Khẩn cấp phòng bệnh tay chân miệng

Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước đã có hơn 53.500 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phổ, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện. Đáng lưu ý, đến nay đã có 6 trường hợp tử vong. Theo các chuyên gia, qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của virus EV71 khiến bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm. Bộ Y tế đang khẩn cấp triển khai các giải pháp phòng bệnh.

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Virus EV71 khiến bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn, so với cùng kỳ năm 2017, số trường hợp mắc bệnh trên cả nước giảm 25%, số trường hợp nhập viện giảm 20%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số bệnh nhân mắc tích lũy tăng cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà rịa-Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hà Nội.

Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, trong tháng 8 và tháng 9 có sự gia tăng đột biến, tăng đến 50% so với các tháng trước đó. Chỉ trong vài tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tăng gấp 5 lần so với trước đây. Tại một số khoa rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân tay chân miệng. Khoa Nhiễm-Thần kinh đang điều trị cho gần 180 em bị nhiễm tay chân miệng. Đặc biệt trong đó có hơn 20 trẻ bị nặng cần theo dõi rất sát sao.

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, trong vòng 1 tuần, số ca nhập viện do tay chân miệng tăng đột biến. Đáng lo ngại là đã có 1 trường hợp tử vong do tay chân miệng, 10 trẻ phải thở máy, trong đó có những trẻ chỉ vài tháng tuổi đến 5 tuổi. Dự đoán số lượng trẻ nhập viện sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Tại tỉnh Đồng Nai, diễn biến các bệnh sởi, tay chân miệng đang ngày càng phức tạp, nhiều trường hợp bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng. Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai ghi nhận hơn 4.000 ca mắc tay chân miệng, chủ yếu là trẻ em dưới 3 tuổi và hơn 125 ca mắc sởi. Đặc biệt 2 tháng trở lại đây, số ca mắc hai bệnh này tăng đột biến. Có tuần bệnh viện tiếp nhận tới 500 ca mắc, nhiều trường hợp bệnh biến chứng nặng, có ca ngừng tim, ngừng thở nhưng may mắn được các bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Theo các chuyên gia, qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của virus EV71 khiến bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm. Điều tra dịch tễ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, so với những năm trước, năm nay có hơn 50% ca nhập viện vì tay chân miệng do nhiễm chủng virus EV 71 nguy hiểm. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như: thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay - chân - miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, dễ lây lan vì trẻ có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Đây là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Các bậc cha mẹ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh là do các loại virút thuộc nhóm đường ruột, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng. Các triệu chứng của tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, biếng ăn, đau họng và mệt mỏi. Sau khoảng từ 1-2 ngày kể từ thời điểm bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng bé. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông bé. Phát ban này có thể có mủ nhưng thường sẽ không bị ngứa.

Nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu bác sĩ không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong. Bệnh rất nguy hiểm cho trẻ nếu bố mẹ phát hiện trễ và không điều trị kịp thời. Nguy hiểm hơn là bệnh có thể để lại biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Dịch có xu hướng tăng

Theo các chuyên gia y tế, dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường. Bởi đây là thời điểm học sinh đang tập trung vào năm học mới và bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắcxin phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, khống chế không để dịch bùng bát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh thực hiện tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban ngành phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc thực hiện phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh tay chân miệng.

Sở Y tế các tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo…

Các trường học bảo đảm có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng và làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Các trường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đặc biệt, Sở Y tế các tỉnh cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh để khoanh vùng, xử lý triệt để ngay khi phát hiện, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.

* Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp.

- Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol.

- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Ngọc Hải

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/khan-cap-phong-benh-tay-chan-mieng-tintuc419736