Khẳng định tự cường, xây nền thống nhất

Từ 'một người áo vải' ở động Hoa Lư, 'đứng lên mà dẹp yên nước', đặt niên hiệu Thái Bình, mở thời thịnh trị, củng cố giang sơn, xây nền độc lập, Đinh Tiên Hoàng đã để lại một sự nghiệp võ công, văn đức vẻ vang. Nước Đại Cồ Việt ta từ thuở ấy khẳng định vị thế tự cường.

Thống nhất giang sơn, khẳng định tự cường

Sau Chiến thắng Bạch Đằng vang dội năm 938, Ngô Quyền ở ngôi được sáu năm thì mất (944). Dương Tam Kha cướp quyền gây loạn 12 sứ quân kéo dài tới 22 năm (945 - 967). Các sứ quân cát cứ trên khắp vùng đồng bằng, trung du và ven biển Bắc Bộ. Xu hướng cát cứ mạnh lên khiến triều Ngô đến đời thứ hai thì mất quyền kiểm soát. Cuộc chiến hỗn loạn giữa các sứ quân làm kinh tế điêu tàn, nhân dân khốn khổ.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đinh Bộ Lĩnh sinh khoảng năm 924 ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Tuổi thơ mồ côi cha mẹ, phải đi chăn trâu nhưng mang chí lớn từ khi tập trận cờ lau, lúc Đinh Bộ Lĩnh trưởng thành cũng là lúc đất nước đang phải chịu loạn 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh chiếm động Hoa Lư (nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) làm căn cứ. Bằng bản lĩnh và tài năng quân sự, Đinh Bộ Lĩnh đánh đến đâu thắng đến đó, được quân thần suy tôn là Vạn Thắng Vương. Từ một lực lượng nhỏ bé ban đầu, được nhân dân hưởng ứng, chỉ trong một thời gian ngắn, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp tan được cục diện cát cứ tồn tại trong nhiều năm, khôi phục thống nhất quốc gia.

Năm 968, sau khi thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, sáng lập vương triều Đinh, được tôn là Đinh Tiên Hoàng đế. Sử cũ ghi rằng: “Đinh Tiên Hoàng đứng lên mà dẹp yên nước, nổi tiếng anh hùng Vạn Thắng, gồm được cả đất mười hai sứ quân. Nước ta chia rẽ đã lâu, nay thành thống nhất” (Việt Sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ). Việc xưng đế của Đinh Tiên Hoàng mang đậm ý thức tự tôn, tự cường dân tộc bên cạnh một đế chế Trung Hoa rộng lớn và mạnh mẽ. Không chỉ xưng đế, Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt tức Nước Việt to lớn, phủ nhận các tên gọi nước ta trước đó của triều đình phong kiến phương Bắc như: An Nam, Giao Chỉ, Giao Châu… Hơn thế nữa, quốc hiệu Đại Cồ Việt của Đinh Tiên Hoàng còn như một đối sánh với tinh thần Đại Hán của vua quan Trung Quốc thời bấy giờ.

Hai năm sau khi đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của các hoàng đế Trung Hoa, đặt niên hiệu mới là Thái Bình. Việt sử lược - bộ sử xưa nhất của nước ta còn lại cho đến nay - ghi rõ: Canh Ngọ, tam niên, cải nguyên viết: Thái Bình nguyên niên. Nghĩa là: Canh Ngọ năm thứ 3 (970), cải nguyên là năm đầu niên hiệu Thái Bình. Ý chí độc lập dân tộc được Đinh Tiên Hoàng khẳng định rõ nét và mạnh mẽ.

Củng cố sức mạnh giữ nền độc lập

Việc lập kinh đô ở Hoa Lư của Đinh Tiên Hoàng không phải chỉ căn cứ vào ý muốn chủ quan mà còn dựa trên tầm nhìn về yêu cầu tự bảo vệ của quốc gia Đại Cồ Việt non trẻ lúc đó. Khi ấy, Hoa Lư đã là một tụ điểm dân cư đông đúc, lại nằm trên trục đường giao thông thủy bộ bắc nam, chung quanh có núi non, sông ngòi bao bọc thuận lợi cho phòng thủ, cũng thuận lợi cho phản công. Từ đây có thể khống chế cả vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn và vùng phía nam. Với tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự, Đinh Tiên Hoàng đã nhận ra những ưu thế “địa lợi” và “nhân hòa” của Hoa Lư sẽ bảo đảm sự vững chắc cho việc xây dựng và củng cố bộ máy quyền lực nhà nước của mình.

Từ cuối thế kỷ 10, nhà Tống trở thành một triều đại hùng mạnh. Vua Tống liên tục gây áp lực quân sự và ngoại giao nhằm khuất phục và thôn tính Đại Cồ Việt. Việc ở cạnh một đế chế hùng mạnh ở phương Bắc là mối lo lớn với nền độc lập non trẻ. Xây dựng lực lượng, củng cố quốc phòng để giữ nước là một yêu cầu cấp thiết của Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng khẩn trương tập trung vào mục tiêu xây dựng đất nước, củng cố nền độc lập thống nhất. Ông đặc biệt chú ý xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu, sẵn sàng chống giặc ngoại xâm.

Xây dựng lực lượng quân đội bằng cách kết hợp cả binh và nông là một đặc điểm của “chính sách quốc phòng Đại Cồ Việt”. Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng một lực lượng quân đội mạnh với 10 đạo quân “mỗi đạo mười quân, mỗi quân mười lữ, mỗi lữ mười tốt, mỗi tốt mười ngũ, mỗi ngũ mười người” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1). Dù lúc đó dân số nước ta không nhiều nhưng quân đội tổ chức theo cách “động vi binh, tĩnh vi dân”, “khi có việc thì gọi ra, xong việc lại trở về làm ruộng”. Cách tổ chức quân đội này được kế thừa, vận dụng và phát triển để trở thành quốc sách Ngụ binh ư nông trong thời Lý, Trần và Lê sơ. Ở triều đình trung ương thì duy trì một lực lượng tinh nhuệ được huấn luyện và trang bị tốt để bảo vệ vương triều.

Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng vẫn “sai sứ sang giao hảo với nhà Tống, đem biếu các sản vật địa phương”, nhưng thường xuyên theo dõi mọi động tĩnh của nhà Tống. Mặc dù nhà Tống luôn có tham vọng bành trướng xuống phương Nam, nhưng với chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo, ở thời Đinh, trong quan hệ giữa nhà Tống với nước ta không xảy ra xung đột.

Du khách tham quan cố đô Hoa Lư. Ảnh: THÁI BÁ

Thái Bình thịnh trị xây dựng đất nước

Ngoại giao mềm dẻo để giữ yên bờ cõi, cuộc xây dựng đất nước trong thái bình được Đinh Tiên Hoàng hối thúc đẩy mạnh. Ở các địa phương, Vua Đinh chia nước làm nhiều đạo, dưới đạo có các giáp, xã. Qua thần tích, ngày nay chúng ta có thể tìm hiểu Đinh Tiên Hoàng đã quan tâm đến việc khẩn hoang, lập làng, mở rộng việc cày cấy ở vùng ven biển. Theo Thượng từ ngọc phả ở đền Thượng, thôn Quang Sán, xã Mỹ Hà (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), thì Lã Tá Công là một sứ quân hàng phục Đinh Bộ Lĩnh, tham gia dẹp loạn, lập nhiều chiến công, sau đó về khẩn hoang ở vùng đồng bằng hữu ngạn sông Hồng được hơn 2.000 mẫu. Bùi Quang Dũng đã từng tham gia dẹp loạn 12 sứ quân được Đinh Tiên Hoàng phong chức Trấn đông Tiết độ sứ, quản lý khẩn hoang ở Cửa Bố (tỉnh Thái Bình), v.v.

Trong thời Đinh, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa đã phát triển, nghề thuộc da, nghề mộc, nghề làm gạch phát triển để xây dựng cung điện, thành lũy. Nhà vua có các xưởng thợ chuyên đúc tiền, đúc ra đồng tiền “Thái Bình thông bảo”. Dấu vết của đồng tiền minh chứng cho kinh tế hàng hóa ở trong nước và giao thương với nước ngoài thời đó khá tấp nập.

Văn hóa cũng được triều đình chú trọng quy định nền nếp. Tầng lớp trí thức tăng sĩ được coi trọng. Thiền sư Ngô Chân Lưu giữ chức Tăng thống, được tôn hiệu là Khuông Việt đại sư đứng đầu hàng tăng giám. Khuông Việt đại sư tham dự nhiều công việc triều chính. Giới trí thức Phật giáo là thành phần xã hội có ảnh hưởng nhất khi đó. Nhà vua không chỉ dựa vào họ để tham vấn các vấn đề chính trị, ngoại giao mà còn có thể hướng cảm tình, tìm sự ủng hộ của đông đảo Phật tử trong nước. Việc học chữ Nho được quan tâm. Các nhà sư, đạo sĩ dùng chữ Nho để truyền đạo…

Đất nước thống nhất dưới thời Đinh Tiên Hoàng đã tạo sự ổn định và xây dựng cơ sở ban đầu cho các vương triều sau này xác lập chế độ phong kiến ở nước ta. Đây là dấu mốc quan trọng mở ra một thời kỳ phát triển mới cho lịch sử dân tộc, là sự khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước. Sử gia Ngô Thì Sĩ sau này đã bàn về sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng như sau: “Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới. Trị vì ba năm, mới bắt đầu thông hiếu với nhà Tống, điển chương nhà vua, tước trật của quân đội, rất mực đáng khen. Sự nghiệp mở mang, có thể nói là rất lớn”. Lời nhận xét này là rất xác đáng.

THIÊN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/36162702-khang-dinh-tu-cuong-xay-nen-thong-nhat.html