Khẩn trương ứng phó sạt lở bờ sông ở Đồng Tháp

Tình hình sạt lở bờ sông xảy ra tại nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống sinh hoạt và tài sản của nhiều hộ dân.

Sạt lở đang ăn sâu vào sân nhà dân ở ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, tạo thành những hố sâu

NDĐT - Tình hình sạt lở bờ sông xảy ra tại nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống sinh hoạt và tài sản của nhiều hộ dân.

Hàng trăm hộ đân phải di dời khẩn cấp

Sau gần một tháng xảy ra vụ sạt lở khiến năm căn nhà của người dân sống cặp kênh Nha Mân (thuộc ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) bị sụp hoàn toàn xuống sông, mọi thứ nơi này vẫn còn ngổn ngang. Tuyến đường độc đạo bị sập, để sinh hoạt đi lại, hơn 40 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp phải vất vả len lỏi qua những hàng rào trong xóm.

Vụ sạt lở trên xảy ra vào ngày 15-7 đã làm sập đoạn đường đan với chiều dài hơn 40 m, gần 100 m đường đang bị rạn nứt. Đây là tuyến đường dân sinh độc đạo để các hộ dân đi chợ Nha Mân và tuyến Quốc lộ 80. Khi đi lại, các hộ dân, trong đó có nhiều người cao tuổi và trẻ em bất chấp nguy hiểm vừa len lỏi leo rào qua nhà hàng xóm, vừa đi trên đoạn đường đan đã bị sập trước đó.

Tường, sân nền nhà dân xuất hiện những vết nứt dài do sạt lở.

Ông Nguyễn Văn Liêu (ngụ ấp Tân Thuận) lo lắng nói: “Sạt lở bờ sông thế này thì đường đi của bà con trong khu vực bị đình trệ, khó khăn lắm, nhất là mùa tựu trường sắp đến, học sinh sẽ đi lại khó khăn”. Ngoài năm căn nhà bị sập xuống kênh, gần chục căn nhà khác dù nằm bên trong đường đang có nguy cơ sạt lở cao. Hiện, sạt lở đang ăn sâu vào sân nhà dân, tạo thành những hố sâu, tường nhà một số hộ dân cũng đã xuất hiện các vết nứt, khiến cho người dân không khỏi lo lắng. Sống tại đây hơn 50 năm, nhưng bà Lê Thị Huỳnh Hoa không ngờ đoạn kênh phía trước nhà mình bị sạt lở. Càng lo hơn khi ngôi nhà cất được chín năm với chi phí hơn 200 triệu đồng đang có nguy cơ rạn nứt cao nếu ngành chức năng không sớm làm lại đường đi và kè chống sạt lở. “Phía trước nhà bị sạt lở giờ ở rất lo sợ. Mỗi tối nghe tiếng động là sợ. Giờ các đồ vật quan trọng trong nhà phải mang đi gửi hết. Rất mong sớm xây bờ kè chống sạt lở, nhanh chừng nào tốt chừng nấy để dân đi lại thuận tiện và không tiếp tục ảnh hưởng đến nhà dân”, Bà Lê Thị Huỳnh Hoa (ngụ ấp Tân Thuận) bộc bạch.

Mặc dù ngay sau sạt lở, ngành chức năng đã làm tạm kè bằng cừ tràm, nhiều người dân cũng tự xuất tiền mua cừ tràm và cát gia cố phía trước sân nhà, tuy nhiên tình trạng sụp lún cát nền vẫn đang diễn ra tại khu sạt lở. Chính quyền địa phương đã kiến nghị tỉnh xây dựng kè kiên cố và làm lại đoạn đường sạt lở với thời gian hoàn thành kè dự kiến mất khoảng sáu tháng. Ông Đặng Minh Đông, Chủ tịch UBND xã Tân Nhuận Đông cho biết: “Trước khi xảy ra vụ sạt lở, từ dốc cầu Nha Mân đến Đình Tân Nhuận Đông có 19 căn nhà nằm cặp mé đoạn kênh khu vực sạt lở, xã vận động di dời và người dân tự di dời, đến nay còn ba căn. Sau sự cố sạt lở có sáu hộ dân không còn đất xây nhà, UBND xã đã báo cáo UBND huyện xin chủ trương UBND tỉnh để bố trí vào khu tái định cư, giúp người dân ổn định cuộc sống”.

Bốn ngày sau vụ sạt lở làm sập năm căn nhà tại huyện Châu Thành, rạng sáng 19-7, tại tuyến đường nông thôn (thuộc khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) xảy ra sạt lở khiến căn nhà của anh Trần Văn Trung Em rơi xuống sông, rất may không thiệt hại về người. Ngay sau sạt lở, chính quyền địa phương huy động lực lượng công an thị trấn, dân quân tự vệ phối hợp Công an huyện Thanh Bình có mặt tại hiện trường để giúp gia đình anh tháo dỡ, di dời phần tài sản còn lại đến nơi an toàn.

Từ năm 2018 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn biến phức tạp. Sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra 53 vụ tại 22 xã, phường, thị trấn của tám huyện, thị xã, thành phố, với tổng chiều dài sạt lở hơn 28,5 km, diện tích sạt lở gần 18 ha. Sạt lở cũng làm chết một người dân ngụ khóm Sở Thượng, Phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự. Sau các vụ sạt lở, các ngành, các cấp trong tỉnh đã thực hiện vận động và hỗ trợ hơn 410 hộ trong vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Hiện, tỉnh còn hơn 6.290 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, tình trạng sạt lở xảy ra nhiều hơn ở một số sông, kênh rạch nội đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Trong sáu tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra sạt lở nội đồng tại 16 xã, phường, thị trấn của các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Châu Thành và Lai Vung với tổng chiều dài là 2.980 m, diện tích 7.155 m2, ảnh hưởng trực tiếp hàng chục hộ dân.

Khẩn trương ứng phó, khắc phục sạt lở

Đoạn đường đan với chiều dài hơn 40 m tại ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông bị sập, hư hỏng hoàn toàn do sạt lở.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, sạt lở bờ sông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt các đoạn bờ sông thuộc các xã Thường Phước 1, Long Thuận, Phú Thuận A (huyện Hồng Ngự); xã Tân Bình, An Phong, Bình Thành (huyện Thanh Bình); xã Tịnh Thới, Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, phường 6 (TP Cao Lãnh),…

Về nguyên nhân xảy ra các vụ sạt lở thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân sạt lở chủ yếu do tác động của dòng chảy trên các sông gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định. Ngoài ra, sạt lở còn do các hoạt động của con người như: khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, neo đậu bè cá và nuôi thủy sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông cũng làm thay đổi lòng dẫn và cản trở thoát lũ; phương tiện giao thông chạy với tốc độ lớn dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ.

Nhận định tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ nay đến cuối năm 2019 còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch ứng phó và khắc phục sạt lở bờ sông đến cuối năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Về giải pháp thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực đang sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới. Ngoài các cụm tuyến dân cư đã thực hiện ở giai đoạn 2, cần tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các cụm, tuyến dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân vùng sạt lở. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở đã có quyết định đầu tư. Tăng cường công tác, quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, đặc biệt tại các khu vực đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng. Thực hiện hoàn thành Dự án “Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.

Một đoạn sông sạt lở trên địa bàn xã Hòa An, TP Cao Lãnh.

Tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong hai năm gần đây diễn biến ngày một phức tạp. Do đó, công tác phòng, chống và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh phải được các cấp chính quyền nơi đây tiến hành chủ động và thường xuyên hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sạt lở, sụt lún gây ra.

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41180902-khan-truong-ung-pho-sat-lo-bo-song-o-dong-thap.html