Khẳng định tư duy sáng tạo của Đảng, sự chăm lo của toàn dân

Sáng 29-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng (BQP) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Phát huy vai trò nòng cốt của quân đội anh hùng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh'.

Dự hội thảo có đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ trưởng BQP; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP: Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Tổng Tham mưu trưởng; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Thường vụ QUTƯ. Cùng dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo đại diện ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; các tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo BQP; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP; đồng chí Bùi Trường Giang, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì hội thảo.

Giá trị thực tiễn to lớn ngày hội Quốc phòng toàn dân

Sau phần khai mạc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu chỉ đạo hội thảo. Cùng với nêu khái quát truyền thống, thành tích đạt được của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam từ khi thành lập đến nay, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Để tiếp tục phát huy truyền thống quân đội anh hùng và vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa VI) ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ lấy ngày 22-12-Ngày thành lập QĐND Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD). Sau 30 năm thực hiện Ngày hội QPTD, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Ngày hội QPTD thực sự trở thành ngày hội BVTQ, tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ; là dịp phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. Tổ chức hội thảo khoa học nhằm làm rõ truyền thống anh hùng, bản chất tốt đẹp và những nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh quật cường của quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ hiện nay; khẳng định rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa và giá trị thực tiễn to lớn Ngày hội QPTD; tiếp tục giáo dục, bồi đắp truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào về quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng; qua đó, đúc rút những kinh nghiệm quý, những bài học hay để vận dụng thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN (toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).

 Các đại biểu trao đổi ý kiến tại hội thảo.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nêu rõ: Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giáo dục, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, QĐND Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh không ngừng. Từ 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế, đến sự nghiệp xây dựng CNXH và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Quân đội ta ngày càng được xây dựng, củng cố, hoàn thiện về cơ cấu, có sức mạnh tổng hợp, với các quân chủng, binh chủng hiện đại, các binh đoàn chủ lực cơ động mạnh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ BVTQ.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 90 bài tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo BQP, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ: Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế; lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Kon Tum, các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội… Mỗi tham luận là một công trình khoa học độc lập, đi sâu nghiên cứu theo từng vấn đề cụ thể, trong hệ đề tài được xác định.

Phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng vững mạnh

Tại hội thảo, các tham luận đều khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, QĐND Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, cùng cả nước hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, tiến lên CNXH; phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời quân đội là lực lượng chủ công trên các công trình trọng điểm của đất nước, từ xây dựng hạ tầng đến ngành năng lượng quốc gia, hệ thống giao thông, viễn thông đến các ngành kinh tế, xã hội; lập được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực mới, như công nghệ thông tin và các ngành đòi hỏi công nghệ cao khác… Đó là sự chứng minh hiệu quả chức năng của "đội quân sản xuất", là sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo chủ trương của Đảng. Trong tham luận của mình, Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 nêu rõ: “Thời gian qua, Quân khu 7 cùng với các địa phương, chỉ đạo LLVT gắn nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, gắn với quy hoạch, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ”.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Đảng, quân đội đã làm tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần BVTQ từ sớm, từ xa. Ở vai trò nào, nhiệm vụ nào, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ cũng hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao, tiếp tục phát huy truyền thống quân đội anh hùng trong thời bình. Đề cập về bản chất Bộ đội Cụ Hồ, GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học-Nghệ thuật Trung ương phân tích: “Hình ảnh và tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho LLVT. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta”.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại

Cội nguồn sức mạnh để làm nên những chiến công, thành tựu đó chính là sự lãnh đạo của Đảng, là ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Được Đảng và Bác Hồ trực tiếp giáo dục, rèn luyện, Quân đội ta đã trưởng thành, lớn mạnh không ngừng, trở thành lực lượng tin cậy trung thành của Đảng, của dân tộc. Bởi vậy, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yếu tố tiên quyết để QĐND Việt Nam hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng với đó, các tham luận đều nêu bật, tôn vinh những chiến công, thành tựu; làm sâu sắc hơn những vấn đề có tính quy luật, tính nguyên tắc về quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QĐND Việt Nam; đúc rút những bài học kinh nghiệm quý vận dụng vào sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng nền QPTD vững mạnh.

Đề cập về những thắng lợi trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, các tham luận tập trung khẳng định: Mỗi chiến công, mỗi thành tựu của QĐND Việt Nam trong 75 năm qua là sự kết tinh của nhiều yếu tố. Đó là sự lãnh đạo của Đảng, là thực hiện theo tư tưởng của Bác, là sự đóng góp của nhân dân, sự phấn đấu hy sinh quên mình, anh dũng, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ... đã đi vào lịch sử dân tộc như bản hùng ca bất hủ, biểu tượng sáng ngời ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do, vì CNXH, để lại những kinh nghiệm sâu sắc về tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, về xây dựng lực lượng, phương pháp tiến hành và nghệ thuật quân sự phát huy sức mạnh tổng hợp trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Bằng chính những hoạt động thực tế ở mỗi cấp, ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị… các tham luận đã minh chứng, làm nổi bật những kết quả sau 30 năm thực hiện Ngày hội QPTD, từ đó khẳng định việc Đảng ta quyết định lấy ngày 22-12, ngày thành lập QĐND Việt Nam là Ngày hội QPTD hết sức đúng đắn; đó là kết quả tư duy sáng tạo của Đảng, phù hợp với thực tiễn đất nước; góp phần quan trọng vào việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để tăng cường tiềm lực của đất nước nói chung, tiềm lực quốc phòng nói riêng. Bày tỏ về ý nghĩa của Ngày hội QPTD, Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) khẳng định: “Thông qua Ngày hội QPTD, chúng ta đã huy động được tiềm lực của toàn dân tộc để xây dựng nền QPTD vững mạnh. Đó là một nền quốc phòng với mục đích hòa bình, tự vệ, mang tính chất vì dân, do dân, của dân, phát triển theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, do nhân dân làm chủ”.

Trên cơ sở tổng kết những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, các tham luận đã rút ra những kinh nghiệm nhằm vận dụng để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Ngày hội QPTD trong xây dựng và củng cố nền QPTD vững mạnh. Đó là: Tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ngành, cơ quan quân sự trong việc tổ chức; gắn việc tổ chức ngày hội với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương. Cơ quan quân sự các cấp cần có hướng dẫn cụ thể cách thức, nội dung cũng như việc lựa chọn chủ đề của từng năm để tổ chức ngày hội cho phù hợp, hấp dẫn, có hiệu quả...

Chia sẻ về những suy nghĩ của mình, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng nói: “Tự hào miền đất khai sinh QĐND anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng phát huy truyền thống, khai thác tiềm năng, thế mạnh đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, quân và dân Cao Bằng tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Cao Bằng thành địa phương mạnh về kinh tế, vững chắc về thế trận, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh: Sau 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, QĐND Việt Nam đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, viết nên truyền thống vẻ vang. Đó là vốn quý cần tiếp tục phát huy để xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt xây dựng nền QPTD vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Sau 30 năm thực hiện Ngày hội QPTD đã phát huy vai trò trong xây dựng, củng cố nền QPTD, xây dựng LLVT nhân dân. Đây chính là ngày hội giữ nước, mang nhiều nét đặc sắc, chưa từng có trong lịch sử, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, khẳng định tính sáng tạo của Đảng trong huy động sức mạnh của toàn dân tộc cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: DUY HỒNG - DUY ĐÔNG - VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khang-dinh-tu-duy-sang-tao-cua-dang-su-cham-lo-cua-toan-dan-603914