Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng trung tâm điều phối dữ liệu dân cư

Sáng 9/8, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc (4 cấp) sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).

Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành, T.Ư. Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị.

Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành T.Ư; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Sau 6 tháng triển khai, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ cụ thể; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ chung và 1/8 nhiệm vụ cụ thể.

Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng dự thảo các văn bản quy định về định danh và xác thực điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân; hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Về thực hiện các dịch vụ công thiết yếu, đã đưa 21/25 dịch vụ thực hiện trên môi trường điện tử, mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nổi bật là Bộ Công an hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3 và 4, mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng công an nhân dân; Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh.

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.

Tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức với một số cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Đặc biệt, ngày 18/7, Bộ Công an công bố và đưa vào hoạt động chính thức Hệ thống định danh và xác thực điện tử, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đến nay, hệ thống đã thu nhận hơn 6,1 triệu hồ sơ và cấp hơn 7,8 nghìn tài khoản định danh điện tử cho công dân; cấp hơn 67 triệu căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Bên cạnh kết quả đạt được, ở một số địa phương, người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai nhiệm vụ. Một số bộ, ngành chưa hướng dẫn theo ngành dọc nên việc thực hiện tại địa phương còn lúng túng. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; vướng mắc về hạ tầng, nhân lực khi số hóa hồ sơ, tài liệu.

Trong những tháng cuối năm 2022, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các phần việc theo kế hoạch, bảo đảm tiến độ. Lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với các tầng lớp nhân dân, đặc thù vùng miền; phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu của đảng viên và công chức; giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng cấp, ngành, đơn vị.

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06. Đánh giá thực trạng công nghệ thông tin của bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn đề xuất giải pháp đầu tư, trước mắt ưu tiên triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu.

Đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ phát triển công dân số. Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò của Đề án 06 tới sự phát triển KT-XH, tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là mục tiêu thành phần quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại) được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai Đề án 06. Trên cơ sở phân tích khó khăn sắp tới, đồng chí đề nghị tập trung khắc phục, kiên định, kiên trì mục tiêu để hoàn thành các nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ đề ra.

Trong đó, liên tục đổi mới trong triển khai, vừa tạo kết quả đột phá nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chiến lược, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư; nghiên cứu để đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với đặc thù mỗi lĩnh vực.

Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, nhất là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để hoàn thành các mục tiêu Đề án, hướng tới xây dựng hệ sinh thái công dân số, sử dụng hiệu quả tài nguyên thông tin trên cơ sở liên thông, chia sẻ dữ liệu. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương mang đến sự thuận lợi trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tính công khai, minh bạch nhưng vẫn bảo mật được thông tin. Vì vậy, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu gương, tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, nhất là tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Công an khẩn trương hoàn thành việc xây dựng trung tâm điều phối dữ liệu dân cư; nghiên cứu, ứng dụng các cơ sở dữ liệu, tích hợp thông tin trên thẻ căn cước công dân, thiết lập tài khoản định danh; giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan đến sim rác, sớm tạo tài khoản an sinh xã hội để chi trả trợ cấp cho các nhóm đối tượng; triển khai hiệu quả các biện pháp trong giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Đồng chí Mai Sơn chỉ đạo tại điểm cầu Bắc Giang.

Sau hội nghị trực tuyến, đồng chí Mai Sơn yêu cầu các sở, ngành chủ động triển khai những phần việc theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Toàn tỉnh vẫn còn nhiều trường hợp đủ điều kiện cấp căn cước công dân nhưng chưa cấp được, tiến độ chậm. Nguyên nhân một số công dân chưa có nhu cầu làm, chưa nhận thức được ý nghĩa, vai trò khi cấp căn cước công dân; một số ngành, địa phương chưa tập trung chỉ đạo.

Đồng chí đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiến độ cấp căn cước công dân; Chủ tịch UBND các huyện, TP chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Khẩn trương thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố. Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức tập huấn. Làm việc với các nhà mạng xem xét miễn phí hòa mạng internet cho cán bộ tổ công nghệ. Trong xây dựng tổ công nghệ tại khu dân cư quan tâm đưa nòng cốt là đoàn viên, thanh niên tham gia.

Tin, ảnh: Hoài Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chuyen-doi-so/388747/khan-truong-hoan-thanh-viec-xay-dung-trung-tam-dieu-phoi-du-lieu-dan-cu.html