Khẩn cấp có phương án bảo tồn voọc Chà vá chân xám tại Quảng Nam

Ngày 12-12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng liên quan tổ chức hội thảo góp ý đề án Bảo tồn loài voọc Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (H. Núi Thành). Theo đánh giá, Chà vá chân xám là loại động vật vô cùng quý hiếm, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nên rất cần sự chung tay bảo tồn của cả cộng đồng, xã hội. Trước sự nguy cấp đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các ngành chức năng thị sát nơi sinh sống của đàn voọc tại Núi Thành.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các ngành chức năng thị sát nơi sinh sống của đàn voọc tại Núi Thành.

Voọc Chà vá chân xám (Pygalhrlx clncrea) được các nhà khoa học ghi nhận phân bố ở 5 tỉnh miền Trung gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum, với khoảng 1.500 đến 2.000 cá thể. Tại Quảng Nam, loài này phân bố ở các huyện phía Trung và Nam. Riêng tại khu vực núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Hòn Dương Bông và Hòn Dương Bản Lầu ở thôn Đồng Cố (xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành) có khoảng 50 cá thể với ít nhất 4 đàn (gia đình) đã được ghi nhận qua các đợt khảo sát của Trung tâm GreenViet. "Chúng sống trong tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 25ha, là các dải rừng hẹp còn sót lại trên đỉnh núi đá, chiều ngang dao động khoảng 50m - 150m. Sinh cảnh rừng tự nhiên giữa các hòn bị chia cắt từ l- 3km bởi các rẫy keo, xung quanh cũng là rẫy keo từ 24 năm tuổi và bị cô lập với các hệ sinh thải rừng tự nhiên khác trong khu vực với khoảng cách 7-10km. Vì vậy, đang có nhiều mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể, gồm yếu tố tự nhiên như: thiếu thức ăn, nơi ở, khó chống chịu với thời tiết xấu, nguy cơ thoái hóa nguồn gen và từ con người (bị săn bắn, đốt rừng làm nương rẫy)... Phương án bảo tồn chuyển vị hoặc kết nối hành lang xanh đến các vùng rừng tự nhiên lân cận mất nhiều thời gian, chi phí cao và tồn tại những rủi ro mới khó lường. Do đó, bảo tồn nguyên vị, mở rộng hệ sinh thái thông qua trồng rừng cây gỗ lớn là phương án tối ưu nhất cho khu vực này", Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet chia sẻ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và ngành chức năng, voọc Chà vá chân xám hoạt động ban ngày, chúng sống hầu như hoàn toàn trên cây ở các khu rừng có nhiều cây gỗ lớn, độ cao so với mực nước biển từ 300m trở lên, tầng tán và tầng vượt tán là nơi diễn ra các hoạt động chủ yếu của loài. Chúng di chuyển qua các cành cây bằng cách nhảy và chuyền cành. Thành phần thức ăn chính là lá cây, thỉnh thoảng ăn hạt, trái cây và hoa. Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu và diện tích tối thiểu cần cho mỗi gia đình voọc sinh sống. Tuy nhiên ở vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, quần thể khoảng 250 cá thể phân bố trên diện tích gần 42.000 ha; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi (H. Nông Sơn, Quảng Nam) có khoảng 200 cá thể trên diện tích gần 19.000 ha. Riêng loài voọc Chà vá chân nâu (cùng giống với Chà vá chân xám) ở Sơn Trà (Đà Nẵng) mỗi gia đình từ 3-8 cá thể có vùng sống khoảng 20-30ha, giữa các gia đình có giao thoa vùng sống. Chà vá chân xám thuộc nhóm B của Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thuộc loài động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng. Ngoài ra, chúng còn thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ IUCN (2018). Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản khẩn cấp về việc bảo tồn quần thể với mục đích nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững loài vật này để giữ nguồn gen quý hiếm.

Voọc Chà vá chân xám thuộc loài vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn.

Theo ông Từ Văn Khánh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, quần thể voọc tại H. Núi Thành là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên. Tỉnh Quảng Nam có cơ hội thuận lợi để bảo tồn và phục vụ cho sự phát triển bền vững thông qua mô hình du lịch sinh thái. Hiện tại, những mối đe dọa tiềm ẩn đến sự tồn tại của loài vẫn còn hiện hữu nên công tác tuần tra bảo vệ, đặc biệt vào ban đêm đang được tăng cường thông qua Tổ bảo vệ rừng (BVR), phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn. Chương trình nâng cao nhận thức pháp luật bảo vệ voọc đang được đẩy mạnh trong cộng đồng, đặc biệt người dân. Trong khi đó, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước tốc độ phát triển đô thị, sinh kế của người dân đã gây sức ép, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của voọc. Do đó, tỉnh Quảng Nam đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị địa phương, ngành chức năng liên quan, đặc biệt với nhân dân phối hợp xây dựng đề án nhằm có phương án bảo tồn đàn voọc một cách khoa học nhất, phù hợp với thực tiễn địa phương nơi đàn voọc đang sinh sống. "Bài toán đặt ra là làm sao vừa bảo vệ đàn voọc nhưng cũng phải phát triển sinh kế cho người dân. Qua khảo sát một diện tích lớn nơi đàn voọc sinh sống hiện đang là nơi người dân trồng keo, thu hoạch theo chu kỳ, điều đó gây áp lực lớn đến môi trường sống cả đàn voọc. Phương án tỉnh đang tính đến là sẽ mua lại các diện tích đất của người dân để phục hồi sinh cảnh, trồng các loại cây làm thức ăn, đảm bảo vùng đệm an toàn hơn cho loài sinh vật quý hiếm này. Đồng thời, sẽ kết nối giữa các khu vực 4 hòn núi mà đàn voọc sinh sống hiện nay lại với nhau để đảm bảo không gian di chuyển an toàn hơn cho voọc. Định hướng lâu dài, tỉnh muốn người dân địa phương cùng chung tay tham gia trồng, chăm sóc, phục hồi rừng, phát triển làm du lịch sinh thái cộng đồng, đồng thời người dân phải là lực lượng đầu tiên trực tiếp tham gia bảo tồn voọc ", ông Thanh nhấn mạnh.

PHI NÔNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_199557_khan-cap-co-phuong-an-bao-ton-vooc-cha-va-chan-xam.aspx