Khẩn cầu cứu thầy giáo trẻ dạy học trên hòn đảo nhỏ

Sau buổi dạy trên hòn đảo thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Kiên Giang chỉ có vài chục nóc nhà, thầy Văn đi xuống dốc hái rau rừng để ăn trưa. Không may đường trơn trượt, thầy Văn bị ngã gãy chân, máu chảy xối xả.

Thầy giáo trẻ ai cũng mến thương

Danh Văn sinh năm 1990, là con trai duy nhất trong gia đình có 3 chị em. Ngay từ năm 2001, gia đình đã phát hiện Văn bị bệnh máu khó đông và chạy chữa cho anh. Từ mấy sào ruộng trồng lúa, thu nhập bấp bênh, ba mẹ của Văn phải tần tảo sớm hôm, làm mướn cho người ta, chắt chiu từng đồng để nuôi các con và chữa bệnh cho Văn.

Ông Danh Định, ba của Văn chia sẻ: “Mong muốn các con có một cuộc sống bớt cơ cực, khi nghe Văn nói sẽ theo nghề dạy học, hai vợ chồng tôi mừng cho con”.

Các giáo viên và học sinh Trường Tiểu học – THCS Tiên Hải ai cũng đau lòng và thương thầy giáo Văn.

Các giáo viên và học sinh Trường Tiểu học – THCS Tiên Hải ai cũng đau lòng và thương thầy giáo Văn.

Từ nhỏ đã nổi tiếng hiền lành, chịu khó, 7 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở điểm trường trên đảo Hòn Đước, thuộc Trường Tiểu học – THCS Tiên Hải, chưa một lần có tiếng than thở hay trách móc thầy giáo Văn.

Ở Hòn Đước, nơi phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Học sinh đi học buổi có buổi không. Có buổi các con đến trường học, có buổi lại theo cha mẹ đi tàu, ghe đánh cá, đi cào nghêu. Vì vậy, việc dạy học của thầy giáo trẻ hết sức gian nan.

Thầy Văn trẻ, đẹp trai, lại hiền và kiên nhẫn nên mọi người ở quanh khu vực ai cũng yêu quý. Hôm xảy ra tai nạn, thầy Văn vừa dạy xong lớp buổi sáng. 11 giờ trưa, thầy đi bộ xuống dốc để hái rau rừng ăn trưa, do trơn trượt nên bị ngã gãy chân, máu chảy ra xối xả. Người dân trên đảo Hòn Đước thấy vậy đã gom tiền, đưa thầy giáo nghèo vào đất liền cấp cứu.

Trong những ngày thầy Văn nằm viện, không chỉ các giáo viên, học sinh mà còn cả các anh lính Biên phòng, Hải quan cũng gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến thăm. Ai cũng nhắn nhủ thầy Văn chóng khỏe để trở về tiếp tục đưa con chữ đến với đảo nghèo.

Thương ba mẹ thầy giáo Văn tuổi cao sức yếu mà vẫn phải túc trực để chăm sóc con trai, cô giáo Thị Ngọc Yến, đồng nghiệp của thầy Văn đã lặn lội lên phụ giúp gia đình dịp cuối tuần. Chị Yến cho hay: “Hai ông bà đã già yếu, thầy giáo Văn thì nằm một chỗ, có đêm, ông bà ngủ quên mất, không ai chăm, chúng tôi nghe đều thấy đau lòng và thương quá. Vì vậy, tôi tranh thủ dịp cuối tuần để lên phụ ông bà”.

Cha mẹ bán sào đất cuối cùng vẫn không đủ

Do bị bệnh máu khó đông nên tính mạng của thầy Văn đang gặp nguy hiểm, cần dùng thuốc đông máu đặc hiệu. Gia đình rơi vào túng quẫn, mong các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.

Vợ chồng ông Danh Định có 3 người con, 2 gái 1 trai. Con gái đầu cũng vừa gặp tai nạn, đứt dây chằng, lại có con nhỏ mới 3 tuổi nên con rể ông Định phải ở nhà chăm sóc vợ con. Còn cô con gái út năm nay đang học lớp 11, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Vì vậy, từ khi Văn bị bệnh, chỉ có hai vợ chồng ông Định chăm sóc.

Gia đình ông Định thuộc đồng bào dân tộc Khmer. Tài sản chỉ có vài xào ruộng để xạ lúa nuôi con. Ông bùi ngùi: “Gia đình phấn đấu mãi, vừa thoát được hộ nghèo cách đây một năm. Giờ con lại bệnh như thế này. Cứ tưởng đưa con lên điều trị chỉ hết vài chục triệu, bán đất đi là đủ, không ngờ bệnh của con lại nặng đến như vậy”.

Thương đứa con trai còn chưa lập gia đình, vợ chồng ông Định cố hết sức cứu con, mang bán và cầm cố đất đai để lấy tiền chữa bệnh. Cùng với đó, ông kêu gọi vay mượn từ họ hàng đến người quen, với câu nói “người còn của còn”, chỉ mong giữ lại tính mạng của con.

Tuy nhiên, do bị bệnh máu khó đông, tính mạng của thầy Văn đang trở nên nguy kịch, cần dùng thuốc đông máu đặc hiệu (yếu tố VIII đông khô). Mà tài sản trong nhà cũng đã hết. Có đôi lúc, mọi người ở nơi thầy Văn dạy học thương quá, gom nhau được ít nhiều gửi lên đóng viện phí cho anh. Nhưng vùng quê nghèo, số tiền ấy chẳng thấm vào đâu.

“Có hôm Văn yếu lắm, nói đứt quãng: “Con làm phiền ba mẹ quá. Vì con mà ba mẹ nghèo và khổ cực”. Tôi nói: “Con đừng có nói vậy. Con cái cả mà”. Ông Định kể mà đôi mắt đỏ hoe. Nhìn người cha cứng cõi, cả đời vất vả vì con, lúc này bỗng rơi lệ khiến ai cũng đau lòng.

Khánh Hòa

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Gửi trực tiếp: Bạn đọc có thể liên hệ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy để được hướng dẫn đóng tạm ứng viện phí cho thầy giáo Danh Văn; Hoặc gửi trực tiếp cho ông Danh Định, địa chỉ ấp An Phú, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; Số điện thoại: 0907803108.
2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2019.389
Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam
- SWIFT code: BFTVVNV X
- Qua TK ngân hàng Viettinbank:
Chuyển khoản: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 114000161718
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch
- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Swift code: ICBVVNVX126
3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. SĐT: 08 3818 1436.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/chia-se/can-40-trieu-dong-cuu-thay-giao-day-hoc-tren-hon-dao-nho-593485.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=box_moinongdacbiet1