Khẩn trương xây dựng thương hiệu chè Việt Nam

Để ngành chè có hướng đi bền vững riêng, cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu, hạn chế những bất cập, từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt trên thế giới.

 Đại biểu chia sẻ định hướng phát triển bền vững ngành chè Việt Nam.

Đại biểu chia sẻ định hướng phát triển bền vững ngành chè Việt Nam.

Theo Hiệp chè Việt Nam, sản xuất chè 11 tháng đạt 175.000 tấn, ước cả năm đạt 180.000 tấn, so với năm 2019, giảm khoảng 5.000 tấn. Xuất khẩu chính ngạch, 11 tháng đạt 124 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước cả năm, xuất khẩu đạt 135.000 tấn; xuất khẩu tiểu ngạch ước cả năm đạt 10 nghìn tấn.

Tính chung kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2020 đạt 201 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020, ước cả năm 2020 đạt khoảng 220 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm, nguyên nhân do giá xuất khẩu giảm.

Nội tiêu ước cả năm duy trì ở mức 45.000 tấn, giá bán nội tiêu đạt 150.000 đồng/kg (7.000 USD/tấn). Hiện nay, một số dòng chè Shan, nhất là dòng chè Shan mới có giá bán cao, tiêu thụ ổn định. Doanh thu nội tiêu dự kiến đạt 315 triệu USD. Doanh thu xuất khẩu tiểu ngạch đạt 17 triệu USD. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 552 triệu USD. Về cơ cấu sản phẩm gồm 51% chè đen, 48% chè xanh và 1% chè khác.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Ngành chè Việt Nam 2020, 5 năm chương trình đối tác công tư phát triển ngành chè bền vững định hướng giai đoạn 2021 – 2025, ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng Hiệp hội chè Việt Nam nhận định, năm 2020, ngành chè gặp rất nhiều khó khăn, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch COVID -19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi đó, các hợp đồng mới gần như không có.

Đáng chú ý, vấn đề chi phí vận tải cũng gây khó khăn cho nhiều ngành hàng nông sản, trong đó có ngành chè. Ông Hoàng Vĩnh Long chia sẻ, mọi năm chi phí vận tải chỉ khoảng 700 – 900 USD/container thì năm nay lên tới 2.700 – 3.000 USD/container, cao gấp 3 lần, tạo sức ép rất lớn về chi phí, trong khi giá chè lại giảm.

Quang cảnh buổi tổng kết.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo đánh giá, khoảng 90% sản lượng chè của nước ta xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Cùng với đó, hoạt động sản xuất chè còn nhiều hạn chế bất cập... Về cơ bản sản xuất chè của Việt Nam vẫn là sản xuất nông hộ nhỏ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Ðiều này khiến cho chất lượng sản phẩm chè của nước ta không đồng đều và khó đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, thậm chí làm rối loạn thị trường xuất khẩu, không kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè chưa tốt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng.

Để ngành chè có hướng đi bền vững riêng, cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu, hạn chế những bất cập, từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt trên thế giới.

Tin, ảnh: Dương Hạnh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/khan-truong-xay-dung-thuong-hieu-che-viet-nam-570285.html