Khâm phục ý chí, sức người ở Đảo Phật nằm

Từ bến tàu xã Vạn Thạnh ra đảo Điệp Sơn, Hòn Ó, Hòn Quạ xanh mướt giữa biển khơi, xa xa như dáng Phật nằm, nên được gọi là Đảo Phật nằm. Nhưng không phải ai cũng biết, để trở nên tươi đẹp và thu hút du khách như hôm nay, những người làm du lịch địa phương đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt.

Điệp Sơn còn có tên gọi là đảo Bịp, bởi trước đây có rất nhiều chim bìm bịp sinh sống. Đảo thuộc thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 60 km về phía Bắc.

Tàu nằm chờ trên bến đợi du khách ra khám phá Điệp Sơn

Cụm đảo có 8 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó hiện có 3 hòn đảo gần nhau giữa vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, là điểm tham quan thú vị, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước mỗi ngày, gồm: Hòn Ó, Hòn Quạ và Hòn Bịp. Từ đất liền, muốn ra Điệp Sơn phải đi bằng cano. Nhìn xa xa, đường từ đất liền ra đảo, Hòn Ó, Hòn Quạ xanh mướt giữa biển khơi, như dáng Phật nằm, nên còn được gọi là Đảo Phật nằm.

Cụm đảo Hòn Ó, Hòn Quạ xa xa trông như dáng Phật nằm.

Điểm đầu tiên mà du khách sẽ đặt chân tới là Hòn Ó, đẹp nhất vào buổi chiều. Bởi lúc này, khi triều xuống, để lại con đường cát mịn nổi bật giữa hai bãi san hô, dài khoảng hơn 800m nối liền Hòn Ó với Hòn Quạ, uốn lượn tuyệt đẹp chìm trong làn nước xanh ngọc, được mệnh danh là con đường giữa biển “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Điệp Sơn nổi tiếng với con đường mòn giữa biển tuyệt đẹp. Ảnh: FBNV.

Khi triều xuống, con đường giữa biển uốn lượn, rộng khoảng 1 mét và nằm dưới mặt nước biển trong xanh chưa đến nửa mét. Nhìn từ xa, lớp cát trắng mịn hiện lên giữa biển như một cây cầu tuyệt đẹp nối liền hai hòn đảo.

Con đường uốn lượn tuyệt đẹp giữa làn nước khi triều xuống - Ảnh: FBNV.

Du khách trong và ngoài nước, nhất là người trẻ khi tới đây luôn vội vã khám phá con đường này, bước đi giữa làn nước trong xanh, ngắm những đàn cá tung tăng bơi lội… Sau đó, họ có thể đi một vòng quanh các đảo, ghé thăm những bãi biển cát trắng hoang sơ, nước biển trong xanh và cả những đồng cỏ lau tuyệt đẹp.

Điệp Sơn thu hút rất đông du khách mỗi ngày, nhất là các bạn trẻ. Ảnh: FBNV.

Ẩm thực ở Điệp Sơn cũng rất đặc biệt, với rất nhiều loại hải sản tươi ngon được đánh bắt tại địa phương, từ cá, tôm, cua, sò, mực… đủ cả. Thậm chí, du khách còn có thể thưởng thức cả những món được chế biến từ sản vật vừa tự tay bắt được.

Tu hài tươi ngon ở nhà hàng trên Hòn Ó, Điệp Sơn.

Sẽ rất ít du khách được trải nghiệm biển đêm nơi đây, bởi Hòn Ó với Hòn Quạ hiện chưa cho du khách lưu trú qua đêm, nhưng với người thân, bè bạn, có thể ở lại cùng "chúa đảo" là anh Trịnh Minh Đại Anh và chị Đào Thị Long. Một người bạn của "chúa đảo" viết: "Đêm ở Điệp Sơn yên tĩnh, chỉ có những ánh lửa bập bùng, tiếng guitar và những khúc hát về biển, về tình yêu từ các ca sĩ nghiệp dư nối nhau không dứt…"

Đốt lửa trại trên bờ biển giữa đêm ở Điệp Sơn - Ảnh: FBNV.

Nói về Điệp Sơn tấp nập du khách, về Hòn Ó, Hòn Quạ rực rỡ sắc hoa hôm nay, "chúa đảo" Đại Anh cho biết, sau hơn ba năm ra đảo đầu tư, vợ chồng anh đã bắt đầu và liên tục thực hiện thu dọn rác, cải tạo cảnh quan, trồng thêm cây, hoa và tạo lập một số công trình tạm phục du du khách trên Hòn Ó và một phần Hòn Quạ. Từ đó, Đảo Phật Nằm - con đường giữa biển càng thêm đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Những ngọn núi trọc đã được vợ chồng "chúa đảo" phủ cây và hoa.

Đồng hành với "chúa đảo" Đại Anh là chị Đào Thị Long, một cô gái đồng bằng sau ba năm ra đảo đã tự hào với làn da cháy nắng, tự hào vì có thể thay chồng lái cano đưa du khách khám phá khắp các đảo ở Điệp Sơn…

Chị Đào Thị Long tự lái cano đưa du khách tham quan Điệp Sơn.

Chị kể: "Lúc lập dự án thuê đất làm du lịch, gia đình chị được giao cả Hòn Ó và một nửa Hòn Quạ. Lúc mới ra, sợ nhất là rác. Rác không biết từ đâu, tấp vào đảo mỗi ngày. Sau này mới biết là rác đại dương, "rác ma", rác quốc tế. Hồi năm 2016, mỗi ngày phải 30, 40 người liên tục dọn rác. Bây giờ cũng mười mấy hai mươi người…"

Căn phòng tạm bằng vật liệu gỗ thiết kế bắt mắt tại Điệp Sơn.

Về chi phí đầu tư, chị Long bảo không thể kể xiết, bởi riêng chi phí dọn rác thải thôi tới nay phải hàng chục tỉ đồng. Nên để Hòn Ó, Hòn Quạ tươi đẹp như bây giờ, đã có rất nhiều mồ hôi, nước mắt của gia đình, người thân chị đổ xuống. Chị cũng cho rằng Điệp Sơn vẫn chưa đẹp, cần phải có sự quyết tâm, đồng hành, đồng lòng của cả chính quyền và người dân trong cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường..., mới có thể thu hút và giữ chân du khách dài lâu.

Cảnh quan trên Hòn Ó liên tục được cải tạo để phục vụ du khách.

Những người bạn, những du khách tới Điệp Sơn, ghé Hòn Ó, Hòn Quạ, khi được xem những hình ảnh, video, được chứng kiến vợ chồng "chúa đảo" và người dân thu gom rác đại dương, mới khâm phục ý chí của họ, quyết tâm làm du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Mới thấy với ý chí và sức người, không gì là không thể.

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/du-lich/kham-phuc-y-chi-suc-nguoi-o-dao-phat-nam-45201