Khẩn trương di dời các lò gạch gây ô nhiễm môi trường tại Đồng Nai

Chậm nhất đến hết năm 2017, các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, nơi tập trung đông dân cư phải loại bỏ lò gạch thủ công. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28-4-2010.

Thế nhưng tại tỉnh Đồng Nai, hàng trăm lò gạch thủ công, thủ công cải tiến nằm ngay gần các khu dân cư, doanh trại quân đội, cơ quan công sở... vẫn hoạt động rầm rộ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống người dân.

Ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm

Buổi trưa, đoạn từ Quốc lộ 51 rẽ vào Khu công nghiệp Long Đức, xã An Phước (Long Thành, Đồng Nai) bốc hơi nóng hầm hập. Không khí khu vực này càng thêm ngột ngạt, khó chịu bởi những luồng khói đen cuồn cuộn phả ra từ những ống khói lò gạch hai bên đường tràn vào khu dân cư. Đoạn đường chỉ khoảng 1km mà có hàng chục lò gạch, cơ sở sản xuất gạch hoạt động với cường độ cao. Từ doanh nghiệp Thanh Hiền Hòa, cơ sở sản xuất gạch Đạt Hùng… đến xưởng gạch Minh Thiện Phát, tất cả ống khói đều thi nhau xả khí thải đen ngòm, khét lẹt, nhất là vào buổi trưa và lúc xế chiều. Không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân xung quanh mà các khu công nghiệp gần đó và bộ đội Lữ đoàn 96 Pháo binh cũng thường xuyên phải gánh chịu hậu quả do khói bụi, ô nhiễm. Ông Phạm Nhật Hạnh, Giám đốc hành chính Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Đức), cho biết: “Trong khu công nghiệp này chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản. Họ rất kỹ tính và sạch sẽ nên thường xuyên phàn nàn về vấn đề ô nhiễm ở đây do các lò gạch thủ công gây ra. Chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị chính quyền địa phương xử lý nhưng chưa thấy hồi âm”.

 Một lò gạch thủ công tại xã An Phước, huyện Long Thành xả khói đen ra môi trường.

Một lò gạch thủ công tại xã An Phước, huyện Long Thành xả khói đen ra môi trường.

Theo quan sát của chúng tôi, các cơ sở này sử dụng nguyên liệu vỏ trấu, vải vụn, bao tải, nhựa và cao su phế phẩm… để nhóm lò, rồi dùng gỗ tạp, vỏ cây để nung gạch nên những ngày nắng mùi khói đã khó chịu, ngày mưa ẩm thấp càng khó chịu hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống trên địa bàn. Những rặng cây gần khu vực lò dính đầy bụi đen. Tường nhà của một số đơn vị thuộc Lữ đoàn 96 Pháo binh cũng ám khói sạm màu. Các lò gạch đất sét nung phần lớn được xây dựng từ nhiều năm trước. Một số lò đã chuyển sang sử dụng công nghệ lò vòng dã chiến (Hoffman). Kỹ thuật lò đơn giản, sản xuất thủ công lạc hậu nên khó tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng ông Trần Long Hải, chủ một lò gạch ở xã An Phước, bao biện: "Chúng tôi sử dụng vật liệu khô và chỉ tranh thủ đốt lò vào buổi trưa; đồng thời ống xả khói đã được nâng cao nên ít ảnh hưởng tới môi trường xung quanh!?".

Nhanh chóng rà soát, xử lý dứt điểm

Lộ trình đóng cửa các lò gạch thủ công đã được UBND tỉnh Đồng Nai triển khai từ vài năm trước. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân và để thời gian cho các lò gạch chuyển đổi kỹ thuật công nghệ mới, chuẩn bị cơ sở vật chất liên quan nên đến nay vẫn chưa đóng cửa được cơ sở nào. Trước đòi hỏi bức thiết của người dân và thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu chính quyền các cấp trong toàn tỉnh phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm các lò gạch hoạt động theo đúng quy định, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và đóng cửa các lò gạch gây ô nhiễm. Chỉ đạo này cũng gia hạn thời gian chậm nhất là ngày 31-12-2017. Thế nhưng đã hơn 6 tháng trôi qua, các lò gạch thủ công vẫn hoạt động, thậm chí một số lò gạch ở xã An Phước còn mở rộng quy mô. Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh yêu cầu: Cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ số lò gạch thủ công trên địa bàn; kiểm tra thực hiện các cam kết, bất kể là loại lò gì mà nằm gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường thì lập tức đóng cửa. Các lò gạch thủ công phải ngừng hoạt động hoàn toàn trong năm 2018.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết thêm: “Toàn bộ 31 lò gạch trên địa bàn nằm trong kế hoạch di dời của huyện. Hiện tại, huyện đã chuẩn bị một cụm công nghiệp vật liệu xây dựng tại xã Phước Bình để di dời các lò gạch tới đó. Trước mắt, UBND huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm minh, đóng cửa ngay nếu phát hiện lò gạch sử dụng chất đốt gây ô nhiễm”.

Người dân các địa phương bị ảnh hưởng mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng phải nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này đã ban hành cần được thực thi nghiêm minh, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", trên "chuyển" nhưng dưới không "động"...

CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khan-truong-di-doi-cac-lo-gach-gay-o-nhiem-moi-truong-tai-dong-nai-543966