Khán giả rơi nước mắt trong đêm nhạc 'Như tôi đã sống'

Những khúc ca bi tráng, hào hùng của cuộc đời người Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp trong chương trình 'Như tôi đã sống' đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.

Tối 28/1, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội đã diễn ra đêm nhạc "Như tôi đã sống" tôn vinh các tác phẩm thơ và nhạc của Anh hùng lao động, Đại tá - Nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp.

Anh hùng lao động, Đại tá - Nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp

Đêm nhạc nằm trong series chương trình tôn vinh tác giả tác phẩm của chuỗi “Vàng son một thuở”. Suốt gần 3 tiếng đồng hồ diễn ra, đêm nhạc khiến người xem đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Với câu chuyện đời thăng trầm, hiển hách như một cuốn phim sống động, không ít lần người xem cay cay khóe mắt trước những ca khúc về người lính, về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả. Chân dung một người con của quê hương Nghi Trường, Nghi Lộc, một quân nhân thành đạt, anh hùng lao động, một doanh nhân dũng cảm trên thương trường được khắc họa rõ nét qua hơn 20 ca khúc trong đêm thơ nhạc "Như tôi đã sống".

Ca sĩ Tùng Dương

Ca sĩ Tùng Dương thể hiện ca khúc "Cha tôi'" trong chương trình

Được biết, 20 ca khúc trong chương trình là những sáng tác thơ, nhạc của chính Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp. Ca từ đầy ý nghĩa, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước của người con xứ Nghệ, ghi lại những biến cố dữ dội, hào hùng trong cuộc đời một con người.

Ca sĩ Quang Linh

Ca sĩ Quang Linh biểu diễn ca khúc 'Em tôi'

Chương trình đưa người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hồi ức tuổi thơ đẹp đẽ, hồn nhiên, đến sự ấm áp bao bọc của cha mẹ, gia đình, quê hương trong những năm tháng khó khăn, bom đạn, đến chiến trường khốc liệt, mất mát, đau thương, nhưng ấm tình đồng đội. Và rồi bước tiếp những bước thăng trầm của thời bình, nơi đối diện với bao khó khăn nhưng vẫn luôn đầy đặn, ấm tình người lính. Chữ “Tình” ấy của người lính là cả cái tình lãng mạn, những khoảng lặng, ưu tư trước cuộc đời…

Ca sĩ Bảo Khánh và ca khúc 'Đền Diên cờ'

Ca sĩ Tùng Dương bày tỏ sự tự hào khi được tham gia chương trình hát tôn vinh đại tá - nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp: “Ông là người có công với đất nước, cách mạng trong chiến tranh, và là doanh nhân - nghệ sĩ tài hoa trong thời bình. Ông sáng tác những vần thơ để rồi được các nhạc sĩ phổ nhạc chủ đề chiến tranh, quê hương đất nước đã khơi dậy trong lớp nghệ sĩ sau này sống trong thời bình cảm nhận được những người anh hùng tinh thần hào sảng, tha thiết của quê hương đất nước. Ông thắp lên ngọn lửa giúp cho giới trẻ, thế hệ hôm nay một niềm tin mãnh liệt, tình yêu quê hương đất nước. Tùng Dương rất ấn tượng khi chương trình được dàn dựng công phu, mới lạ theo lối nhạc kịch, và phần nhạc được các nhạc sĩ tài hoa Hà thành thực hiện nên chất lượng và ý nghĩa.”.

Sau đêm nhạc, Anh hùng lao động, đại tá, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Giáp xúc động bày tỏ: “Cuộc đời ai cũng có tuổi thơ và lớn lên, riêng tôi có tuổi thơ đặc biệt đói khổ và cơ cực như tôi viết trong bài Năm tháng tuổi thơ tôi. Nhưng chính vì như vậy con người ta lại trưởng thành: Tình khúc một đời binh đao chiến trận - Nay trả lại cho đời nốt nhạc vần thơ. Chiến tranh cướp đi của chúng ta quyền được sống, được cống hiến, giống như câu hát Đời người thích hoa hồng - Vì kẻ thù buộc ta ôm cây súng. Đó là những thông điệp tôi muốn gửi gắm trong đêm nhạc”.

Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp sinh ngày 16/06/1954 tại Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An. Gia đình có 8 anh em thì cả 8 đều vào bộ đội, trong đó Nguyễn Đăng Giáp là anh cả. Tốt nghiệp cấp III năm 1971, ông có giấy gọi vào Trường Đại học Mỏ địa chất. Háo hức vào bộ đội, cấp trên thoạt đầu muốn cho ông đi học làm quân y nhưng ông cứ nhất quyết xin đi học lái xe. Hiện tại, ông đang là Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư xây lắp và Thương mại 36, Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng.

Em tôi- Quang Linh

Trúc Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giai-tri/khan-gia-roi-nuoc-mat-trong-dem-nhac-nhu-toi-da-song-279412.html