Kháng chiến chống Minh của nhân dân Thái Nguyên trước khởi nghĩa Lam Sơn

Khi vừa thiết lập nền đô hộ, nhà Minh đã phải đối phó với một phong trào đấu tranh rộng khắp của nhân dân ta từ miền xuôi đến miền ngược. Cuối năm 1407, đầu năm 1408, phong trào khởi nghĩa phát triển rộng khắp ở nhiều địa phương trên địa bàn Thái Nguyên và trong cả nước.

Khi vừa thiết lập nền đô hộ, nhà Minh đã phải đối phó với một phong trào đấu tranh rộng khắp của nhân dân ta từ miền xuôi đến miền ngược. Cuối năm 1407, đầu năm 1408, phong trào khởi nghĩa phát triển rộng khắp ở nhiều địa phương trên địa bàn Thái Nguyên và trong cả nước.

Tiêu biểu cho phong trào này là các cuộc khởi nghĩa của Chu Sư Nhan (ở huyện An Định), Trần Nguyên Khoáng, Nguyễn Đa Bí ở châu Thái Nguyên. Tuy nhiên, những cuộc khởi nghĩa tự phát ấy đều bị quân Minh đàn áp.

Ở các châu huyện thuộc Thái Nguyên, các nhóm nghĩa quân hoạt động rất mạnh mẽ dưới sự chỉ huy của Chu Sư Nhan, Bùi Quý Thăng, Nguyễn Trà, Dương Thế Chân và Ông Lão. Trong các thủ lĩnh nghĩa binh này, Ông Lão là người có thế lực nhất và đã xây dựng được căn cứ ở huyện Động Hỷ. Tuy nhiên, năm Canh Dần (1410), nhà Minh đã cho quân tiến đánh nghĩa binh của Ông Lão, nhưng ông Lão trốn thoát và tiếp tục hoạt động.

Cũng ở Thái Nguyên, đồng bào các dân tộc thiểu số nổi dậy gọi là nghĩa quân “Áo đỏ”, hoạt động mạnh trên một địa bàn rộng lớn và duy trì trong một thời gian khá dài. Tháng 11-1410, nghĩa quân “Áo đỏ” tiến công vào huyện Đại Từ, chính quyền đô hộ ra lệnh cho Đồng Tri phủ Thái Nguyên Ma Bá Hổ đàn áp nghĩa quân, đồng thời bắt bọn thổ quan phủ Tuyên Hóa (Tuyên Quang) là Lương Sĩ Vinh, Hoàng Công Dịch điều động thêm 1.000 quân tinh nhuệ phối hợp với Ma Bá Hổ.

Trước sự tấn công của địch, nghĩa quân “Áo đỏ” tạm lánh vào miền núi rừng hiểm trở, sau đó tỏa ra hoạt động khắp nơi, gây cho địch nhiều thiệt hại. Sang năm 1411, mặc dù quân Minh tăng cường trấn áp, nhưng khắp nơi trong nước, phong trào đấu tranh của nhân dân ta vẫn tiếp tục nổ ra. Ở vùng rừng núi Thái Nguyên, nghĩa quân “Áo đỏ” tiếp tục hoạt động mạnh. Khoảng giữa năm 1412, quân địch tiến hành một cuộc vây quét lớn ở vùng này, nhưng không thể nào tiêu diệt nổi nghĩa quân.

Ông Lão sau lần thất bại ở huyện Động Hỷ tháng 6-1410 đã nhanh chóng xây dựng lại lực lượng và từ giữa năm 1411, lại hoạt động trên một quy mô rộng lớn hơn. Nghĩa quân Ông Lão tuy không đông, nhưng biết dựa vào địa hình miền núi hiểm trở để chiến đấu nên đã gây cho địch nhiều tổn thất. Nghĩa quân từng đánh vào huyện Hữu Lũng (Bắc Giang) và tập kích quân địch ở huyện Động Hỷ. Cuộc khởi nghĩa của Ông Lão kéo dài đến tháng 3-1412.

Đầu năm 1412, trên địa bàn Thái Nguyên nổ ra cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Nhuế - Phụ Đạo ở Đại Từ. Nghĩa quân hoạt động mạnh ở vùng núi Tam đảo. Sau Nguyễn Nhuế bị địch bắt, cuộc khởi nghĩa thất bại.

Có thể thấy, trước khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các đân tộc trên địa bàn Thái Nguyên đã dấy binh khởi nghĩa, kiên cường chống lại ách đô hộ của nhà Minh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202304/khang-chien-chong-minh-cua-nhan-dan-thai-nguyen-truoc-khoi-nghia-lam-son-df611f0/