Khan hiếm giáo viên dạy chương trình bằng tiếng Anh

Nhu cầu tuyển dụng giáo viên dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh ở các trường phổ thông ngày càng lớn nhưng các trường sư phạm mới đang bắt đầu vào cuộc.

Xu hướng học các môn khoa học bằng tiếng Anh ngày càng tăng ở các thành phố lớn - Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng 19.5, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo: “Đào tạo giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh trong xu thế hội nhập”. Đây cũng là trường đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình đào tạo giáo viên (GV) dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Chưa thực sự tự tin để giảng tiếng Anh

Theo GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chương trình đào tạo GV dạy toán bằng tiếng Anh chính thức vận hành tại trường từ năm 2013. Đến nay, lứa sinh viên (SV) đầu tiên của chương trình này chuẩn bị ra trường, đang nhận được phản hồi tích cực của trường phổ thông từ kết quả thực tập ban đầu.

Tuy nhiên, GS Minh cũng cho biết dù sau nhiều năm chuẩn bị về chương trình, giáo trình và đội ngũ, thực tế khi triển khai chương trình đào tạo của nhà trường những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các SV được sống cùng và phát huy khả năng ngôn ngữ chuyên ngành của mình còn nhiều hạn chế, SV ít có môi trường thực tập vì số trường phổ thông dạy học bằng tiếng Anh không nhiều.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết TP đã triển khai thí điểm dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được 2 năm tại một số trường THPT. Các trường này đều thực hiện dạy đủ số tiết với các môn khoa học tự nhiên theo quy định của Bộ. Dự kiến, năm học 2017 - 2018, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tăng quy mô trường, lớp, mở rộng thêm các trường chất lượng cao và trường ngoài công lập có đủ cơ sở vật chất và điều kiện GV.

Ông Dũng cho hay dù triển khai bài bản, mỗi môn lựa chọn 12 GV để tập huấn theo từng đợt từ 7 - 9 tháng nhưng khả năng dạy bằng tiếng Anh của một số GV vẫn chưa thực sự tự tin, còn lúng túng với các từ vựng chuyên ngành, nhiều GV chưa soạn được giáo án bằng tiếng Anh.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, đội ngũ GV giỏi về chuyên ngành và giỏi tiếng Anh rất hiếm. Qua 3 năm đào tạo bổ sung tiếng Anh chuyên ngành cho GV các môn khoa học tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội với thời lượng 400 tiết trong đó có 200 tiết tiếng Anh cơ bản và 200 tiết tiếng Anh chuyên ngành nhưng vẫn chưa đủ để GV tự tin lên lớp bằng tiếng Anh. Hơn nữa, số tiết học bổ sung chỉ có 1 tiết/môn/tuần để dạy bằng tiếng Anh nên kết quả chưa khả quan, GV cũng chưa chuyên tâm cho mô hình này.

Theo ông Dũng, chương trình chuẩn để dạy các môn bằng tiếng Anh chưa có. Hiện nay, GV tự tìm tòi và xây dựng, phản biện để xây dựng tài liệu giảng dạy theo các chủ đề chứ không thể “bê” nguyên tài liệu ở đâu về dạy. Mặc dù đòi hỏi cao, thêm nhiều việc nhưng chưa có quy định nào hỗ trợ GV dạy bằng tiếng Anh.

Nhu cầu lớn nhưng không đáp ứng kịp

Ông Dũng cho biết hiện nhu cầu sử dụng đội ngũ GV dạy các môn bằng tiếng Anh ở Hà Nội ngày càng lớn, đặc biệt ở khối trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài… “Do đó, nếu trường sư phạm đào tạo được đội ngũ này một cách bài bản thì sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các trường phổ thông và giảm được gánh nặng chi phí cho nhà trường, phụ huynh”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Thế Đại, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường song ngữ Hanoi Academy, cũng chỉ ra thực tế: Nguồn tuyển dụng GV VN có năng lực bằng cấp sư phạm quốc tế hiện nay còn rất hiếm, SV du học thì ít chọn ngành sư phạm… Ông Đại đề xuất các trường sư phạm cần chú trọng đào tạo để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng này của các trường. Cũng cần thay đổi phương thức kiến tập, giáo sinh phải chủ động liên hệ tới các trường mà mình sẽ xin việc để học việc ngay từ những năm đầu chứ không phải chờ sự phân công theo kế hoạch kiến tập, thực tập của trường ĐH.

Bà Phạm Thị Minh An, Hiệu trưởng Trường THPT Olympia, cũng cho hay những năm trước hầu như nhà trường phải tuyển dụng hoàn toàn GV người nước ngoài để triển khai chương trình này do nguồn GV người Việt rất hiếm. Tuy nhiên, từ năm học 2016 - 2017, trường đã may mắn đón các SV khóa đầu tiên của Khoa Toán tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội về thực tập và 3/5 giáo sinh thực tập đã đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của trường. Hiện trường còn nhu cầu tuyển dụng hàng chục GV dạy các môn bằng tiếng Anh cho cả 3 cấp học.

Bà Minh An đề nghị phải thay đổi thời gian thực tập, thay vì 2 tháng như hiện nay thì mỗi giáo sinh cần ít nhất 6 tháng thực tập tại trường phổ thông.

Hầu hết các ý kiến đều đề nghị các trường sư phạm cũng cần có quy định về chuẩn đầu vào với môn tiếng Anh với các hệ đào tạo này vì thực tế hiện nay trình độ của SV khá chênh lệch, dẫn tới khó khăn trong quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.

Ông Nguyễn Tô Chung, Phó trưởng ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, cũng cho rằng trong những năm gần đây đã có nhiều trường quốc tế được thành lập ở VN nên nhu cầu tuyển dụng GV dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ngày càng tăng lên. Do đó, việc tiếp tục xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh đối với các ngành sư phạm toán và các môn khoa học tự nhiên là cần thiết.

Còn Giáo sư Nguyễn Văn Minh khẳng định phát triển đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh là một phần trong chiến lược phát triển của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đến năm 2024.

Tuệ Nguyễn

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/khan-hiem-giao-vien-day-chuong-trinh-bang-tieng-anh-836931.html