-chau-a-509402/