Khẩn trương rà soát, nâng tốc độ các cao tốc 4 làn xe phân kỳ lên 90km/h

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị rà soát, kiến nghị các dự án cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe có khả năng nâng tốc độ khai thác lên 90 km/h, báo cáo trước ngày 31/12/2023...

Nhiều tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư có quy mô 4 làn xe cơ giới với làn dừng khẩn cấp không liên tục hiện khai thác với tốc độ tối đa 80km/h.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, 2, 6, 7, 85, Thăng Long về việc rà soát đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên) để có thể khai thác với vận tốc 90 km/h theo tiêu chuẩn TCCS42:2022/TCĐBVN.

BÁO CÁO KẾT QUẢ TRƯỚC NGÀY 31/12

Ngày 22/6/2022, Cục Đường bộ Việt Nam ban hành và công bố Tiêu chuẩn cơ sở Đường ô tô cao tốc - Thiết kế và tổ chức giao thông giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng.

Theo đó, đối với các tuyến đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư có quy mô như trên có thể khai thác với tốc độ đến 90km/h.

Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện nay, một số tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư có quy mô 4 làn xe cơ giới với làn dừng khẩn cấp không liên tục, được đầu tư và đưa vào vận hành khai thác với tốc độ tối đa 80km/h.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam với chức năng là cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ và thẩm quyền phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát các yếu tố kỹ thuật có liên quan của công trình đường bộ cao tốc phân kỳ đầu tư đang khai thác hoặc đang chuẩn bị, thực hiện đầu tư có 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên).

Từ đó, đánh giá tính phù hợp và quyết định việc nâng tốc độ khai thác lên 90km/h thống nhất trên các tuyến đường cao tốc với quy mô nêu trên. Điều này đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức giao thông đối với đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư có 4 làn xe cơ giới, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư chủ động điều chỉnh phương án tổ chức giao thông hoặc các giải pháp kỹ thuật cần thiết, điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật (biển báo, vạch sơn ...) đáp ứng việc nâng tốc độ khai thác khi đưa vào sử dụng.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng có trách nhiệm tổ chức phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đối với các đường cao tốc khi đưa vào khai thác nêu trên theo thẩm quyền.

Bộ Giao thông vận tải giao các Ban quản lý dự án: Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, 2, 6, 7, 85, Thăng Long theo phạm vi, trách nhiệm được giao đối với các dự án do mình quản lý phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị có liên quan cung cấp kết quả thí nghiệm, báo cáo đánh giá... theo yêu cầu, có trách nhiệm thực hiện rà soát và kiến nghị đối với dự án thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh, bổ sung các hạng mục công trình theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, để bảo đảm điều kiện an toàn giao thông khi nâng tốc độ khai thác phương tiện trên tuyến theo quy định.

“Các đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, báo cáo kết quả về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 31/12/2023; đồng thời chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nếu xảy ra chậm trễ khi xử lý công việc thuộc thẩm quyền”, công văn do lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải ký nêu rõ.

NGUỒN LỰC HẠN HẸP, MỤC TIÊU 3.000KM GÂY SỨC ÉP

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp trong khi mục tiêu phải hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 ngày càng gây sức ép, chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến cao tốc với mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h được thông qua.

Trong đó, một số đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào khai thác với tốc độ tối đa cho phép 80km/h, tốc độ tối thiểu cho phép 60km/h như đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mai Sơn - Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng và khai thác với tốc độ 100 - 120km/h.

Trước đó, một số đại biểu Quốc hội cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về nhiều bất cập khi vận hành, khai thác các tuyến cao tốc mới khi chỉ cho phép tốc độ tối đa là 80 km/h, chưa đảm bảo tối ưu về thời gian lưu thông.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc của Việt Nam được chia thành 4 cấp với tốc độ để tính toán thiết kế từ cao nhất đến thấp nhất lần lượt là 120 km/h, 100 km/h, 80 km/h và thấp nhất là 60 km/h.

Trong quá trình đưa các dự án đường cao tốc thực hiện phân kỳ vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải cũng nhận diện được vấn đề về tốc độ khai thác trong giai đoạn phân kỳ đầu tư và giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu. Sau khi đánh giá, Bộ Giao thông vận tải cho phép một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, tình trạng giao thông, an toàn giao thông trên tuyến được khai thác đến tốc độ 90km/h.

Ngoài ra, các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện. Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải trong quý 1/2024 phải ban hành quy chuẩn thiết kế cao tốc.

Anh Tú

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khan-truong-ra-soat-nang-toc-do-cac-cao-toc-4-lan-xe-phan-ky-len-90km-h.htm