Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ

Các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân. Về thời tiết, đêm nay (18-10) và sáng mai, thành phố Hà Nội tiếp tục có mưa, rét...

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tiến dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại tỉnh Hà Tĩnh.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên đêm nay và sáng mai (19-10), thành phố Hà Nội có mưa, mưa rào; trời rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 17-19 độ C. Trưa và chiều mai, thành phố Hà Nội giảm mây, hửng nắng, nhiệt độ tăng thêm khoảng 4 độ C, nhưng vẫn ở ngưỡng lạnh.

Về thủy văn, mực nước trên các sông: Tích, Bùi đang xuống nhưng rất chậm. Cụ thể, 19h hôm nay, mực nước trên sông Tích tại Trạm thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) đạt 7,8m (dưới báo động lũ cấp III là 0,2m); còn trên sông Bùi, tại Trạm thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) là 6,68m (dưới báo động lũ cấp III là 0,32m). Dự báo 7h sáng mai, mực nước sông Tích ở mức 7,75m, sông Bùi là 6,6m.

Do mực nước sông vẫn ở mức cao nên nhiều khu dân cư, diện tích sản xuất nông nghiệp ven sông Tích, sông Bùi thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai bị ngập lụt. Đến tối 18-10, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) còn 62 hộ dân bị úng ngập sân và vườn nhà khoảng 40-50cm, trong đó có 10 hộ ngập công trình phụ. Còn tại xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ), mưa lũ đã làm ngập úng 255ha sản xuất nông nghiệp (trong đó có 9,6ha rau màu, cây vụ đông, 70,82ha ao nuôi trồng thủy sản), 60 hộ dân của xã bị úng ngập sân, vườn, đường đi...

Hiện các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tiếp tục vận hành hệ thống tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm ngập lụt các khu dân cư. Các địa phương tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân ứng phó mực nước sông dâng cao, đồng thời thống kê thiệt hại đề xuất cơ quan thẩm quyền hỗ trợ...

Về tình hình mưa, lũ tại các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 17h hôm nay, mưa lũ đã làm ngập lụt hơn 80 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Mưa lũ đã làm 3 người chết (tỉnh Nghệ An 2 người, tỉnh Hòa Bình 1 người) và 3 người mất tích (tỉnh Quảng Bình 2 người, tỉnh Quảng Trị 1 người).

Bên cạnh đó, mưa lũ kèm dông lốc đã làm 65 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 2.004ha lúa, 378ha hoa màu, 19ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; úng ngập, sạt lở gây ách tắc 154 vị trí giao thông tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế...

Nhiều hộ dân ở xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) còn ngập sâu trong nước.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên đã sơ tán 1.410 hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở an toàn; trong đó, tỉnh Hà Tĩnh sơ tán 153 hộ dân, tỉnh Quảng Bình sơ tán 292 hộ dân, tỉnh Quảng Trị sơ tán 267 hộ dân, tỉnh Quảng Nam sơ tán 272 hộ dân, tỉnh Đắk Lắk sơ tán 426 hộ...

Ngày 18-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã cử 2 đoàn công tác đi chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị... Các đơn vị quân đội tiếp tục huy động 1.472 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân...

Chiều 18-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất; trong đó, xử lý kịp thời các tuyến giao thông, công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về nhà; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp...

Ngoài sự cố sụt lún đê hữu Đáy qua địa bàn xã Đồng Quang, hiện mặt đê hữu Đáy từ K12+490 đến K12+540, thuộc địa bàn xã Yên Sơn cũng đã xuất hiện vết nứt dài 50m, khe nứt 1cm; tại dốc lên đê hạ lưu K12+990 tại thị trấn Quốc Oai xuất hiện vết nứt dài khoảng 30m, rộng 3-5cm; các vết nứt đang có hiện tượng mở rộng. Ngay sau khi phát hiện, các lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo sụt, lún để các phương tiện chú ý khi lưu thông; chăng dây khoanh khu vực nguy hiểm; chủ động triển khai các biện pháp đề phòng khi có tình huống xấu xảy ra; thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố để chủ động xử lý theo phương châm "4 tại chỗ".

Tương tự, đoạn đê Đồng Giắp qua địa bàn xã Cấn Hữu cũng xảy ra tình trạng sụt lún, với chiều dài 130m, sâu khoảng 40cm, uy hiếp an toàn tuyến đê, khiến các hộ dân sinh sống gần khu vực lo lắng.

Không chỉ ảnh hưởng đến đê điều, trong những ngày qua, mưa lớn đã khiến hàng trăm hộ dân ở các xã: Cấn Hữu, Đông Yên (huyện Quốc Oai) bị ngập chìm trong nước lũ. Huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các xã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, khắc phục và hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống...

Kim Nhuệ - Hoàng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/1014968/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu