Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Nên khuyến khích, đừng ép buộc!

Bạn đọc cho rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ nên dừng ở mức tuyên truyền, khuyến khích.

Mới đây, trong phiên thảo luận ngày 1-11 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, TP.HCM, đề nghị bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân để tránh những bệnh lý truyền nhiễm, viêm gan, bệnh tình dục... đặc biệt là các bệnh lý di truyền, tim. Thông tin này đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong tuần.

Trước đó, tại cuộc hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục năm 2020, TS Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân, cũng đề nghị bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện đăng ký kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình.

Chỉ nên khuyến khích

Chị Lê Thị Diễm (ngụ TP Thủ Đức) cho biết cuối năm nay sẽ lập gia đình. Tuy nhiên, vợ chồng chị vẫn chưa khám sàng lọc sức khỏe. Theo chị, khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ nên dừng ở mức khuyến cáo và tuyên truyền, không thể đưa vào quy định rồi bắt buộc người dân thực hiện. Điều quan trọng là sau khi khám bệnh nhận thấy đối phương có bệnh lý thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và hạnh phúc hôn nhân gia đình.

“Chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân không rẻ, đa số đều 2-4 triệu đồng/người. Nếu đề xuất bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân đi kèm với điều kiện BHYT chi trả thì hợp lý hơn. Còn nếu bắt buộc mà người dân tự trả thì khó, vì chi phí này được xem là nhiều với những người có hoàn cảnh khó khăn” - chị Diễm nói.

Nói về đề xuất bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết để bảo đảm chất lượng dân số và sức khỏe tổng quát, sinh sản của các cặp đôi.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, mà còn mang đến lợi ích quan trọng cho xã hội. Ảnh: TH

Tuy nhiên luật sư Chánh cho rằng nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân là bắt buộc thì không hợp lý vì nó làm phát sinh thêm thủ tục hành chính khi đăng ký kết hôn. Mặt khác, theo quy định tại Điều 23 Luật BHYT năm 2008 (sửa đổi bởi Luật BHYT năm 2014) thì dịch vụ khám tiền hôn nhân là trường hợp khám sức khỏe không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, có nghĩa sẽ phát sinh chi phí cho người kết hôn. Ngoài ra, có phát sinh thêm việc nếu kết quả khám sức khỏe phát hiện bệnh lý thì người mang bệnh lý có cấm họ kết hôn hay chỉ khuyến cáo sức khỏe với họ và tự họ quyết định việc kết hôn?

“Cho nên không vì một số ít trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe mà buộc hàng trăm, hàng ngàn người kết hôn khác phải khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tôi nghĩ chỉ nên tuyên truyền, khuyến khích khám sức khỏe tiền hôn nhân để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh chứ không nên bắt buộc” - luật sư Chánh nói.

Cần tôn trọng sự riêng tư của cặp đôi

ThS-BS Phan Thị Minh Ý, khoa Phụ sản BV Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, cho biết khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm khám sức khỏe cả vợ và chồng. Việc này nhằm phát hiện các bệnh mạn tính tiềm ẩn để kịp thời điều trị như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu, viêm gan, rối loạn tâm thần, bất thường về cấu trúc hoặc chức năng cơ quan sinh dục...

Cũng theo ThS Ý, khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phụ nữ trong giai đoạn mang thai. Bởi vì sức khỏe trong thời gian mang thai phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn chuẩn bị trước đó. Trước khi có thai 1-2 năm, phụ nữ nên được tư vấn và thăm khám sức khỏe sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai kỳ. Qua tư vấn, vợ chồng sẽ quyết định có mang thai hay không hoặc thời gian thích hợp để mang thai.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, mà còn mang đến lợi ích quan trọng cho xã hội như kiểm soát lây truyền qua đường tình dục, phát hiện các bệnh di truyền và mạn tính sớm để góp phần ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Ngoài ra còn cải thiện sức khỏe tâm lý và quan hệ gia đình, giúp cặp đôi hiểu rõ hơn về nhau và phát triển kỹ năng giải quyết xung đột, xây dựng nền móng xã hội vững mạnh.

“Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng, tuy nhiên chỉ nên dựa trên tinh thần tự nguyện bởi vì cần tôn trọng sự riêng tư của các cặp đôi. Đồng thời, tránh kỳ thị và đối xử bất bình đẳng với những người có vấn đề về sức khỏe. Điều này có thể gây ra căng thẳng, mất tự tin, thậm chí ảnh hưởng đến lòng tự trọng” - ThS Ý nói.

Thay vì bắt buộc, chúng ta có thể có những biện pháp khác để tăng cường truyền thông đến cộng đồng về lợi ích to lớn của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, giúp cộng đồng tự lan tỏa và quản lý việc này. Đồng thời, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng là một biện pháp hiệu quả giúp gia tăng tỉ lệ khám trong cộng đồng.

Hiện nay không có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và hồ sơ đăng ký kết hôn quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 123/2015, không có quy định nào bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân đối với công dân trong nước. Chỉ yêu cầu giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Nếu thêm quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân thì trước hết cần sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện kết hôn và các nghị định quy định về thủ tục đăng ký kết hôn. Ngoài ra, cần quy định thủ tục, thẩm quyền khám sức khỏe của cơ sở y tế, hình thức, chuyên khoa, thời gian hiệu lực của kết quả, chi phí...

Luật sư ĐỖ TRÚC LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-nen-khuyen-khich-dung-ep-buoc-post759817.html