Sơn La khẩn trương bảo vệ nguồn nước sinh hoạt sau khi bị ô nhiễm trầm trọng

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Sơn La, các cơ sở chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước, khi hoạt động đã đặt ra áp lực cho việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt của thành phố.

Các ngành chức năng và các địa phương thực hiện ngay các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo an ninh nguồn nước, trong đó cần tạm dừng hoạt động của tất cả các cơ sở chế biến cà phê nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của thành phố Sơn La. Đây là yêu cầu của ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La sau khi kiểm tra thực tế hoạt động tại một số cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn huyện Thuận Châu và Thành phố vào sáng nay 6/12.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương phải quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương phải quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Qua kiểm tra thực tế, tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở chế biến cà phê chưa được kiểm soát triệt để, nhiều cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình vẫn đang hoạt động, nước thải và bã cà phê vẫn để tràn ra, gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Sơn La, các cơ sở chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước, khi hoạt động đã đặt ra áp lực cho việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt của thành phố. Hiện Xí nghiệp cấp nước số 1 thành phố Sơn La đã phải dừng cấp nước từ ngày 4/12 do nguồn nước bị ô nhiễm từ nước thải sơ chế cà phê, khiến sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố đang bị ảnh hưởng.

Đoàn công tác kiểm tra thực tế hoạt động tại một số cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn huyện Thuận Châu và Thành phố Sơn La.

Trước thực tế này, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương phải quyết liệt, chủ động phối hợp, có các biện pháp trong chỉ đạo, điều hành để xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, yêu cầu các ngành chức năng phải vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

Ông Hoàng Quốc Khánh cũng yêu cầu các địa phương và ngành chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước đối với các dự án, nhà máy chế biến trong việc bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó phân loại các cơ sở để có các biện pháp quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm có hành vi chống chế trong bảo vệ môi trường./.

Trấn Long/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/son-la-khan-truong-bao-ve-nguon-nuoc-sinh-hoat-sau-khi-bi-o-nhiem-tram-trong-822378.vov