Khẩn trương thu hoạch cây vụ đông

Thời điểm này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tất bật thu hoạch cây vụ đông, giải phóng đất để sản xuất vụ xuân.

Những ngày này, gia đình bà Phàm Thị Sản ở thôn Chiềng 2, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) tất bật thu hoạch khoai lang và ngô tẻ. Với 1 sào khoai lang, 3 sào ngô nếp, 2 sào ngô tẻ lấy hạt, bà Sản thu được 7,5 triệu đồng từ bán ngô nếp, còn số khoai lang và ngô tẻ để làm thức ăn chăn nuôi.

Bà Phàm Thị Sản cho biết: Năm nào cũng vậy, gia đình tôi thường trồng cây vụ đông trên toàn bộ diện tích ruộng. Sau khi thu hoạch cây vụ đông, tôi phải làm đất ngay để kịp cấy lúa vụ xuân trước tết Nguyên đán. Song song với thu hoạch ngô và khoai vụ đông, tôi cũng bắt đầu ngâm lúa giống, chuẩn bị làm mạ.

Bà Hoàng Thị Luyện ở thôn Chiềng 1cũng khẩn trương thu hoạch hơn 4 sào ngô tẻ lấy hạt. Dự kiến trong khoảng 1 tuần, bà sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích ngô, sau đó phát dọn cỏ và gốc cây ngô, đắp bờ, cày bừa để cấy lúa vụ xuân. “Năm nay thời tiết ấm, có mưa nên gia đình tôi thu ngô sớm, tranh thủ đất gieo mạ và cấy lúa xuân. Khoảng ngày 20 đến 25 tháng Chạp, chúng tôi sẽ cấy xong toàn bộ diện tích này”, bà Luyện cho biết.

Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn, năm 2023, toàn huyện trồng gần 1.400 ha cây vụ đông, chủ yếu là ngô, khoai lang, khoai tây, rau, đậu các loại… Đây là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được ngành nông nghiệp huyện lựa chọn, khuyến khích người dân gieo trồng. Nông dân các địa phương đang khẩn trương thu hoạch các loại cây trồng vụ đông trên diện tích ruộng cấy lúa 2 vụ để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Dự kiến huyện Văn Bàn cấy 3.350 ha lúa xuân, chiếm khoảng 30% diện tích lúa xuân toàn tỉnh.

Tại huyện Bảo Thắng, nông dân cũng đang tích cực thu hoạch cây trồng vụ đông để tiến hành sản xuất vụ xuân. Với hơn 4 sào trồng dưa chuột gai, sản lượng ước đạt hơn 3 tấn, vụ này gia đình ông Lê Thế Hòa ở thôn Hải Niên, xã Thái Niên thu được hơn 30 triệu đồng. Ông Hòa cho biết: Năm nay thời tiết và thị trường thuận lợi, dưa chuột vừa được mùa vừa được giá, bình quân đạt 11 nghìn đồng/kg. Chúng tôi tập trung thu hoạch dưa chuột từ nay đến tết Nguyên đán Giáp Thìn, sau đó làm đất để trồng dưa hấu, dưa lê vụ xuân.

Không chỉ nông dân huyện Văn Bàn và huyện Bảo Thắng, đa số nông dân các địa phương vùng thấp thời điểm này cũng đang khẩn trương thu hoạch các loại cây trồng vụ đông, giải phóng đất phục vụ sản xuất vụ xuân. Đặc biệt, toàn bộ diện tích cây vụ đông gieo trồng trên đất lúa 2 vụ sẽ được nông dân thu hoạch xong trong tháng 1/2024 để gieo cấy lúa vụ xuân kịp khung thời vụ.

Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 9.800 ha lúa. Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh, nông dân cần tiến hành gieo cấy xung quanh tiết Lập xuân. Do thời vụ trùng với dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên bà con cần chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón và bố trí nhân lực sản xuất đúng thời vụ; kết thúc cấy trong tháng 3 để kịp thu hoạch, giải phóng đất sản xuất vụ mùa. Khuyến khích nông dân sử dụng giống ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương và giống có năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định…

Ngoài lúa, vụ xuân này nông dân toàn tỉnh cũng dự kiến gieo trồng khoảng 10.400 ha ngô và tăng cường sản xuất các loại rau, màu. Đối với diện tích ngô và rau, màu, nông dân cần gieo trồng từ trung tuần tháng 2/2024 và kết thúc thời vụ gieo trồng trong tháng 3/2024 để kịp thời giải phóng đất trồng vụ mùa.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không sử dụng giống để qua nhiều vụ, giống cũ từ nhiều năm trước hoặc những giống hết hạn sử dụng. Chỉ sử dụng các giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức, giống đã được trồng trình diễn tại Lào Cai và được đánh giá kết quả tốt để sản xuất vụ xuân.

Để sản xuất đạt hiệu quả, các địa phương cần thường xuyên theo dõi thời tiết để khuyến cáo cơ cấu và thời vụ gieo trồng phù hợp. Tăng cường kiểm tra, quản lý vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); rà soát, xây dựng phương án phòng, chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích không chủ động về nguồn nước. Tăng cường chỉ đạo áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng như thực hiện gieo cấy cánh đồng 1 giống áp dụng thâm canh lúa cải tiến (SRI); cánh đồng cùng trà theo vùng để thuận lợi cho chăm sóc, thu hoạch; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Tăng cường tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khan-truong-thu-hoach-cay-vu-dong-post378875.html