Khẩn trương giải quyết cấp giấy chứng nhận tồn đọng

Đến 30-11, tất cả 24 quận, huyện và Văn phòng Đăng ký Đất đai TP phải báo cáo từng trường hợp của hơn 17.000 hồ sơ còn tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắng liền trên đất (GCN) cho UBND TPHCM để xem xét hướng giải quyết và trả lời thỏa đáng cho người dân.

TPHCM còn hơn 17.000 hồ sơ còn tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận.

TPHCM còn hơn 17.000 hồ sơ còn tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận.

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND TPHCM về chuyên đề giải quyết khiếu nại của người dân về cấp GCN vào sáng nay ngày 9-11.

Quy định không rõ ràng

Đại diện Sở TNMT TPHCM cho biết, đến hết tháng 6-2018, TP đã cấp được 1.525.213 GCN, đạt tỷ lệ 95% trên tổng số nhà đất toàn TP. Hiện nay trên địa bàn TP còn khoảng 17.303 trường hợp tồn đọng, chưa được cấp GCN, chủ yếu vướng các quy định: chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-1-2008; lấn chiếm, chuyển nhượng sai mục đích, sử dụng đất sau thời gian được quy hoạch; vi phạm xây dựng nhưng chưa được xử lý… Thời gian qua các cơ quan chức năng cũng nhận hơn 2.074 đơn thư khiếu nại đến lĩnh vực cấp GCN.

Ông Trương Văn Danh, Trưởng Ban pháp chế (HĐND TP), cho biết tình trạng khiếu nại khá phổ biến như cấp GCN nhưng không có đất, chồng ranh trùng thửa… Ông Danh cũng đặt vấn đề về việc xử lý cán bộ, công chức sai phạm dẫn đến khiếu nại của người dân. Đơn cử như trường hợp ở quận 3 có sân chung của 2 nhà nhưng lại cấp giấy cho 1 nhà.

Đại biểu Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP), cho biết đơn thư khiếu nại của người dân ngành TNMT chỉ giải quyết được 20%, đến 80% còn lại chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác giải quyết. Tuy nhiên, việc theo dõi kết quả giải quyết của ngành TNMT như thế nào cũng không rõ, có thể giải quyết dứt điểm được hay không hay phải khiếu nại ở cấp cao hơn? Nhiều ý kiến cho rằng, việc khiếu nại của người dân có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có nguyên nhân từ quy định không rõ ràng, cán bộ có chuyên môn yếu kém nên hướng dẫn người dân không rõ ràng dẫn đến giải quyết sai.

Giám đốc Sở TNMT TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay việc phân loại đơn thư rất khó khăn. Có những trường hợp một nội dung, một vụ việc nhưng nhiều người trong gia đình đứng tên gửi nên gây thêm phức tạp. Hiện nay cơ quan chức năng đang xây dựng phần mềm để xử lý vấn đề này. Về trách nhiệm xử lý, TPHCM đã ban hành Quyết định 36 để phân định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể.

Ông Thắng cho biết trong số hơn 17.000 trường hợp chưa được cấp GCN nói trên, Sở đã phân ra 4 nhóm để xử lý. Thí dụ, TP đã kiến nghị Bộ TNMT cho phép cấp GCN cho những trường hợp mua bán giấy tay từ ngày 1-1-2008 đến ngày 1-7-2014 (Luật Đất đai 2013 có hiệu lực). Trang bị công nghệ, máy móc để xử lý việc chồng chéo khi cấp GCN. Tại những dự án nhà ở như chung cư có sai phạm, Sở TNMT cũng tham mưu TP xem xét cấp GCN cho người dân nếu dựa án đó không ảnh hưởng đến quy hoạch, PCCC, an toàn và sẽ xử lý chủ đầu tư sau.

Báo cáo từng trường hợp cụ thể

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, số lượng hồ sơ cấp GCN trên toàn TP rất lớn. Mỗi tháng, Giám đốc Sở TNMT phải ký cấp cho 58.000 hồ sơ. Tuy nhiên còn tồn đọng hơn 17.000 hồ sơ chưa được cấp là rất lớn. Hiện nay, tại 107 dự án nhà ở đang xem xét giải quyết cũng phát sinh nhiều vấn đề. Có những trường hợp chuyển nhượng ba bên, thế chấp cho ngân hàng rồi đem bán cho người dân, xây dựng sai phép…

Theo ông Tuyến, những trường hợp nào có tính chất dân sự sẽ xem xét hỗ trợ để giải quyết cho dân; những trường hợp chủ đầu tư cố tình sai phạm, có tính chất lừa đảo sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý. Việc xảy ra khiếu nại có nhiều nguyên nhân, nhưng phải xem tại sao cũng quy định đó nhưng có nơi làm tốt có nơi làm không tốt. Phải xem lại trách nhiệm người đứng đầu. Có một thực tế, trong số 1.200 cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ liên quan đến cấp GCN, chỉ có 50% là công chức, 50% còn lại là hợp đồng lao động nên có những thiếu sót. Ngoài ra có tình trạng cán bộ ngại tiếp dân nên nhiều vụ việc kéo dài.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo, từ nay đến ngày 30-11 tất cả 24 quận, huyện và các đơn vị cấp GCN phải báo cáo từng trường hợp cụ thể của 17.303 hồ sơ chưa được giải quyết. Xem vướng chỗ nào, vướng do quy định pháp luật, trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan cấp giấy hay của người dân. Trên cơ sở đó đề xuất UBND TP hướng giải quyết, nếu quận huyện, đơn vị nào báo cáo thiếu phải chịu trách nhiệm. Đến ngày 31-12, Chủ tịch, Phó Chủ tịch 24 quận huyện phải tiếp dân đối với 17.303 hồ sơ nói trên, nêu trước đó chưa tiếp và trả lời bằng văn bản cho người dân. Đến tháng 1-2019, UBND TP sẽ tổng hợp xem xét để trả lời cho người dân, để bà con thấy hồ sơ của mình chưa được cấp vì sao.

Ông Tuyến cũng lưu ý, lãnh đạo các quận huyện phải hết sức cẩn thận để trả lời người dân cho đúng, vì vừa qua có 3 trường hợp quận huyện trả lời rồi, nhưng khi người dân khiếu nại lên TP cho thấy nội dung trả lời không đúng.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải cho biết các vấn đề UBND TP đưa ra để giải quyết cấp GCN là hết sức quyết liệt, đó cũng là cách tốt nhất giảm thiểu việc khiếu nại của người dân. Bên cạnh đó ông Hải cũng đề nghị cần nâng cao năng lực cho cán bộ, tuyên truyền pháp luật đất đai cho người dân để bà con hiểu chia sẻ khó khăn với chính quyền.

Bình Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/khan-truong-giai-quyet-cap-giay-chung-nhan-ton-dong-62998.html