Khám sức khỏe tiền hôn nhân, góp phần nâng cao chất lượng dân số

Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong những yếu tố cần thiết, quan trọng giúp nam, nữ chuẩn bị kết hôn được trang bị thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe để có cuộc sống hạnh phúc, bền vững, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Một buổi sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.

Một buổi sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.

Tháng 11 tới, chị Lê Tú Anh, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái sẽ kết hôn. Tuy bận rộn cho việc chuẩn bị lễ cưới, thế nhưng Tú Anh và bạn trai đã lên kế hoạch và chọn bệnh viện để được tư vấn, thăm khám sức khỏe trước khi về chung một nhà.

Chị Lê Tú Anh chia sẻ: "Từ ngày còn đi học, tôi đã tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Tại các buổi đó có rất nhiều nội dung được đề cấp tới như: giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), khám sức khỏe tiền hôn nhân… Qua buổi ngoại khóa, tôi hiểu rõ hơn về giới tính, biết cách chăm sóc bản thân và giờ đến tuổi kết hôn tôi thấy được sự cần thiết của việc thăm khám sức khỏe trước khi cưới.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp tôi và người bạn đời hiểu rõ tình trạng sức khỏe mà còn trang bị kiến thức để chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống, phòng tránh, chữa trị kịp thời những căn bệnh có thể lây qua đường tình dục. Hơn cả, nếu biết trước tình trạng sức khỏe của bố mẹ thì có thể phòng tránh một số bệnh di truyền cho con”.

Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp đánh giá sức khỏe một cách tổng quát, phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm như viêm gan B hay HIV, những bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai...; kiểm tra và phát hiện được những bệnh lý do di truyền; tầm soát và phát hiện bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản.

Có thể thấy, việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân mang lại rất nhiều lợi ích. Để người dân hiểu, tham gia tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh đã đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ngành dân số tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”.

Mô hình được triển khai ở các xã, phường, thị trấn và các trường học nhằm cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS, tâm sinh lý lứa tuổi cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Được triển khai và duy trì trên diện rộng, mô hình đã thực sự trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và các vấn đề cần biết trước khi kết hôn...

Triển khai mô hình, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các trạm y tế phối hợp với các tổ chức đoàn thể thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Tiền hôn nhân” - nòng cốt trong tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, tổ chức tuyên truyền khám sức khỏe trước khi kết hôn cho 1.789 cặp, trong đó có 876 cặp được tư vấn, khám sức khỏe, chiếm 49% tổng số người kết hôn. Tổ chức sinh hoạt định kỳ của 56 CLB "Tiền hôn nhân” tại 9/9 huyện, thị, thành phố với 1.840 người tham gia.

Ngoài ra, tổ chức 6 buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS, kiến thức cơ bản về luật pháp liên quan đến hôn nhân, gia đình, kỹ năng sống cho 190 nguời; tổ chức 37 buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở về SKSS, sức khỏe tiền hôn nhân...

Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm chỉ đạo tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Trong đó, có đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; 70% số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại tật bẩm sinh phổ biến nhất…

Để nâng cao chất lượng dân số và đạt mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, ngành dân số tiếp tục nhân rộng, duy trì mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” để thanh thiếu niên có cơ hội tiếp cận kiến thức về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.

Ngoài ra, để triển khai mô hình có hiệu quả rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, vận động kết hợp với giáo dục một cách thường xuyên, liên tục và kiên trì, sự phối hợp của các cơ sở y tế trong việc hướng dẫn và định hướng khám SKSS, khám sức khỏe trước khi kết hôn, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất nâng cao chất lượng dân số.

Thu Hiền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/302454/kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-gop-phan-nang-cao-chat-luong-dan-so.aspx