Khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ biên giới quốc gia

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất.

Cán bộ Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm soát tại khu vực cảng trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CTV

Cán bộ Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm soát tại khu vực cảng trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CTV

Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam không những nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà còn phù hợp với xu thế phát triển của tình hình thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của BĐBP nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP năm 1997.

Có thể khẳng định, khi Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua sẽ đồng bộ với hệ thống pháp luật, đồng bộ với Hiến pháp, với các Bộ luật trước đây mà chúng ta đã ban hành như Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Cảnh sát Biển, Luật Dân quân tự vệ, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Quân nhân chuyên nghiệp... Đặc biệt, nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Đồng thời, khẳng định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trực tiếp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và phòng thủ đất nước từ sớm, từ xa.

Dự thảo Luật đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ động về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xác định vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các bộ, ngành và địa phương về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đặc biệt, khẳng định rõ vị thế của BĐBP qua hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, không ngừng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức với những thành tích trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng BĐBP đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Nhiệm vụ Biên phòng bao gồm nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng trong Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định rất rõ phạm vi, nguyên tắc và nội dung phối hợp nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Dự thảo Luật cũng làm rõ hơn việc làm thế nào để vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại khu vực biên giới, cửa khẩu, vừa đảm bảo giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và những nhiệm vụ khác, nhằm tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, khu vực biên giới... là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhưng phải có lực lượng chủ trì, lực lượng nòng cốt, chuyên trách, không thể như một số ý kiến cho rằng biên phòng chỉ là đối tượng chứ không phải là chủ thể quan hệ pháp luật. Nội dung này là quy định đối với lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia ở khu vực biên giới nên không thể so sánh với một số bộ, ngành khác không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Về “Nhiệm vụ biên phòng và Biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng”, một số ý kiến cho rằng: Chính phủ không cần thiết quy định chi tiết biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng, vì “Nhiệm vụ biên phòng” chẳng qua cũng chỉ là “Biện pháp công tác biên phòng hay biện pháp công tác của BĐBP”, nên chỉ cần giao cho Tư lệnh BĐBP là được. Hoặc có đề xuất, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương... thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì không cần các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương... chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng nữa; Bộ Quốc phòng (BĐBP), Bộ Công an, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương, nội dung nào chủ trì, nội dung nào phối hợp đã được pháp luật quy định. Thậm chí, có ý kiến đề nghị, Chính phủ không cần quy định chi tiết về quy định phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng mà chỉ cần quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi trách nhiệm phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, do đó, BĐBP không có chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia vì chỉ là một đơn vị cấp quân chủng mà phải là Bộ Quốc phòng...

Theo tôi, đây là nhận thức chưa đầy đủ, vì BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới..., là thành phần của QĐND Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng quy định và giao nhiệm vụ trong các luật, các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện trải qua hơn 61 năm qua. Cụ thể: Luật Biên giới quốc gia 2003, Luật An ninh quốc gia 2004 và Luật Quốc phòng 2018 đều giao Bộ Quốc phòng (BĐBP) chủ trì trong công tác quản lý, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới..., thực tế đã và đang đạt hiệu quả cao, không có sự chồng chéo, khó khăn nào.

Mục tiêu xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam nhằm làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại khu vực biên giới, cửa khẩu, để vừa bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vừa tránh sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thực thi nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu bằng pháp luật. Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua thì càng khẳng định sâu sắc hơn chủ trương, quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về vị trí, tầm quan trọng của lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Vì chuyên trách là chuyên sâu vào một lĩnh vực khi làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu, còn nòng cốt là ở tất cả các nội dung được xây dựng theo một trình tự từng bước, từng giai đoạn có tính chiến lược như xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Để thực hiện được mục tiêu này không chỉ một lực lượng làm được mà có thể nói, đây là sức mạnh tổng hợp của cả đất nước, của nhiều lực lượng, của toàn dân, trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thì mới tránh được tình trạng “tranh công đổ lỗi”. BĐBP chủ trì duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu không chỉ tăng cường sự phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chung, mà còn cùng các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điển hình, như trong dịp phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó, Quân đội được Chính phủ giao nhiệm vụ hết sức nặng nề là tổ chức các khu vực cách ly trên địa bàn cả nước và đón tiếp công dân từ nước ngoài về đưa vào cách ly; ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua biên giới. Trong điều kiện, nước ta có đường biên giới dài, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia; có lượng lao động tại các nước láng giềng lớn, lực lượng BĐBP đã kiểm soát rất chặt chẽ, đúng pháp luật tại các cửa khẩu, cảng biển. Trên các tuyến biên giới, BĐBP đã làm nòng cốt tổ chức tốt lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân, công an các địa phương tổ chức chốt chặn, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân và kịp thời phát hiện, đưa đi cách ly những trường hợp nhập cảnh trái phép, từ đó, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan vào khu vực biên giới và cộng đồng.

Tiến sĩ Đặng Quang Minh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khang-dinh-ro-chuc-nang-nhiem-vu-cua-luc-luong-nong-cot-chuyen-trach-trong-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-post434106.html